Làm gì để dẹp nạn viết, vẽ bậy lên di tích?

14-04-2017 12:57 | Thời sự
google news

SKĐS - Có một thực tế đáng lo ngại ở nước ta thời gian qua làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa, đồng thời tạo hình ảnh xấu trong hoạt động thu hút khách du lịch...

Có một thực tế đáng lo ngại ở nước ta thời gian qua làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa, đồng thời tạo hình ảnh xấu trong hoạt động thu hút khách du lịch, đó là tình trạng một số người dân viết, vẽ bậy lên các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh... Điều này phản ánh một số người có ý thức kém, qua đây chúng ta cần có biện pháp mạnh nhằm cải thiện tình hình.

“Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

Gần đây, trong cuộc tọa đàm thuộc Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2017, nhiều chuyên gia đã tỏ ý lo ngại trước tình trạng “người Việt xấu xí” khi có hành động viết, vẽ bậy lên di tích và xả rác bừa bãi ở các khu du lịch. Điển hình, nhiều chuyên gia nhắc lại sự việc diễn ra mới nhất hồi đầu năm 2017 khiến tất cả bức xúc, tại Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên Huế) - một bảo vật quốc gia đã bị nhiều du khách viết, vẽ bậy lên như “ma trận chữ” trông rất phản cảm.

Một số bạn trẻ dùng bút xóa viết, vẽ lên di tích trên núi Bài Thơ thời gian qua khiến cộng đồng bức xúc.

Một số bạn trẻ dùng bút xóa viết, vẽ lên di tích trên núi Bài Thơ thời gian qua khiến cộng đồng bức xúc.

Ngay giữa lòng Hà Nội, tại tháp Hòa Phong - một trong những điểm tham quan nổi tiếng, di tích cổ duy nhất còn sót lại của chùa Báo Ân cũng có nhiều điều để nói. Tháp Hòa Phong từ lâu đã trở thành nơi giới trẻ “dốc bầu tâm sự” bằng cách viết lên các bức tường trong tháp những lời cầu chúc về tình yêu, tình bạn... của các nam thanh nữ tú chen nhau trong từng viên gạch. Dù lực lượng làm vệ sinh tháp Hòa Phong đã nhiều lần xóa các “bút tích” của các bạn trẻ song một thời gian sau đâu lại vào đấy. Và tháp Hòa Phong giữa lòng Hà Nội hiện nay vẫn chi chít những dòng chữ nguệch ngoạc khiến du khách trong và ngoài nước rất buồn phiền.

Ngược dòng thời gian, vào tháng 3/2016, một người dân bắt gặp nhiều bạn trẻ vô tư ghi tên lên bia đá trên núi Bài Thơ thuộc địa bàn TP. Hạ Long. Hình ảnh thiếu ý thức của một số bạn trẻ viết, vẽ bậy lên bia trên núi Bài Thơ sau đó được đăng tải trên mạng xã hội và nhiều người tỏ ra bức xúc bởi bia đá là một trong những thành phần thuộc địa danh di tích mà số ít bạn trẻ lại vô tư đến vô tâm như vậy. Bên cạnh đó, vào tháng 8/2015, hình ảnh cột mốc đỉnh Fansipan chi chít chữ viết được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Theo đó, một thành viên trong nhóm phượt lên đỉnh Fansipan muốn chứng minh đã leo cột mốc.

Cũng cách đây chưa lâu, một số người dân đến với chùa Cổ Lễ (Nam Định) đã bất ngờ khi gác ba tầng tại nhà chùa bị viết chi chít chữ, khó tin hơn nữa đó là ngay cả trong lòng chuông treo đỉnh tầng ba, các bạn trẻ cũng chui vào... vẽ được. Trong khi đó, đến với khu văn hóa tâm linh chùa Bái Đính (Ninh Bình), nhiều người còn khắc tên nhau vào một số cây đào tiên khiến quả bị héo. Thực tế, trên đây chỉ là một trong rất nhiều sự việc tương tự đã từng xảy ra làm nhiều chuyên gia lẫn công chúng phải thở dài ngao ngán về việc viết, vẽ bậy lên di tích, di sản khi người dân ghé thăm.

Ngăn chặn bằng cách nào?

Trước thực trạng đáng báo động kể trên, theo ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, do sự xuống cấp về đạo đức, lối sống làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của đất nước Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực du lịch nên việc ban hành quy tắc ứng xử trong du lịch và cả trong cuộc sống đang trở thành nhu cầu cấp bách của xã hội hiện nay. Thực tế, vào cuối tháng 3/2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch nhằm định hướng và nhắc nhở du khách những điều nên - không nên làm khi đặt chân đến mỗi địa danh, trong đó có quy tắc không phá hoại cảnh quan, môi trường khi đi du lịch.

Các chuyên gia cho biết, hành vi viết, vẽ bậy lên di tích hoặc xả rác bừa bãi tại các địa điểm du lịch chủ yếu đến từ thói quen và sự thiếu ý thức của người dân. Vì vậy, để cải thiện tình hình, trước hết chúng ta cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những quy tắc ứng xử văn minh mà cơ quan chức năng đã đề ra vào đời sống xã hội. Quan trọng hơn cả, khi đến với các di tích, khu du lịch thì mỗi người dân phải có ý thức gìn giữ nét đẹp, bảo vệ các nét đẹp truyền thống văn hóa để giữ gìn hình ảnh nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách nước ngoài cũng như nội địa.

Theo quy định tại Điều 34, Khoản 1, Nghị định 75/2010/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân có hành vi làm hoen ố di tích văn hóa, lịch sử (tự ý vẽ, ký tên mình lên các công trình kiến trúc đã được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa) sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 1.000.000đ. Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính trong vấn đề này, những người thực hiện hành vi trên còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 272, Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009. Như vậy, đối với hành vi tự ý làm hoen ố các công trình di tích lịch sử, văn hóa mà gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn vi phạm thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 2-20 triệu đồng, cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp việc thực hiện hành vi trên gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm...

Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn