Hà Tĩnh triển khai chiến dịch chăm sóc SKSS tại xã có mức sinh cao

26-11-2021 19:10 | Sức khỏe sinh sản

SKĐS - Thay vì triển khai trên toàn tỉnh như trước, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Hà Tĩnh quyết định "thu gọn" địa bàn triển khai chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại 50 xã có mức sinh cao...

Theo Chi Cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ Hà Tĩnh Bùi Quốc Hùng, thay vì được tổ chức làm 2 đợt với diện "phủ sóng" tại 100% xã trên địa bàn toàn tỉnh như trước, năm nay, chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở Hà Tĩnh chỉ được thực hiện 1 đợt duy nhất.

Phạm vi chiến dịch được thu gọn tại 50 xã, phường, thị trấn có mức sinh cao, có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao và là địa bàn khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Hà Tĩnh triển khai chiến dịch chăm sóc SKSS tại xã có mức sinh cao - Ảnh 1.

Việc triển khai chiến dịch lần này do Chi cục DS-KHHGĐ phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế huyện tổ chức cung cấp dịch vụ bằng hình thức lưu động. Các dịch vụ miễn phí trong chiến dịch chủ yếu sẽ tập trung vào gói cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Chiến dịch sẽ được tổ chức từ 24/11 đến 31/12 với kế hoạch gần 800 người thực hiện.

Để triển khai chiến dịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong khi tình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các huyện, thành, thị đã xây dựng kế hoạch chi tiết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận người dân.

Theo đánh giá, dịch bệnh khiến nhiều chương trình, hoạt động của ngành dân số bị gián đoạn, vì thế, việc tổ chức chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ miễn phí tại một số xã, phường đã thực sự đáp ứng sự mong mỏi của người dân. Đây cũng là giải pháp để các địa phương nỗ lực thực hiện mục tiêu, kế hoạch năm 2021.

Tại huyện Đức Thọ, ngoài truyền thông nâng cao nhận thức, tạo dư luận xã hội ủng hộ việc thực hiện chiến dịch, cán bộ dân số còn đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Chiến dịch năm nay chỉ tập trung đối tượng hẹp, thực hiện gói dịch vụ KHHGĐ tại thị trấn Đức Thọ và các xã: Tân Dân, Đức Đồng và An Dũng nên cán bộ dân số phân chia lịch cụ thể thực hiện tại từng địa bàn, phân khung giờ hợp lý để tránh tập trung đông người. Dự kiến từ ngày 25/11, chiến dịch bắt đầu được triển khai.

Còn tại xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà), từ đầu năm đến nay, công tác dân số của xã gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn vẫn ở mức cao, hơn 30%. Vì thế, để thực hiện kế hoạch, đội ngũ cộng tác viên dân số đã bám nắm địa bàn, lập danh sách dự kiến, trực tiếp đến từng nhà, từng người để tuyên truyền, vận động. Mặc dù việc triển khai chiến dịch trùng với thời gian tiêm chủng nhưng họ đã bố trí thời gian hợp lý để thực hiện hiệu quả.

Theo công bố của Bộ Y tế, Hà Tĩnh là tỉnh có mức sinh cao nhất cả nước với 2,83 con/phụ nữ, gấp hơn 2 lần so với mức sinh ở TP HCM - địa phương có mức sinh thấp nhất nước ta. Tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ này đặt mục tiêu tới năm 2030 tổng tỷ suất sinh đạt khoảng 2,51 con/phụ nữ, quy mô dân số 1,376 triệu người.

Giảm mức sinh, phấn đấu đạt mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên là mục tiêu lớn của Hà Tĩnh từ nay tới năm 2030.

Để đạt được kết quả như mục tiêu, ngay từ đầu năm, Hà Tĩnh đã áp Nghị quyết 221 quy định một số chính sách về công tác dân số phát triển trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030.

Nghị quyết 221/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 quy định một số chính sách về công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030 có sự thay đổi đáng kể về chính sách khuyến khích khen thưởng ở các địa phương; chính sách khuyến khích, khen thưởng đối với đội ngũ cộng tác viên dân số và những người dân được hưởng lợi cũng có sự thay đổi với chiều hướng tích cực, góp phần tạo động lực trong việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.

Cụ thể, thay vì được hỗ trợ 2 triệu đồng/1 năm và 5 triệu đồng/2 năm liên tục cho các xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 như trước, việc khen thưởng trong Nghị quyết 221 đối với những tập thể được mở rộng bằng quy định: xã, phường, thị trấn có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong 1 năm dưới 5% sẽ được thưởng 5 triệu đồng. Việc khen thưởng thôn, tổ dân phố trước đây thuộc thẩm quyền của các huyện, thành, thị nay sẽ do tỉnh khen thưởng.

Nghị quyết 221 còn quy định phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai đặt dụng cụ tử cung tại các cơ sở y tế nhà nước được miễn phí khám phụ khoa, thử thai, cấp dụng cụ tránh thai và một cơ số thuốc theo quy định.

Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số cũng được khuyến khích xứng đáng: Khi vận động được 1 ca thực hiện đặt dụng cụ tử cung sẽ được hỗ trợ 100 ngàn đồng (cao gấp 3 lần so với trước); vận động 1 ca thực hiện tầm soát, sàng lọc sơ sinh được thưởng 50 ngàn đồng. Đây được xem là nguồn động viên phù hợp để đội ngũ cán bộ, CTV dân số yên tâm gắn bó với công việc.

Mời độc giả xem thêm video

3 loại nước không nên uống sau khi ngủ dậy


T.H
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn