Mức sinh thay thế chênh lệch giữa các vùng, miền
Theo thống kê vùng Ðông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế (1,5 - 1,6 con), một số tỉnh, thành phố cũng đang trong tình trạng mức sinh thấp như TP Hồ Chí Minh, Ðồng Tháp, Cần Thơ, Cà Mau, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Trong khi đó, một số tỉnh miền núi phía Bắc, miền trung và Tây Nguyên, tỷ suất sinh còn rất cao. Tỷ suất sinh thô cả nước hiện nay từ 16- 17 phần nghìn, nhưng tỷ suất này ở các tỉnh lên đến gần 30 phần nghìn. Nhiều tỉnh như: Hà Giang, Lai Châu, Hà Tĩnh, Ðác Lắc có tổng tỷ suất sinh ở mức trên dưới ba con. Thậm chí có những nơi, đặc biệt là tại các vùng đồng bào dân tộc ít người, có tình trạng sinh từ 6 đến 7 con.
Tuyên truyền, vận động sinh ít con ở vùng có mức sinh cao.
Vai trò của mức sinh thay thế
Mức sinh thay thế có vai trò quan trọng trong việc ổn định quy mô, chất lượng, cơ cấu dân số. Nếu mức sinh giảm xuống thấp và tổng tỷ suất sinh chỉ khoảng 1,35 con/phụ nữ (vào khoảng từ năm 2020 đến 2050), quy mô dân số nước ta sẽ đạt cực đại vào khoảng từ 95 đến 100 triệu người. Ðiều này sẽ dẫn đến dân số suy giảm, thiếu nguồn lao động, giai đoạn cơ cấu dân số "vàng" ngắn lại và già hóa dân số diễn ra nhanh. Nếu mức sinh tăng và tổng tỷ suất sinh có thể lên tới 2,3 -2,5 con/phụ nữ, thì đến năm 2050 quy mô dân số nước ta sẽ đạt cực đại ở mức quá cao khoảng từ 130 đến 140 triệu người, khoảng 400 người/km2. Ðiều này sẽ gây áp lực lớn đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, việc làm... rất bất lợi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu nhân khẩu học của đất nước trong tương lai. Nếu duy trì mức sinh ở mức thấp hợp lý với tổng tỷ suất sinh khoảng từ 1,9 đến 2,0 con/phụ nữ thì đến năm 2050, quy mô dân số nước ta sẽ ổn định ở mức từ 115 đến 120 triệu người sẽ phát huy được các lợi thế của dân số. Đó là quy mô dân số sẽ ổn định ở mức thấp hơn, cơ cấu tuổi của dân số sẽ cân bằng hơn, giảm dần được sự chênh lệch bất lợi về mức sinh giữa các địa phương, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.
Giải pháp là gì?
Để duy trì mức sinh thay thế, công tác dân số cần thực hiện:
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân số: Đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số, nhất là sinh đủ 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Vận động tuyên truyền: Theo nội dung khuyến khích, động viên những khu vực đô thị hoặc bất kỳ địa phương, vùng miền nào có mức sinh thay thế thấp, mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con. Ngược lại, ở những vùng có mức sinh cao cần vận động, tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích, thậm chí quyết liệt để giảm mức sinh thay thế bởi đây cũng là một biện pháp cơ bản để xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và cả cộng đồng.
Ngoài ra, một số giải pháp cũng cần được quan tâm như chú trọng nguồn lực, cán bộ dân số cũng như những văn bản, chính sách pháp luật cùng với tăng cường hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ cho việc duy trì mức sinh ở mức hợp lý.