Hà Nội, TP.HCM kiểm soát chặt an toàn thực phẩm cận Tết Nguyên đán

06-12-2021 13:18 | Thị trường
google news

SKĐS - Để bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cung ứng cho người tiêu dùng, nhất là dịp cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hai "đầu tàu" Hà Nội, TP.HCM đang tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm, nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn dịp cao điểm

Để bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cung ứng cho người tiêu dùng, nhất là dịp cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội đang tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở chế biến, kinh doanh nông sản, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.

Theo bà Trần Thị Huyền Trang, Phó Trưởng phòng phụ trách Bộ phận thanh tra chuyên ngành (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội), từ nay đến cuối năm, Chi cục tăng cường hoạt động kiểm soát thực phẩm tại các chợ đầu mối, các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng. Với thị trường tiêu thụ lớn, Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố xây dựng được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho Hà Nội; riêng thành phố cũng đã xây dựng được 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, sản phẩm được cấp mã truy xuất nguồn gốc, kiểm soát an toàn của thành phố.

Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm cận Tết nguyên đán - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng đang kiểm tra một lô hàng nội tạng không rõ nguồn gốc

Còn theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, từ đầu năm đến nay, đã xử lý 105 trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, tiêu hủy hơn 7.000kg hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, 212kg thực phẩm tươi sống bị nấm mốc, biến đổi màu sắc…

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, tập trung vào cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, thịt, thủy sản trên địa bàn thành phố, kiểm soát chặt chẽ mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội tiêu thụ.

Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng vừa có Báo cáo số 339/BC-UBND về kết quả thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới năm 2021.

Theo báo cáo, hiện nay, thành phố Hà Nội có 83.712 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó, có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 58 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 673 điểm giết mổ thủ công, 459 chợ, 123 siêu thị, 28 trung tâm thương mại, trên 5.000ha trồng rau an toàn được quản lý, giám sát. Sản xuất thực phẩm của thành phố đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.

Năm 2021, thành phố đã thành lập trên 900 đoàn thanh tra, kiểm tra ATTP tổ chức thanh tra, kiểm tra 48.263 lượt cơ sở, trong đó, đã phát hiện và xử lý vi phạm 6.588 cơ sở với số tiền phạt gần 3,69 tỷ đồng.

Tới đây, thành phố sẽ tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trong tình hình mới. Trong đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ATTP trên toàn thành phố, đặc biệt tập trung kiểm tra hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực ATTP. Tăng cường công tác thông tin truyền thông về ATTP. Tổ chức các hình thức thông tin tuyên truyền đa dạng. Tuyên truyền ATTP lồng ghép với phòng chống dịch bệnh.

Cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường tại TP.HCM

TP.HCM vừa đưa ra kế hoạch nhằm tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, UBND TP. Hồ Chí Minh trong công tác chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, gian lận thương mại; tăng cường kiểm tra, kiểm soát về ATTP và các lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền kiểm tra, xử lý của lực lượng QLTT.

Tại Kế hoạch, Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh Trương Văn Ba yêu cầu, hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính phải được tuân thủ đúng quy định của pháp luật; gắn hoạt động kiểm tra và xử phạp vi phạm hành chính với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; không gây phiền hà, trở ngại cho các hoạt động kinh doanh hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được kiểm tra.

Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm cận Tết nguyên đán - Ảnh 3.

TP.HCM đã đưa ra kế hoạch cụ thể trong đợt cao điểm kiểm soát về ATTP

Theo Kế hoạch, đối tượng kiểm tra trong đợt cao điểm lần này sẽ là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, đặc biệt là hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, dược phẩm, trang thiết bị vật tư y tế, sản phẩm phòng chống dịch bệnh COVID-19 có nhu cầu lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng; các đối tượng hoạt động có tổ chức đường dây, ổ nhóm, thường xuyên vi phạm hoặc tác phạm nhiều lần.

Đối với mặt hàng kiểm tra sẽ tập trung nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán, như: quần áo, giày dép, điện thoại di động, hàng điện tử, điện lạnh, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, nước giải khát, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, vị thuốc y học cổ truyền, trang thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch bệnh, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, xăng dầu, gas; gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm, thực phẩm tươi sống.

Nhóm mặt hàng nông lâm, thủy sản, vật tư nông nghiệp và phân bón; vật liệu và thiết bị xây dựng; xe đạp điện, xe máy điện và mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; các sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu; các sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm bình ổn thị trường.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tri ân tuyến đầu chống dịch.


Minh Thu
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn