Thời gian gầy đây, nhiều người tới tham quan tại khu vực Kỳ đài thuộc di tích Kinh thành Huế bức xúc khi phát hiện nhiều nét viết, vẽ bậy. Những nét vẽ của người thiếu ý thức làm ảnh hưởng đến hình ảnh di tích.
Anh Hoàng Lý (du khách Hà Tĩnh) cho rằng, hành động viết, vẽ bậy lên di tích lịch sử thể hiện sự thiếu ý thức. Mong rằng mọi người đi qua đây chỉ nên tham quan và ngắm cảnh, không nên có những hành động "xấu xí" đối với di tích.
Video: Tái diễn tình trạng viết, vẽ bậy ở Kỳ đài Kinh thành Huế.
Trong khi đó, anh Nguyễn Quốc cho biết, là một người dân Huế anh rất buồn khi phải chứng kiến những công trình kiến trúc như Kỳ đài bị xâm hại bởi ý thức của một số người. "Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm trường hợp cố tình viết vẽ bậy lên di tích để làm gương cho người khác", anh Quốc nói.
Theo ghi nhận của phóng viên những ngày qua, ở khu vực Kỳ đài vào mỗi buổi chiều có nhiều người dân, du khách tới tham quan. Tuy nhiên, ở các bề mặt tường của Kỳ đài xuất hiện nhiều nét viết, vẽ bậy. Những mảng tường rêu phong cùng dòng chữ viết vẽ bậy tạo nên hình ảnh nhếch nhác.
Một số hình ảnh về tình trạng viết, vẽ bậy ở Kỳ đài:
Muôn kiểu viết, vẽ bậy lên Kỳ đài.
Như Báo Sức khỏe & Đời sống thông tin, theo tài liệu Thuyết minh các điểm tham quan du lịch (Sở Du lịch Thừa Thiên Huế), Kỳ đài được xây dựng vào năm 1807, gồm có đài cờ và cột cờ, tổng chiều cao là 54,5m. Đài cờ, xây ba tầng hình chóp cụt chữ nhật chồng lên nhau với chiều cao 17,5m. Trải qua thời gian, đến đầu năm 1948 cột cờ được dựng lại bằng bê tông cốt sắt, cao 37m.
Dưới thời Nguyễn vào các dịp lễ, Tết chào mừng, tuần du cho đến việc cấp báo đều có hiệu cờ. Trên đỉnh cột cờ có đặt một trạm quan sát gọi là Vọng Đấu. Thỉnh thoảng lính canh trèo lên Vọng Đẩu dùng kính Thiên lý quan sát ngoài bờ biển. Kỳ Đài là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng...
Từ đầu năm 2023, việc nối thông Thượng thành giúp toàn bộ người dân và du khách có thêm địa điểm tham quan, trải nghiệm mới, qua đó có thể đứng cạnh và ngắm nhìn kỳ đài, Đại nội Huế. Tuy nhiên, sau một thời gian mở cửa Thượng thành, Kỳ đài của Kinh thành Huế bị xâm hại bởi tình trạng viết, vẽ bậy.
"Trước thực trạng này, chúng tôi cắt cử bảo vệ nhắc nhở, giám sát, đồng thời sẽ chỉ đạo lực lượng sơn lại một số hình ảnh, viết vẽ bậy trên bờ thành để đảm bảo trả lại đúng mỹ quan của Thượng thành. Đồng thời, làm biển báo khuyến cáo về việc viết vẽ bậy và leo trèo lên bờ thành Thượng thành. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, việc viết vẽ bậy thường xuyên xảy ra vào đêm khuya, nên việc theo dõi còn rất khó khăn", lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho hay.