Cô Lương Thị Hằng là giáo viên môn Tiếng Anh tại một trường THCS tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái chia sẻ, hiện tại cô đã về hưu nhưng trong gần 30 năm công tác ở ngành giáo dục, cô Hằng chưa từng chứng kiến vụ việc nào xảy ra giống như sự việc của cô giáo ở Tuyên Quang.
"Có thời gian tôi được giao chủ nhiệm một lớp thuộc khối 8, có thể nói lớp này nhiều học sinh cá biệt nhất trường. Tôi nhớ có những hôm đến tiết dạy, vào lớp thấy các em học sinh vẫn đang nô đùa ầm ỹ, thậm chí chúng còn đuổi nhau trên bàn học. Tôi vào lớp mà gần như không học sinh nào nhận ra, đến khi tôi phải dùng thước gõ rất mạnh xuống bàn thì các em mới để ý đến….
Rồi liên tục các vụ việc học sinh lớp tôi gây sự, bắt nạt, đánh nhau với các học sinh khối khác, thậm chí với cả học sinh THPT khiến tôi vô cùng đau đầu. Liên tục có những buổi ngồi nói chuyện giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh nhưng rồi đâu lại vào đó….", cô Hằng chia sẻ.
Cô Hằng cho biết thêm, thời gian đó cô suốt ngày bị đau đầu, đi khám cũng không ra bệnh. Về tới nhà không ăn, không ngủ được, cứ nghĩ đến học sinh là lại khóc, lại thêm đau đầu, chỉ muốn bỏ nghề. May mắn được chồng động viên, chăm sóc cô mới dần thoát ra được khỏi tâm trạng tồi tệ.
Cô Phạm Thị Thu Hồng, giáo viên môn Toán - Trường THCS xã Mường Kim (huyện Thân Uyên, tỉnh Lai Châu) cảm thấy tổn thương cho nghề giáo khi xem được video cô giáo bị nhóm học sinh ném dép, bạo hành: "Tôi thấy nhói lòng, không thể ngờ học sinh lại có thể đối xử tồi tệ với giáo viên của mình như vậy. Dù thế nào thì việc học sinh nhốt cô giáo trong phòng rồi ném dép, xúc phạm… là điều không được phép tồn tại trong môi trường giáo dục. Sự việc này chính là một hồi chuông báo động về tình trạng suy thoái đạo đức trong một bộ phận học sinh".
Còn thầy Lương Văn Thắng, giáo viên môn tin học, Trường THPT số 2 TP. Lào Cai (TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai) cho biết, hơn 20 năm công tác chưa bao giờ thấy một sự việc nào đáng lo ngại như sự việc xảy ra với cô giáo ở Tuyên Quang. Tuy nhiên, việc phụ huynh hành hung giáo viên, phụ huynh làm nhục giáo viên, học sinh đánh giáo viên bị thương... đã từng xảy ra khá nhiều. Điều này cho thấy nghề giáo đang phải chịu rất nhiều áp lực.
"Không ít giáo viên đã gặp phải những tình huống bất ngờ, gây tổn thương cả tinh thần lẫn thể xác. Tôi cho rằng, với sự nghiệp "trồng người" nhưng giáo viên lại bị coi thường, đặc biệt từ phía học sinh hay phụ huynh là điều không thể chấp nhận.
Tất nhiên khi để xảy ra sự việc thì giáo viên cũng sẽ phần nào có lỗi, nhưng nếu học sinh vi phạm kỷ luật thì cần phải áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật phù hợp quy định, không nên bênh vực học sinh hư", thầy Lương Văn Thắng nêu quan điểm.
Liên quan đến vụ việc này, chiều 6/12, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn cho biết, ngày 5/12, Bộ đã có văn bản gửi UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu xác minh, làm rõ vụ việc.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng nhấn mạnh: "Vụ việc như vậy là không thể chấp nhận được" và cho rằng, UBND tỉnh Tuyên Quang phải chỉ đạo Sở GD&ĐT và nhà trường làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan, tìm hiểu vấn đề một cách khách quan, thấu đáo, đầy đủ. Từ đó, xem xét trách nhiệm tổng thể từ giáo viên, lãnh đạo nhà trường, học sinh và cả phụ huynh để có biện pháp xử lý cần thiết, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm sâu sắc.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhìn nhận, biện pháp xử lý kỷ luật đối với một vụ việc cụ thể chỉ là giải pháp trước mắt, căn cơ phải là giáo dục và quản lý. Phải xem xét quy trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Trong quá trình tuyển dụng cần đánh giá cả về chuyên môn, phẩm chất và kỹ năng xử lý đối với học sinh.
Bên cạnh đó, cần đánh giá, theo dõi thường xuyên hiệu quả của việc dạy và học, việc tăng cường giáo dục đạo đức học sinh; việc học sinh đã chấp hành đúng các quy định hay chưa? Đối với nhà trường, cũng cần xem xét đánh giá ở góc độ quản lý. Ngoài ra, vai trò của gia đình, của toàn xã hội trong những vụ việc tương tự cũng là điều hết sức cần thiết.