Cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm, hành hung đến ngất xỉu
Tối 4/12, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ngắn ghi lại hình ảnh được cho là xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang), một nữ giáo viên bị dồn vào góc lớp, kèm theo đó là những tiếng chửi bới. Sau đó, một chiếc dép ném trúng trán giáo viên khiến cô choáng váng vài giây rồi ngất xỉu. Lúc này các học sinh xung quanh mới bỏ chạy.
Theo báo cáo của UBND huyện Sơn Dương, vụ giáo viên bị học sinh ném dép vào người xuất phát từ khúc mắc giữa cô và trò trong giờ học. Sự việc xảy ra vào 10h30 ngày 29/11 tại trường THCS Văn Phú, vào giờ học tiết 3 môn Âm nhạc ở lớp 7C do giáo viên P.T.H. (SN 1985) giảng dạy. Thời điểm trên, thấy một số học sinh vẫn ở ngoài chưa vào lớp học, cô H. nhắc nhở thì một vài học sinh phản ứng. Trong giờ học, một số học sinh xin ra ngoài nhưng cô H. không đồng ý. Sau đó giữa giáo viên và học sinh có khúc mắc trong giờ học. Sau giờ dạy tiết 3 của lớp 7C, cô H. sang dạy tiết 4 tại lớp 6A. Sau tiết học, một số học sinh lớp 7C sang lớp 6A tiếp tục có phát ngôn và hành vi thiếu chuẩn mực đối với cô H. như nói tục, có hành vi xúc phạm giáo viên, quay video và đăng tải lên mạng xã hội Facebook.
Làm sao để nâng cao chất lượng giáo dục nhân cách ở học sinh?
Qua vụ việc gây xôn xao dư luận này, trao đổi với PV báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS. Dương Hải Hưng - Giảng viên Khoa Quản lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, số học sinh xúc phạm, đe dọa thầy cô giáo tuy là rất nhỏ, tập trung vào những học sinh cá biệt nhưng cũng thật sự đáng báo động. So với trước đây thì những học sinh cá biệt, học sinh vô lễ, xúc phạm, đe dọa, hành hung thầy cô giáo thời nay tăng lên rất nhiều, với mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn, đáng sợ hơn.
Về nguyên nhân, PGS.TS. Dương Hải Hưng cho rằng, trước hết là do vai trò, trách nhiệm giáo dục con cái của gia đình. Nhiều gia đình vì mải mê làm việc, kiếm tiền nên ít có thời gian chăm sóc, quan tâm đến những thay đổi của con em mình. Thêm nữa, nhiều bậc phụ huynh chiều chuộng con quá mức, con muốn gì được nấy, đâm ra hư hỏng, coi trời bằng vung. Có phụ huynh lại tin lời con hơn lời thầy cô giáo, khi gặp giáo viên, chưa rõ sự tình ra sao, đúng sai thế nào đã có ngay biểu hiện nóng giận, to tiếng, xúc phạm thầy cô, một mực bênh con mình.
Thậm chí, có phụ huynh còn kích động xúc giục con, lôi kéo người xấu bên ngoài đến trường đe dọa, hành hung thầy cô. Những hành động đó cũng khiến cho học sinh có những hành vi không hay đối với giáo viên. Rồi do môi trường xã hội phức tạp cũng tác động không nhỏ đến sự hình thành nhân cách, đạo đức của học sinh, sinh viên. Do ảnh hưởng của các thông tin độc hại, bạo lực trên mạng internet… cũng khiến các em nhiễm thói hung bạo.
Theo PGS.TS. Dương Hải Hưng, có ba nhân tố trong việc giáo dục đạo đức học sinh, đó là: gia đình, nhà trường và xã hội. Mỗi nhân tố đều mang một vai trò riêng nhất định. Gia đình là tế bào của xã hội, là nền tảng của mỗi quốc gia và là chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần, đồng thời cũng là kim chỉ nam để tránh những nhận thức lệch lạc từ phía học sinh; Nhà trường là môi trường giáo dục chuyên nghiệp, không chỉ phát triển về kiến thức mà còn phải truyền tải cho học sinh những giá trị chuẩn mực của xã hội để các em trở thành những con người tri thức thật sự, có đời sống tinh thần phong phú bên cạnh cuộc sống gia đình; Xã hội là môi trường thực tế, giúp học sinh hoàn thiện một số kỹ năng cuộc sống, chi phối một phần rất lớn trong suy nghĩ và hành động của học sinh.
"Như vậy, sự phối hợp của cả ba nhân tố trên là việc làm hết sức cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục nhân cách ở học sinh. Giống như chiếc kiềng ba chân, đơn giản, vững chắc và không thể thiếu bất kỳ chân nào".
Đến nay, sự việc học sinh xúc phạm, hành hung cô giáo ở Tuyên Quang vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ, tuy nhiên, theo PGS.TS. Dương Hải Hưng, thái độ ứng xử của học sinh còn phụ thuộc rất nhiều vào bản thân, cách đối xử của từng thầy cô giáo.
"Nếu là một giáo viên vừa có năng lực chuyên môn, vừa biết xử lý tốt các tình huống sư phạm, lại thương yêu học trò thì chắc chắn những người thầy như vậy sẽ được học sinh quý mến và hiếm khi rơi vào hoàn cảnh bị học sinh xúc phạm. Do vậy, theo tôi, đối với các cơ sở giáo dục cần tăng cường bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, tâm lý giúp giáo viên hiểu và đồng hành cùng học sinh. Bên cạnh đó, cần tạo động lực làm việc cho giáo viên tránh những áp lực không đáng có để giáo viên yên tâm công tác".