Hành vi thiếu văn hóa không chỉ làm méo mó, biến dạng những giá trị văn hóa, nét đẹp truyền thống, mà còn tạo hình ảnh xấu trong mắt du khách quốc tế. Thế nhưng không phải du khách nào cũng hiểu được điều đó.
Mới đây, dư luận tiếp tục dậy sóng trước hình ảnh một người đàn ông ngang nhiên cầm bút vẽ bậy lên biểu tượng bàn tay nâng đỡ Cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà - Đà Nẵng. Sau khi dùng bút xóa viết chữ, người đàn ông này còn dùng điện thoại để chụp lại “chiến tích” của mình khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Trước đó, cuối tháng 3/2019, một làn sóng phẫn nộ cũng đã lan rộng khi xuất hiện hình ảnh một cặp đôi dùng bút xóa viết lên tấm đá trên đỉnh Fansipan - Lào Cai. Nhiều thành viên trên diễn đàn du lịch thậm chí còn đòi lập nhóm để truy lùng bằng được danh tính của hai nhân vật thiếu ý thức đã làm vấy bẩn khung cảnh đẹp đẽ của “nóc nhà Đông Dương”.
Điều đáng nói là việc xử lý các vết bẩn này làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết cấu của di tích - danh thắng. Để xóa bỏ dòng chữ do người đàn ông vẽ lên biểu tượng bàn tay đỡ cây Cầu Vàng, các công nhân kỹ thuật hạ tầng của khu du lịch đã phải mất tới 4 giờ để sơn - sửa. Trong khi đó, để xóa bỏ dòng chữ trên tấm đá ở Fansipan, bộ phận kỹ thuật cũng phải dùng máy móc chuyên dụng để mài mặt đá tự nhiên cho đến khi dòng chữ biến mất.
Theo thống kê của ngành văn hóa, cả nước hiện có hơn 40.000 di tích - điểm tham quan, trong đó có hơn 3.000 di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích cấp tỉnh. Thực tế, pháp luật đã có những quy định rõ ràng về việc bảo vệ các di tích, danh lam thắng cảnh, nhưng điều đáng buồn là không ít các di tích này đều bị xâm hại bởi nạn viết, vẽ bậy.
Theo các chuyên gia về luật, tại Điều 23 Nghị định 158/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo là phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật.
Tuy nhiên, một bất cập hiện nay cũng được các chuyên gia luật cho biết mặc dù hệ thống pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực này đã rõ ràng và cụ thể, nhưng việc áp dụng pháp luật, chế tài và công tác tuyên truyền còn nhiều bất cập nên tính răn đe và phòng ngừa chung đối với các chủ thể trong lĩnh vực này chưa được triệt để. Chính vì vậy, bên cạnh việc lên án các hành vi viết - vẽ bậy lên di tích, điểm tham quan sẽ làm biến dạng di tích, làm méo mó những giá trị văn hóa và nét đẹp của đất nước Việt Nam trong mắt du khách thì rất cần tăng hình thức xử phạt nhằm tăng tính răn đe, đồng thời cần bổ sung hình thức phạt như lao động công ích để nâng cao ý thức bảo vệ các di tích, thắng cảnh.