Duy trì mức giảm sinh quá lâu sẽ để lại nhiều hệ lụy
Thông tin tại đây, ông Nguyễn Văn Tân - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho biết, đây là lần đầu tiên trong suốt 20 năm qua, Ban Chấp hành TW đã đưa ra nhận định nếu duy trì mức giảm sinh quá lâu sẽ để lại những hệ lụy và muốn giải quyết được vô cùng khó khăn. Do đó, Nghị quyết này tập trung vào hai điểm mới chính. Thứ nhất, suốt 55 năm qua, kể từ năm 1961, chúng ta tập trung vào giải quyết quy mô dân số tập trung vào sinh đẻ có kế hoạch, sau đó tập trung vào thực hiện kế hoạch hóa gia đình, mục tiêu là giảm sinh và đạt mức sinh thay thế vào năm 2006 và duy trì từ đó đến nay. Định hướng suốt thời gian qua với Nghị quyết lần này chuyển hướng công tác sân số sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số như quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số.
Tiếp đó, điểm mới thứ 2 cũng là vấn đề được quan tâm hiện nay. Nếu như từ trước đến nay giải quyết quy mô dân số đi một chiều với khẩu hiệu mỗi cặp vợ chồng sinh 1-2 con để nuôi dạy cho tốt thì Nghị quyết lần này không đặt ra vấn đề giảm sinh mà duy trì mức sinh thay thế. Tiếp tục vận động giảm sinh ở vùng có mức sinh cao và tăng sinh ở vùng có mức sinh thấp.
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN
Nguy cơ 4,3 triệu đàn ông Việt sẽ khó lấy được vợ vì tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay
Tại buổi gặp mặt báo chí, trước câu hỏi của các phóng viên liên quan đến việc có cho phép người dân ở vùng có mức sinh thấp sinh con thứ 3 hay không? Ông Nguyễn Văn Tân đã khẳng định, về mặt chính sách pháp luật, Việt Nam không có quy định khống chế người dân sinh bao nhiêu con nhưng có chính sách vận động mỗi gia đình có 2 con, trừ nhóm đảng viên. Trước năm 2008, các địa phương đưa ra quy định cụ thể, từ năm 2008 có Nghị quyết 94 của Trung ương thống nhất hình thức phạt với đảng viên sinh con thứ 3 bị cảnh cáo, thứ 4 bị khai trừ; từ năm 2013 chính sách được nới ra sinh con thứ 3 bị khiển trách, thứ 4 cảnh cáo, thứ 5 mới khai trừ. Mọi người dân không có quy định này, sinh bao nhiêu con là quyền của người dân, không yêu cầu người dân sinh chừng này, giờ “nới ra”.
Ông Tân cũng cho biết, nếu có tiến hành rà soát thì chỉ rà soát quy định với đảng viên, hiện nay một số địa phương vẫn có quy định này.
Liên quan đến vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đang được dư luận quan tâm, ông Nguyễn Văn Tân cũng cho biết hiện nay tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã diễn ra phổ biến tại nhiều vùng kinh tế - xã hội trong cả nước, riêng khu vực Tây Nguyên tình trạng này ít hơn. Vùng Đồng bằng sông Hồng là vùng xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nhiều nhất, bán kính xung quanh Hà Nội 100km có tỷ lệ là 115 bé trai/100 bé gái, đặc biệt tại một số tỉnh, thành phố như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định… tỷ lệ là 120-122 bé trai/100 bé gái.
Có 3 nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là do tâm lý muốn có con trai; nguyên nhân tiếp theo là sự phát triển của khoa học công nghệ y học tiên tiến làm cho việc lựa chọn giới tính trước khi sinh ngay từ lần sinh đầu tiên và nguyên nhân cuối cùng là việc đảm bảo an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc bố mẹ khi về già…
“Các nguyên nhân này sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là đến năm 2050, nước ta sẽ thiếu khoảng 2,3-4,3 triệu phụ nữ hay nói cách khác là 2,3-4,3 triệu đàn ông Việt sẽ có nguy cơ khó lấy được vợ. Do đó, dù Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình có nỗ lực bao nhiêu cũng khó có thể giải quyết được mà cần có sự chung tay vào cuộc tích cực của cộng đồng, của các ban, ngành, đoàn thể và của chính người dân mới có thể giải quyết được”- ông Nguyễn Văn Tân nói.
5 quan điểm về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân
Về Nghị quyết tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, tại cuộc gặp gỡ báo chí, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, tài chính (Bộ Y tế) cho biết, về quan điểm chỉ đạo vấn đề này, tại dự thảo Nghị quyết lần này đưa ra 5 quan điểm, trong đó nhấn mạnh nghĩa vụ, trách nhiệm trước hết của mỗi người dân trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Tiếp đến là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia của các cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, bộ, ngành, trong đó ngành y tế là nòng cốt.
Nghị quyết cũng khẳng định lại việc “đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển”, trong đó khuyến khích hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân, cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu, tạo điều kiện để y tế tư nhân phát triển.
Quan điểm thứ 3, nhấn mạnh việc cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện, trong đó trọng tâm là “Phòng bệnh hơn chữa bệnh, y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”…
Quan điểm thứ 4 nêu rõ, thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và BHYT toàn dân, khẳng định bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế… Nội dung này được thể hiện trên 3 mặt: Tất cả người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; Bao phủ cung ứng dịch vụ y tế cơ bản, toàn diện, bao gồm các dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng cả về nâng cao sức khỏe, dự phòng, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ; Bảo vệ tài chính cho người dân.
Quan điểm cuối cùng của Nghị quyết là tiếp tục phát triển từ quan điểm trong Nghị quyết 46- NQ/TƯ của Bộ Chính trị và nhấn mạnh: “Nghề y là nghề đặc biệt, cán bộ nhân viên y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức”.
Tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở
Nhấn mạnh đến vấn đề tài chính y tế, ông Nguyễn Nam Liên cho biết, Nghị quyết nêu rõ, ngân sách nhà nước tập trung đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở trong giai đoạn đến năm 2030. Theo đó, cơ bản ngân sách nhà nước không tiếp tục đầu tư xây dựng mới bệnh viện công, trừ các bệnh viện tuyến huyện ở vùng khó khăn, các bệnh viện chuyên khoa và bệnh viện đã có kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020…
“Thực hiện nguyên tắc y tế dự phòng do ngân sách Nhà nước đảm bảo là chủ yếu. Khám chữa bệnh do BHYT và người dân chi trả. Chăm sóc sức khỏe ban đầu do ngân sách nhà nước, BHYT và người dân cùng chi trả” - ông Nguyễn Nam Liên nói.
Tiếp tục thực hiện việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và cơ chế giá, đồng chi trả phù hợp để khuyến khích việc cung ứng, sử dụng dịch vụ tại tuyến dưới, nhất là y tế cơ sở. Chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ người tham gia BHYT. Điều chỉnh mệnh giá BHYT phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế và thu nhập của người dân, đa dạng các gói BHYT theo nguyên tắc mức đóng phù hợp với mức hưởng…