Vượt lên bệnh tật, cô giáo tôi là hình mẫu cho sự kiên cường

18-11-2023 18:50 | Xã hội

SKĐS - Đối với tôi, thầy cô giáo chính là người truyền cảm hứng. Nhà giáo dục người Mỹ William A. Warrd từng nói: "Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi chỉ biết giải thích. Người thầy xuất chúng biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng".

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, đầu tiên cho tôi xin được gửi lời tri ân, lòng biết ơn sâu sắc đến các thầy cô giáo đã và đang dạy mình. Tôi xin được kính chúc thầy cô khắp mọi miền đất nước thật nhiều sức khỏe và luôn mang cho mình một sứ mệnh đặc biệt và cao cả: "Sứ mệnh truyền cảm hứng".

Trong suốt quá trình học, tôi được gặp biết bao người thầy, người cô tuyệt vời và mỗi người đều cho tôi có được những bài học sâu sắc để trường thành hơn mỗi ngày. Và cuộc đời thật may mắn, khi tôi được trở thành học trò và giờ là nhân sự của một nhà giáo đặc biệt.

Cô chính là người dạy tôi bốn năm trên giảng đường đại học, rồi cũng là một trong những người thầy đào tạo tôi trở thành một Thạc sĩ Quản lí giáo dục. Như một cái duyên, sau khi học xong chương trình Thạc sĩ, tôi đã theo cô về công tác tại Viện Tâm lí Giáo dục do cô sáng lập để tiếp tục học tập và cùng cô đóng góp cho xã hội.

Cô là người đặc biệt trong lòng tôi, bởi với tôi, cô chính là người thầy vĩ đại - người luôn truyền cảm hứng để tôi luôn cố gắng, nỗ lực bằng chính khả năng của mình. Trong tôi, hình ảnh của cô là người phụ nữ trung niên luôn rạng rỡ, tràn đầy năng lượng, một người thầy, một nhà nghiên cứu tận tâm. Cô là người thầy, người lãnh đạo nghị lực nhất mà tôi biết. Tôi luôn thầm ngưỡng mộ và biết ơn cô bởi trong lòng tôi, cô đã là hình mẫu cho sự kiên cường! Cô chính là ngọn lửa cháy mãi, truyền nhiệt huyết không chỉ cho tôi mà cho nhiều thế hệ sinh viên, một tấm gương về ý chí vượt qua nghịch cảnh.

Vượt lên bệnh tật, cô giáo tôi là hình mẫu cho sự kiên cường- Ảnh 1.

Tôi và cô trong một lần đi thăm khám định kỳ tại bệnh viện.

Khi tôi học năm thứ tư đại học, tôi bàng hoàng khi biết tin cô mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Đây là một thông tin mà không chỉ có tôi mà tất cả những người nhận đều khó có thể chấp nhận được. "Lúc nào lên lớp, cô cũng đầy tràn năng lượng thì sao có thể mắc bệnh như vậy được" - tôi âm thầm nghĩ.

Nhưng khi đến nhà gặp và thăm cô cùng các bạn thì tôi đã chấp nhận sự thật. Tôi thấy cô đang ngồi trên sofa, vẫn tươi vui chào lại tôi và các bạn,… nhưng mái tóc dài óng ả trước đây nay biến mất, dấu hiệu tàn ác của căn bệnh hiểm nghèo. 

Hình ảnh ấy ám ảnh tôi mãi không thôi, cho đến bây giờ, mái tóc ấy đã dài hơn, để ngang vai nhưng sự xơ xác, mỏng manh vẫn như một minh chứng về dấu tích con đường sinh mệnh mà cô đang phải vượt qua.

Tôi và lũ bạn xúm lại nghe cô kể. Cô kể cho chúng tôi nghe tất cả hành trình cô phát hiện ra bệnh, chữa trị và chịu đau đớn đến nhường nào. Điều tôi bất ngờ là giấu sau nỗi đau đớn thể xác ấy vẫn toát lên khí chất, sự lạc quan của một người phụ nữ kiên cường qua giọng nói, ánh mắt, cử chỉ đầy thân thương. Và đúng như cô nói "rồi cũng qua cả thôi", một lần nữa, tôi lại được ngồi dưới lớp làm học viên cao học trong giờ lên lớp của cô. Tôi vui lắm, vui vì thấy cô đã khỏe lại, vui vì thấy cô đã chiến đấu và vượt qua bệnh tật, chiến thắng được tử thần.

Qua lời kể của cô, tôi biết được trong đợt dịch COVID-19 cũng là lúc cô mang những đau đớn trong người mà cô vẫn nghĩ đến cộng đồng, cô sáng lập Viện Tâm lí Giáo dục để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho những người gặp vấn đề về tâm lí. Trong suốt thời gian dịch bệnh COVID-19, Viện đã tổ chức được 11 buổi học online miễn phí cho khoảng 2.000 người với mục đích chăm sóc sức khỏe tinh thần cho mọi người. 

Những phản hồi tích cực của các thành viên tham dự trong lớp học có lẽ là động lực lớn lao hơn để cô tiếp tục phát triển Viện Tâm lí Giáo dục như ngày hôm nay với nhiều chuyên gia đầu ngành về tâm lý giáo dục trong và ngoài nước.

Vượt lên bệnh tật, cô giáo tôi là hình mẫu cho sự kiên cường- Ảnh 2.

Cô trò trong chuyến công tác tại một trung tâm tham vấn trị liệu tâm lý hàng đầu của Singapore.

Những thời gian cuối học cao học, cô đã tiếp nhận tôi về Viện làm việc cho đến bây giờ được 6 tháng. Ở đây, tôi được tiếp xúc với cô nhiều hơn và càng thấy được điều tuyệt vời nơi cô. Thời gian tôi đến làm việc là lúc bệnh của cô lại tái phát. Nhưng cô chưa từng than vãn về bệnh tật mà vẫn luôn nói "không sao đâu, rồi cũng qua cả thôi".

Cô chịu đau, chịu sự dày vò của căn bệnh một mình để khi xuất hiện trước mọi người, vẫn là một người luôn có nhiều năng lượng tích cực. Mặc dù đã trở thành nhân viên chính thức tại Viện nhưng đi bất cứ nơi đâu, cô vẫn luôn nói "đây là học trò ưu tú của tôi". Ban đầu tôi còn thấy ngại lắm, nhưng dần cũng quen và lấy đó là động lực để bản thân luôn tốt hơn mỗi ngày. Cô bảo tôi "học đi con, tiếp tục học nhé", cô luôn động viên tôi học tiếp để làm được những điều lớn lao hơn.

Tôi biết ơn cô, biết ơn vì cô dạy tôi những bài học hay, cô không chỉ dạy những kiến thức học thuật mà còn dạy tôi cả những kĩ năng sống cơ bản để trở thành một người tốt, có ích cho cộng đồng xã hội. Tôi chỉ mong ước, cô có nhiều sức khỏe để luôn là một bông hoa đẹp cho đời.

Giấc mơ người thắp lửaGiấc mơ người thắp lửa

SKĐS - Với bác sĩ Mai Thành Công, việc phải đi một con đường khác không có nghĩa là chúng ta sẽ rời xa giấc mơ ban đầu của mình. Chỉ cần không từ bỏ và không ngừng cố gắng, ước mơ sẽ thành hiện thực.

Vũ Diễm (Thạc sĩ Quản lí giáo dục)
Ý kiến của bạn