Những ngày qua, vụ việc nhiều học sinh chửi bởi, xúc phạm, ném dép hành hung cô giáo đến ngất xỉu ở Tuyên Quang khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều người cảm thấy sốc và buồn khi xem những đoạn clip trên mạng xã hội....
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban nghiên cứu - Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết bà cũng cảm thấy buồn cho "nghề trồng người". PGS.TS Chu Cẩm Thơ chia sẻ, sự việc xảy ra đã khiến cho bà nhớ lại chuyện đã từng chứng kiến.
Sự việc xảy ra vào năm 2002, khi đó PGS.TS Chu Cẩm Thơ đang thực tập tại một trường học. Đến tiết dạy bà lên lớp nhưng không vào được trong lớp học vì học sinh đã khóa cửa, nhốt một giáo viên khác ở trong phòng. Giáo viên bị nhốt gào khóc, còn học sinh thì hò hét bên ngoài, biểu lộ sự hả hê khi cô giáo đang sợ đến phát khóc.
"Các vị lão thành trong nghề giáo giục, các nghiên cứu từ trước tới nay, ở đông hay tây thì đều nói "thầy ra thầy, trò ra trò" là gốc của giáo dục. Nên cho dù dạy ở đâu, dạy ai cũng cần phải có cái uy. Cái uy này không tự đến mà đòi hỏi phải rèn luyện, rèn cả trí, cả tâm, cả lực", PGS.TS Chu Cẩm Thơ nói.
Sẽ rất nguy hiểm nếu như học sinh hành hung cô giáo
Cũng đánh giá về vụ việc trên, TS. luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - cho rằng "hành vi này đã đi quá giới hạn của tình cô trò, văn hóa ứng xử học đường".
Theo ông Cường, qua đoạn clip cho thấy, mối ứng xử của học trò với cô giáo không khác gì "ngoài đường, ngoài chợ", không có sự tôn sư trọng đạo, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, kỷ luật trong giáo dục.
Ông Cường cho rằng để đánh giá tổng thể sự việc cần làm rõ nguyên nhân, diễn biến mối quan hệ giữa giáo viên và các học sinh trong lớp này để có hướng xử lý phù hợp. Để xảy ra sự việc lộn xộn trong lớp học như vậy thì có phần trách nhiệm của giáo viên, lãnh đạo nhà trường và phụ huynh học sinh.
Cơ quan chức năng cũng phải làm rõ quá trình giảng dạy của giáo viên này có hoàn thành nhiệm vụ không? Hiệu quả trong công tác giảng dạy, việc duy trì kỷ luật trong lớp học, nguyên nhân nào dẫn đến hàng loạt học sinh vô lễ, thiếu tôn trọng giáo viên như vậy? Ngoài ra, cũng cần xem xét xử lý kỷ luật đối với các học sinh đã vượt quá chuẩn mực đạo đức khi có những lời lẽ xúc phạm, hành vi vô lễ đối với giáo viên.
Sẽ rất nguy hiểm nếu như học sinh coi thường thầy cô giáo, tấn công lại thầy cô giáo ngay tại lớp học. Nếu hiện tượng này diễn ra liên tục, kéo dài thì những đứa trẻ này sẽ hình thành nên ý thức coi thường pháp luật, coi thường danh dự nhân phẩm người khác.
Bởi vậy, những đứa trẻ đang trong độ tuổi phát triển, hình thành nhân cách rất cần có một môi trường lành mạnh, an toàn, có văn hóa để nuôi dưỡng tâm hồn và xây dựng những chuẩn mực trong suy nghĩ và hành động.
"Cần đấu tranh loại bỏ bạo lực học đường, đặc biệt là bạo lực xảy ra giữa thầy cô giáo và học sinh. Khi để xảy ra việc học sinh bạo hành giáo viên thì hậu quả sẽ rất khôn lường, giáo viên trở thành nạn nhân trước mắt, còn học sinh là nạn nhân lâu dài", ông Cường phân tích.
"Với học sinh trung học cơ sở, giai đoạn này đang thay đổi rất lớn về tâm sinh lý. Ở độ tuổi này việc giáo dục cần phải rất kiên trì, nhẫn nại, có phương pháp phù hợp mới có thể truyền tải kiến thức, kỹ năng cho các em hiệu quả. Tuy nhiên, nếu học sinh vi phạm kỷ luật cần phải áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật phù hợp quy định, không bênh vực học sinh hư.
Cần lập lại trật tự kỷ cương trong môi trường học đường, giáo dục lành mạnh, văn minh. Đảm bảo nơi làm việc thuận lợi, có văn hóa cho giáo viên và môi trường học tập văn minh hướng thiện đối với học sinh", Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nói.
Mời bạn đọc xem tiếp video: Vụ học sinh hành hung cô giáo ở Tuyên Quang: Lý giải nguyên nhân mâu thuẫn
Vụ học sinh hành hung cô giáo ở Tuyên Quang: Lý giải nguyên nhân mâu thuẫn.