Hà Nội 'bất lực' với hình vẽ đường phố?

26-06-2024 14:51 | Xã hội

SKĐS - Chuyên gia văn hóa nhận định, những hình vẽ sơn xịt, được cho là nghệ thuật đường phố không có tính thẩm mỹ, thể hiện sự phá phách, bất ổn trong tâm trí của một số người.

"Bất lực" sống chung với hình vẽ đường phố

Trên các tuyến phố Yên Phụ, Nghi Tàm, Âu Cơ thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội, tràn lan hình vẽ bằng sơn với nhiều màu sắc, hình thù, kích cỡ khác nhau. Những hình vẽ này được cho là bóng dáng của graffiti, thuộc nhóm các loại hình nghệ thuật đường phố.

Là chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng trên tuyến phố Âu Cơ, anh Hoàng Văn Tùng bức xúc: "Tình trạng cửa cuốn của nhiều cửa hàng trên tuyến phố này bị sơn xịt, vẽ bậy đã có từ lâu. Nhiều lần tôi phải mua xăng, chất tẩy mạnh để xóa. Nhưng cứ được một thời gian lại xuất hiện những hình vẽ mới. Trông rất phản cảm, không có thông điệp gì".

Hà Nội 'bất lực' với hình vẽ đường phố?- Ảnh 1.

Hà Nội 'bất lực' với hình vẽ đường phố?- Ảnh 2.

Nhà ở, cửa hàng trên tuyến phố Âu Cơ (Tây Hồ, Hà Nội) bị sơn xịt, vẽ bậy.

Hà Nội 'bất lực' với hình vẽ đường phố?- Ảnh 3.

Hà Nội 'bất lực' với hình vẽ đường phố?- Ảnh 4.

Trên tuyến phố Yên Phụ, nhiều cửa hàng, nhà ở cũng bị các đối tượng vẽ bậy.

Khi được hỏi về những hình vẽ xuất hiện trên cửa cuốn trước nhà của gia đình, chị Nguyễn Thị Cúc, người dân sống trên tuyến phố Yên Phụ tỏ vẻ cam chịu: "Ban đầu, người dân rất khổ sở. Nhưng chẳng biết làm sao, vì những người vẽ bậy đi vào ban đêm. Những người này không chỉ là người Việt Nam mà còn cả người nước ngoài. Tẩy hết lại có, dần dần cả tuyến phố ngày càng nhiều nhà bị vẽ bậy, biết làm gì ngoài việc sống chung!".

Những hình vẽ sơn xịt này không chỉ "tấn công" các nhà ở, cửa hàng mà còn xuất hiện tràn lan ở các công trình công cộng như: Bốt điện, nhà vệ sinh công cộng, gầm cầu, hay thậm chí trên mảng tường ngay sát với công trình nghệ thuật gốm sứ của Hà Nội…

Hà Nội 'bất lực' với hình vẽ đường phố?- Ảnh 5.

Hà Nội 'bất lực' với hình vẽ đường phố?- Ảnh 6.

Hà Nội 'bất lực' với hình vẽ đường phố?- Ảnh 7.

Những công trình công cộng cũng bị các đối tượng vẽ bậy tận dụng.

Video hình vẽ sơn xịt tràn lan trên tuyến phố Yên Phụ - Nghi Tàm – Âu Cơ, Hà Nội.

Không phù hợp văn hóa, thẩm mỹ Hà Nội

Chia sẻ về tình trạng này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, Trưởng khoa Văn hóa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, những hình vẽ này đã không đúng chỗ, gây phản cảm, mất mỹ quan thành phố và làm ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống bình thường cũng như việc kinh doanh buôn bán của người dân.

"Những hình vẽ và kỹ thuật thể hiện này được du nhập từ nước ngoài vào nước ta, không phù hợp với văn hóa và phong tục Việt Nam, không nói lên điều gì và không mang tính nghệ thuật. Những hình vẽ đó không có tính thẩm mỹ, thể hiện sự phá phách, sự bất ổn trong tâm trí của một nhóm người, trong đó có cả người Việt Nam và người nước ngoài đến Việt Nam. Cách thể hiện tâm trạng và tư duy của những người tô vẽ các bức tranh này đã làm bẩn đường phố, làm cho các tuyến phố trở nên nhếch nhác, hoang tàn, mất đi vẻ thanh lịch của đô thị", PGS.TS Phạm Ngọc Trung nói.

Hà Nội 'bất lực' với hình vẽ đường phố?- Ảnh 8.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung, Trưởng khoa Văn hóa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Trước thực trạng xử lý, ngăn chặn các đối tượng sơn xịt, vẽ bậy còn nhiều khó khăn, PGS.TS Trung nêu quan điểm, chúng ta cần tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông, báo đài và trên các nền tảng mạng xã hội để các đối tượng thực hiện hành vi này biết và chấm dứt.

"Đồng thời kiên quyết đấu tranh, xử lý với những người cố tình vi phạm bằng các hình thức trừng phạt khác nhau tùy theo vi phạm, kể cả truy tố khi hình ảnh này làm tổn hại đến tinh thần và vật chất của người dân. Qua hệ thống camera đường phố và ở các gia đình, cơ quan chức năng có thể tìm ra những người vi phạm, xử lý một vài trường hợp để làm gương cảnh tỉnh cho những người khác", PGS.TS Trung đề xuất.

Theo TS.LS Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, hành vi vẽ bậy lên tường, tài sản của người khác là hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân và còn có thể được xác định là hành vi gây rối trật tự công cộng.

Bởi vậy, trường hợp tài sản bị thiệt hại từ 2.000.000 đồng trở lên và nạn nhân có đơn đề nghị xử lý thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều 178 Bộ luật hình sự.

Trường hợp việc sơn vẽ thiệt hại dưới 2.000.000 đồng, không đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 178 Bộ luật hình sự nhưng hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì cơ quan điều tra cũng có thể xem xét xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng, nếu hậu quả nghiêm trọng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 318 bộ luật hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.

Trường hợp không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì vẫn xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo quy định tại điều Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 3 triệu - 5 triệu đồng.


Dương Thành
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn