Nghị quyết không đề cập đến việc sinh con của mỗi người
Theo phát biểu của ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế) trên VOV.VN, trong Nghị quyết 21-NQ/TW không có một câu nào đề cập đến việc mọi người được sinh con thoải mái, sinh con thứ ba, bởi vì việc sinh con là quyền của mỗi người. Về mặt luật pháp, từ trước đến nay nước ta chưa có văn bản nào quy định có tính cưỡng chế mọi người sinh bao nhiêu con là đủ. Tại buổi tọa đàm về Công tác dân số trong tình hình mới do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, GS.TS. Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu Dân số, gia đình và trẻ em cũng cho biết, Việt Nam đã tham gia công ước quốc tế về chống phân biệt mọi hình thức đối xử với phụ nữ có quy định mỗi cặp vợ chồng tự quyết định số con, số lần sinh, khoảng cách sinh. Và nội dung của nghị quyết cũng chỉ đề cập việc rà soát lại các quy định trước đây về chính sách dân số và điều chỉnh lại cho phù hợp trong tình hình mới, giải quyết các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số. Bên cạnh đó, tiếp tục vận động người dân sinh hai con để duy trì mức sinh thay thế càng lâu càng tốt (duy trì thức sinh thay thế 2,1 con), vận động giảm sinh ở nơi mức sinh cao, sinh đủ hai con ở nơi có mức sinh thấp…
Không quy định số con của mỗi gia đình nhưng Nghị quyết mới vận động sinh đủ 2 con.
Điều gì xảy ra khi không đảm bảo mức sinh thay thế
Đến thời điểm này, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế sớm 10 năm. Đây là một thành công trong việc khống chế mức sinh của công tác dân số. Việc đảm bảo mức sinh thay thế có ý nghĩa rất lớn đối với chất lượng dân số cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội. Thực tế cho thấy, mức sinh thay thế thấp (1,45 con so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,1 con) của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ khiến thành phố phải đối mặt với nguy cơ không có nguồn nhân lực, thiếu hụt lao động trong tương lai. Bên cạnh đó, theo dự báo năm 2050 dân số nước ta sẽ bước vào giai đoạn dân số già, nếu thiếu lao động sẽ khiến cho tình trạng một lao động phải tạo ra của cải vật chất nuôi sống 2 người (cha mẹ), thậm chí 6 người (ông bà nội ngoại và cha mẹ) có thể xảy ra. Mức sinh thấp còn là nguyên nhân gây chênh lệch giới tính cao do tâm lý người Việt nói chung vẫn thích con trai nhiều hơn sẽ gây ra tình trạng thừa nam, thiếu nữ, xã hội bị đảo lộn. Hơn nữa, thực tế tại Hàn Quốc, Nhật Bản cho thấy, mức sinh thấp sẽ khó phục hồi mức sinh thay thế và khó đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức tự nhiên.
Chính vì vậy, Nghị quyết số 21-NQ/TW nêu rõ tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế.