Buổi giao lưu trực tuyến chủ đề: "Dịch bệnh mùa hè – Những điều cần biết" do Báo Sức khỏe và đời sống tổ chức đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của độc giả, hiện tại chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được các câu hỏi của độc giả, chúng tôi sẽ chuyển câu hỏi của các bạn tới các chuyên gia về y tế để giải đáp các thắc mắc của các bạn về các dịch bệnh mùa hè và chuyển tới độc giả trong thời gian sớm nhất.
Khách mời giao lưu gồm:
PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
PGS.TS. Phạm Nhật An, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương
TS.BS. Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
PGS.TS. Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương
Thời gian giao lưu: 9h00 - 11h00 sáng ngày thứ sáu 23/05/2014
TS. Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - thi đua khen thưởng - Bộ Y tế phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến
Xin hỏi TS Trần Như Dương, hiện nay chúng ta đã có những loại vắcxin nào phòng các bệnh truyền nhiễm thường gặp trong mùa hè?
(vumuinga@gmail.com )
PGS.TS. Trần Như Dương: Nhìn chung các vắc xin rất cần được tiêm đầy đủ và đúng lịch để tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh. Chính vì vậy các bậc cha mẹ cần chủ động theo dõi lịch tiêm chủng của con em mình để tiêm chủng cho đúng lịch chứ không nên chờ đến mùa dịch, đặc biệt là các vắc xin cơ bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng . Hiện nay chương trình tiêm chủng mở rộng có 8 loại vắc xin được tiêm chủng phổ cập cho trẻ dưới 1 tuổi bao gồm: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, Hib. Bên cạnh đó có 3 loại vắc xin khác được tiêm cho các vùng nguy cơ cao bao gồm: viêm não Nhật Bản, Tả, Thương hàn. Các vắc xin khác ngoài tiêm chủng mở rộng cũng rất cần thiết bao gồm vắc xin thủy đậu, quai bị, rubella, viêm gan vi rút A, viêm màng não do nào mô cầu, vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do Rota vi rút. Rất tiếc là 2 bệnh rất hay gặp trong mùa hè là sốt xuất huyết Dengue và tay chân miệng lại chưa có văc xin phòng bệnh
Tôi nghe truyền thông nói nhiều đến biện pháp rửa tay bằng xà phòng để phòng chống dịch bệnh, vậy xin hỏi chuyên gia, việc này có tác dụng như thế nào và rửa tay đúng cách là như thế nào?
(Thu Hoài, Gia Lâm, Hà Nội)
PGS.TS. Trần Như Dương: Bàn tay rất dễ bị nhiễm bẩn trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, trong học tập, lao động sản xuất, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh v.v.. đặc biệt bàn tay rất dễ bị nhiễm bẩn với các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm từ môi trường, đồ vật xung quanh. Khi bàn tay bị nhiễm bẩn với các tác nhân gây bệnh sẽ là phương tiện truyền bệnh tự thân rất nguy hiểm thông qua các thói quen hàng ngày như chùi tay lên mắt, mũi, miệng. Chính vì vậy việc rửa tay bằng xà phòng với nước sạch đặc biệt là với các loại xà phòng diệt khuẩn sẽ có tác dụng rửa trôi các chất bẩn, loại bỏ phần lớn các tác nhân gây bệnh ở bàn tay và từ đó sẽ có tác dụng để phòng bệnh không đặc hiệu với nhiều loại bệnh đặc biệt là các bệnh lây theo đường tiêu hóa và các bệnh lây theo đường hô hấp. Về cách rửa tay: chúng ta cần làm như sau: 1. Làm ướt tay với nước sạch, thoa xà phòng khắp bàn tay; 2. Cọ 2 bàn tay vào nhau thật kỹ, lưu ý chà hai bàn tay trong ít nhất 20 giây; chà tất cả bề mặt, bao gồm lòng bàn tay, mu bàn tay, cổ tay, giữa các ngón tay và phần da gần móng tay. 3. Rửa sạch xà phòng bằng nước sạch 4. Làm khô tay bằng khăn sạch hoặc máy sấy. Tóm lại là rửa tay không mất nhiều thời gian, ít tốn kém nhưng có tác dụng phòng bệnh rất tốt, có thể coi việc rửa tay như một biện pháp phòng bệnh hàng ngày cho tất cả mọi người.
PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang giao lưu với bạn đọc
Xin bác sỹ phân biệt sốt virus và sốt do nhiễm khuẩn ở trẻ em? Trường hợp sốt nào nên truyền dịch bù mất nước cho trẻ và trường hợp nào không nên truyền? Xin cảm ơn.
(Nguyễn Hoài Phương)
PGS.TS Phạm Nhật An: Sốt virus là trường hợp sốt do căn nguyên virus thường không đặc hiệu và chưa xác định được căn nguyên (nếu biết chắc chắn loại virus thì không được xếp vào nhóm sốt virus nữa mà phải chẩn đoán bệnh cụ thể, ví dụ như bệnh sởi, bệnh thủy đậu, rubella, …).
Sốt do nhiễm khuẩn thường do các vi khuẩn gây nên và hầu hết cũng có thể chẩn đoán theo căn nguyên (ví dụ sốt thương hàn do vi khuẩn thương hàn…).
Cách phân biệt: Sốt do virus thường có yếu tố dịch tễ, đặc biệt theo mùa, diễn biến cấp tính thường không cần điều trị đặc hiệu và hầu hết sẽ tự khỏi sau điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ (ví dụ hạ sốt, cho uống bù nước điện giải, giảm đau, vitamin…).
Sốt do nhiễm khuẩn sẽ có các triệu chứng rất khác nhau tùy theo căn nguyên. Vì vậy cần phải điều trị bằng các kháng sinh đặc hiệu tùy theo các loại vi khuẩn gây bệnh. Về mặt xét nghiệm, sốt do nhiễm khuẩn có bạch cầu máu tăng cao, tỉ lệ bạch cầu trung tính tăng cao, chỉ số CRP hoặc procanxitonin tăng cao, soi cấy vi khuẩn có thể dương tính.
Về nguyên tắc, khi trẻ sốt do bất cứ căn nguyên gì nên bổ sung nước và điện giải bằng đường uống, chỉ sử dụng dịch truyền theo chỉ định của bác sĩ khi cần thiết.
Tôi muốn hỏi là tôi bị sốt đã nửa tháng, bây giờ đã truyền nước, đi xét nghiệm máu, siêu âm, chụp phim… kết quả bình thường nhưng vẫn chưa giảm sốt, cứ cảm thấy nóng trong người, mong các chuyên gia tư vấn, tôi xin cảm ơn.
(Dũng Phan, Đông Hà, Quảng Trị)
TS.BS. Nguyễn Xuân Hùng: Bạn bị sốt 2 tuần, như vậy bạn đã được xếp vào loại triệu chứng sốt kéo dài, theo kinh nghiệm của chúng tôi, nhưng nguyên nhân có thể gặp ở khu vực Quảng Trị là khu vực có lưu truyền dịch tễ bệnh sốt rét, trong đó, khu vực Hướng Hóa, Lao Bảo có mật độ ký sinh trùng rất cao. Bạn hãy xem bạn có đến những khu vực trên trước khi xuất hiện sốt hay không. Bạn hãy đến trung tâm y tế gần nhất và xin làm xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng sốt rét. Nếu không có ký sinh trùng sốt rét trong máu (âm tính), thì bạn hãy đến bệnh viện tỉnh để được khám, điều trị hoặc chuyển lên tuyến trung ương (Bệnh viện các bệnh Nhiệt đới Trung ương).
Con trai tôi năm nay 4 tuổi, cháu khỏe mạnh bình thường và tiêm đầy đủ các loại vaccin trong tiêm chủng mở rộng. Tôi đọc báo được biết nguy cơ mắc bệnh viêm màng não mô cầu, đặc biệt là ở trẻ em. Xin hỏi bác sĩ, có văcxin để tiêm phòng bệnh này hay không, nếu có thì con tôi có thể tiêm phòng được không?
(haiyen78@yahoo.com)
PGS.TS. Trần Như Dương: Bệnh viêm màng não do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%.
Hiện nay đã có vắc xin để phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu với hiệu lực bảo vệ cao. Tùy theo nhà sản xuất mà vắc xin được chỉ định tiêm ở các lứa tuổi khác nhau, nhưng thường bắt đầu tiêm từ 2 tuổi trở lên. Tuy nhiên vắc xin này chưa nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Gia đình có thể đưa cháu đến các cơ sở tiêm chủng để được hướng dẫn và tiêm vắc xin phòng bệnh.
Con tôi năm nay 3 tuổi, cháu bị sốt 38 độ và có phát ban ở tay, chân và mông. Xin hỏi bác sĩ có phải cháu bị bệnh tay chân miệng không ạ? Việc chữa trị thế nào, có cần phải cách ly không và chữa tại nhà có được không?Xin cảm ơn bác sĩ.
(Lý Thu Hà, Sầm Sơn, Thanh Hóa)
PGS.TS. Phạm Nhật An: Có thể cháu mắc bệnh tay chân miệng hoặc một trong các bệnh sốt phát ban khác. Để xác định bệnh chắc chắn cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế (chú ý xem có loét ở niêm mạc miệng hay không). Trường hợp được xác định là bệnh tay chân miệng thì có thể điều trị ở nhà nếu xác định bệnh chỉ ở độ 1 (với các triệu chứng ở trên có thể coi trẻ mới ở độ 1), nhưng cần được theo dõi chặt chẽ. Nếu có các biểu hiện sau cần phải đưa ngay đến BV: sốt cao trên 38,5 độ, nôn nhiều, có dấu hiệu giật mình, giật cơ, li bì, mệt lả, khó thở, …
Điều trị TCM độ 1 (có thể điều trị tại nhà) chủ yếu là điều trị triệu chứng: hạ sốt bằng đường uống, bôi thuốc sát khuẩn vào các mụn phỏng và niêm mạc miệng, vệ sinh miệng họng… Cần cho trẻ uống đủ nước, vitamin, ăn thức ăn dễ tiêu,… và phòng tránh lây nhiễm cho trẻ khác theo hướng dẫn.
Trường hợp mắc TCM ở những độ nặng hơn thì cần được điều trị và theo dõi tại các cơ sở y tế.
Tôi muốn hỏi bệnh viêm màng não lây truyền theo đường nào? Có vắc-xin phòng ngừa viêm màng não không?
(Thái Hà, Hà Nội)
TS.BS. Nguyễn Xuân Hùng: Bệnh viêm màng não do nhiều nguyên nhân nhưu vi khuẩn, vi rút, nấm, ký sinh trùng. Với đặc điểm thời tiết mùa hè nóng ẩm, tôi xin đề cập tới 2 tác nhân gây bệnh chính là vi khuẩn và vi rút. Với 2 tác nhân này, bệnh viêm màng não lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với dịch hầu họng của người bệnh đang bị nhiễm bệnh như não mô cầu, phế cầu... một số virút. Bệnh viêm màng não còn có thể truyền theo đường máu, trong trường hợp người bệnh bị nhiễm khuẩn huyết, theo máu vi khuẩn đi tới nhiều cơ quan, trong đó có màng não (ví dụ bệnh liên cầu lợn do ăn tiết canh lợn, vi khuẩn thâm nhập vào máu qua các vết xây xước ở niêm mạc đường tiêu hóa, từ đó vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể, rồi tới nhiều cơ quan trong đó có màng não). Hiện tại mới chỉ có vắcxin phòng viêm màng não do vi khuẩn Heamophilus Influenzae, não mô cầu, phế cầu thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi và người từ 50 tuổi trở lên. Trẻ em nên được tiêm phòng bệnh viêm màng não theo chương trình tiêm chủng.
Tại sao khi tiêm phòng rồi trẻ vẫn mắc sởi? Trẻ bị sởi có cần kiêng kị gì không?
(binhyenhy@gmail.com)
PGS.TS. Phạm Nhật An: Nếu trẻ khỏe mạnh tiêm đủ hai mũi vắc xin sởi thì khả năng phòng bệnh có thể đạt 95-100%. Nếu tiêm không đủ hai mũi hoặc trẻ tiêm phòng trong những điều kiện cơ thể không đủ đáp ứng về miễn dịch (trẻ đang điều trị corticoid, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ đang điều trị các bệnh mãn tính…) thì vẫn có khả năng mắc bệnh sởi. Trẻ mắc sởi cần tránh lạnh, cách ly để tránh lây nhiễm thêm các bệnh khác, ăn đồ ăn dễ tiêu, đủ vitamin, đặc biệt là vệ sinh mắt mũi, miệng…
Tôi nghe nói vào mùa hè bệnh dại thường tăng cao, tôi muốn hỏi các chuyên gia vì sao bệnh này lại tăng vào mùa hè và khi bị chó, mèo cắn mà không rõ con vật đó có bị bệnh dại hay không thì phải làm thế nào? Xin cảm ơn chuyên gia
(Thành Chung, Việt Trì, Phú Thọ)
PGS.TS. Trần Như Dương: Bệnh dại ở nước ta xảy ra ở tất cả các tháng trong năm tuy nhiên thường tăng cao hơn vào mùa hè nắng nóng trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Thời tiết nóng ẩm là điều kiện môi trường thuận lợi cho vi rút dại phát triển. Những con chó bị bệnh dại trong thời tiết nắng nóng cũng dễ bị kích thích hung dữ hơn nên khả năng tấn công người và các con chó khác nhiều hơn. Cùng với thói quen thả rông chó của người dân nên việc lan truyền bệnh dễ dàng hơn và dễ làm bùng phát bệnh dại trên người cũng như trên chó mèo trong mùa hè.
Khi bị chó mèo cắn mà không rõ con vật đó có bị bệnh dại hay không thì phải xử lý như sau:
- Xử trí vết thương: Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước sạch và xà phòng, hoặc nếu không có sẵn xà phòng thì rửa tay kỹ bằng nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45 -70 độ hoặc cồn i ốt. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương.
- Đến ngay các cơ sở Y tế gần nhất để được tư vấn tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại.
Bệnh tay chân miệng có phải bệnh mới không và thường bùng phát mạnh vào thời điểm nào trong năm thưa chuyên gia, làm thế nào để nhận biết trẻ mắc bệnh này?
(trinhdinhchung@gmail.com)
PGS.TS. Phạm Nhật An: Bệnh TCM đã gặp từ lâu, nhưng những năm gần đây thì tỉ lệ mắc bệnh và biến chứng nặng tăng cao hơn. Vì vậy có thể coi TCM nằm trong các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi. Bệnh thường bùng phát vào lúc chuyển mùa (từ lạnh sang nóng hoặc ngược lại) và vào dịp hè. Triệu chứng dễ nhận biết của bệnh là các mụn phỏng trên da đặc biệt là trong lòng bàn chân, bàn tay, vùng quanh hậu môn và các nốt phỏng hoặc vết loét trong niêm mạc miệng (hay gặp nhất là trên vòm miệng), có thể có những triệu chứng khác như sốt, tiêu chảy, nôn…
Các loại cúm khi bị mắc thì ở trẻ em nguy hiểm hơn hay người lớn nguy hiểm hơn? Làm thế nào để các cháu nhỏ được an toàn nếu người lớn mắc bệnh? (Thanh Nhàn, TP. HCM) Đúng vậy, ở trẻ càng nhỏ khi nhiễm cúm thì dễ có biến chứng hơn người lớn, đặc biệt là biến chứng viêm phổi nặng… Để giảm thiểu khả năng mắc cúm ở trẻ em thì có thể tiêm phòng vắc xin phòng cúm hàng năm, vào mùa lạnh hạn chế tiếp xúc để tránh lây nhiễm từ người bệnh và giữ ấm cho trẻ.
Hiện nay chúng ta đã có vắcxin phòng bệnh tay chân miệng hay chưa? Ở người trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh này không thưa chuyên gia?
(Ngọc Mai, Cần Thơ)
PGS.TS. Trần Như Dương: Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.
Mọi người đều có thể cảm nhiễm với vi rút gây bệnh nhưng không phải tất cả những người nhiễm vi rút đều có biểu hiện triệu chứng. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở nhóm dưới 3 tuổi. Người lớn ít bị mắc bệnh hơn có thể do đã có kháng thể từ những lần bị nhiễm vi rút trước đây lúc còn nhỏ.
Bệnh tay chân miệng là bệnh có khả năng lây truyền cao, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vac-xin phòng bệnh, vì vậy biện pháp phòng bệnh tốt nhất vẫn là thực hiện tốt vệ sinh cá nhân hàng ngày, trong đó đặc biệt là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và đảm bảo vệ sinh trong ăn uống.
Các loại cúm khi bị mắc thì ở trẻ em nguy hiểm hơn hay người lớn nguy hiểm hơn? Làm thế nào để các cháu nhỏ được an toàn nếu người lớn mắc bệnh?
(Thanh Nhàn, TP. HCM)
PGS.TS. Phạm Nhật An: Đúng vậy, ở trẻ càng nhỏ khi nhiễm cúm thì dễ có biến chứng hơn người lớn, đặc biệt là biến chứng viêm phổi nặng… Để giảm thiểu khả năng mắc cúm ở trẻ em thì có thể tiêm phòng vắc xin phòng cúm hàng năm, vào mùa lạnh hạn chế tiếp xúc để tránh lây nhiễm từ người bệnh và giữ ấm cho trẻ.
PGS.TS. Phạm Nhật An, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương tư vấn trực tuyến những thắc mắc của bạn đọc
Con tôi được 14 tháng tuổi, tôi đang muốn đi tiêm phòng văcxin viêm não Nhật Bản cho cháu nhưng không biết hiện tại có những loại văcxin nào để lựa chọn. Tiêm ở tuổi này có đúng không?
(Châu Anh, TP. Đà Nẵng)
PGS.TS. Trần Như Dương: Văcxin viêm não Nhật Bản được tiêm cho trẻ bắt đầu từ 1 tuổi trở lên với 3 liều cơ bản. Mũi 1 càng sớm càng tốt sau khi trẻ được 1 tuổi, mũi 2 tiêm cách mũi 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 tiêm cách mũi 2 ít nhất 1 năm. Văcxin viêm não Nhật Bản đã được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng, sử dụng văcxin của Việt Nam sản xuất theo công nghệ của Nhật Bản với tính an toàn và chất lượng cao. Ngoài ra trên thị trường còn có loại văcxin do Hàn Quốc sản xuất.
Con tôi tiêm phòng viêm não Nhật Bản lúc 13 tháng tuổi, sau đó do cháu bị ốm nên tôi không tiêm tiếp được. Đến nay cháu đã được 16 tháng tuổi, vậy xin hỏi chuyên gia bây giờ tôi cho cháu tiêm vaccin viêm não Nhật Bản tiếp mũi 2 hay phải tiêm lại từ đầu? Hiệu quả của mũi tiêm thứ nhất có còn hiệu lực không?
(huyennguyen88@yahoo.com)
PGS.TS. Trần Như Dương: Trong trường hợp này cháu cần sớm được đưa đi tiêm mũi 2 của văcxin viêm não Nhật Bản và tiêm mũi 3 sau mũi 2 ít nhất 1 năm, không cần phải tiêm lại từ đầu mà vẫn đảm bảo được hiệu quả phòng bệnh.
Tôi muốn hỏi người bị chó, mèo dại cắn thì bao lâu sau sẽ phát bệnh? Cần phải làm gì để không bị phát bệnh? Trong trường hợp người bị bệnh đã lên cơn dại rồi thì có chữa được không?
(Dương Nghiêm, Lào Cai)
PGS.TS. Trần Như Dương: Thời gian ủ bệnh của bệnh dại trung bình từ 30 - 90 ngày sau khi bị chó mèo dại cắn (khoảng 80% trường hợp), tuy nhiên cũng có thể ngắn hơn chỉ 10 - 20 ngày, và cũng có những trường hợp hiếm gặp thời gian ủ bệnh kéo dài đến 1 năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Biện pháp duy nhất để cứu người khỏi bệnh dại là tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại càng sớm càng tốt ngay sau khi bị chó mèo nghi dại cắn.
Hiện nay chưa có bất cứ thuốc gì hay phương pháp gì có thể điều trị được bệnh dại đã lên cơn. Người bệnh đã lên cơn dại và được chẩn đoán xác định mắc bệnh dại thì đều tử vong. Như tôi đã nói ở trên, ngay khi bị chó mèo nghi dại cắn thì phải rửa sạch ngay vết thương bằng xà phòng và nước sạch và đến ngay các cơ sở Y tế gần nhất để được tư vấn tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại.Có thể cháu mắc bệnh tay chân miệng hoặc một trong các bệnh sốt phát ban khác. Để xác định bệnh chắc chắn cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế (chú ý xem có loét ở niêm mạc miệng hay không). Trường hợp được xác định là bệnh tay chân miệng thì có thể điều trị ở nhà nếu xác định bệnh chỉ ở độ 1 (với các triệu chứng ở trên có thể coi trẻ mới ở độ 1), nhưng cần được theo dõi chặt chẽ. Nếu có các biểu hiện sau cần phải đưa ngay đến BV: sốt cao trên 38,5 độ, nôn nhiều, có dấu hiệu giật mình, giật cơ, li bì, mệt lả, khó thở, … Điều trị TCM độ 1 (có thể điều trị tại nhà) chủ yếu là điều trị triệu chứng: hạ sốt bằng đường uống, bôi thuốc sát khuẩn vào các mụn phỏng và niêm mạc miệng, vệ sinh miệng họng… Cần cho trẻ uống đủ nước, vitamin, ăn thức ăn dễ tiêu,… và phòng tránh lây nhiễm cho trẻ khác theo hướng dẫn. Trường hợp mắc TCM ở những độ nặng hơn thì cần được điều trị và theo dõi tại các cơ sở y tế.
Chào Bác sĩ! Tôi đang ở Quảng Nam. Con tôi được 7 tháng 15 ngày tuổi, cách đây 1 tuần con có biểu hiện nổi nốt đỏ lác đác trên da và tôi đưa cháu đi phòng khám tư bác sĩ cho biết con tôi bị Sởi khởi phát và đã cho thuốc điều trị. Sau khi uống thuốc được 3 ngày các nốt đỏ không còn nhưng cháu bị sốt cao từ 38 đến gần 40 độ. Tôi đưa cháu đi khám ở bệnh Viện Nhi Quảng Nam, bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốt siêu vi, và cho về nhà theo dõi và dùng thuốc hạ sốt. Hiện giờ cháu đã giảm sốt nhưng lại đi phân lỏng đã 2 ngày rồi, mỗi ngày đi khoảng 3 đến 4 lần, tôi lo lắng không biết con tôi mắc bệnh gì, cách điều trị và chăm sóc như thế nào, tôi rất hoang mang, xin Bác sĩ giải đáp giúp tôi. Cảm ơn Bác sĩ!
(nguyenthiphucdiem@gmail.com)
PGS.TS Phạm Nhật An: Với các triệu chứng và diễn biến bệnh như đã kể trên thì nhiều khả năng cháu mắc một loại bệnh sốt phát ban do virus nhưng không phải sởi. Một số các bệnh sốt phát ban do virus có thể có biểu hiện tiêu chảy nhưng thường sẽ khỏi sau giai đoạn cấp tính. Ngoài ra cần chú ý xem lại các thuốc điều trị trước đây có loại nào có thể gây tác dụng phụ là tiêu chảy hay không (ví dụ dùng kháng sinh có thể gây tiêu chảy do loạn khuẩn). Trước hết, đối với trẻ bị tiêu chảy do bất cứ căn nguyên gì cần được bù nước và điện giải bằng đường uống (dung dịch Oresol), vẫn bảo đảm chế độ ăn bình thường và có thể cho probiotic (men vi sinh). Nếu trẻ không đỡ thì cần đưa đến khám tại cơ sở y tế để xác định căn nguyên và điều trị thích hợp.
Thưa bác sĩ, gia đình tôi thường xuyên ăn các sản phẩm thịt, chẳng hạn thịt gia cầm và thịt lợn. Để phòng tránh virút cúm A liệu nấu chín kỹ thịt thôi có an toàn không? Có lưu ý gì để chế biến thịt đúng cách?
Hương Linh (41 tuổi, quận Lê Chân, Hải Phòng)
PGS.TS. Trần Như Dương: Các sản phẩm thịt lợn và gia cầm khỏe mạnh khi được nấu chín đều an toàn cho người sử dụng. Tuyệt đối không ăn thịt lợn, thịt gia cầm ốm/chết. Tuyệt đối không ăn gỏi thịt sống hoặc thịt tái. Thông thường vi rút cúm sẽ bị giết chết hoặc bị bất hoạt ở nhiệt độ 70 độ C, chính vì vậy các sản phẩm thịt lợn hoặc gia cầm sau khi nấu chín kỹ sẽ an toàn cho người sử dụng. Cần nấu chín tất cả các phần của miếng thịt, không được để miếng thịt còn có bất cứ phần mầu hồng nào sau khi nấu. Cần phải có dao, thớt, bát, đĩa riêng cho chế biến thịt sống và thịt chín. Rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ trước và sau khi chế biến thịt.
Viêm màng não và viêm não phân biệt thế nào, loại nào nguy hiểm hơn?
(hamaicn@gmail.com)
TS.BS. Nguyễn Xuân Hùng: Viêm màng não và viêm não khác nhau 2 điểm sau: Về giải phẫu, màng não có 3 thành phần trong đó có màng cứng, màng mềm, bao phủ toàn bộ tổ chức não có chức năng bảo vệ và nuôi dưỡng não, trong đó viêm màng não là viêm màng mềm. Não là toàn bộ các tế bào thần kinh gồm thân tế bào và sợi trục, chức năng điều hòa toàn bộ vận động và tư duy của cơ thể con người. Viêm màng não sẽ được thể hiện bởi hội chứng như nhức đầu, nôn, táo bón, cổ cứng, sốt... Viêm não hay xuất hiện các triệu chứng như rối loạn vận động, rối loạn ý thức như liệt 1/2 người, liệt các dây thần kinh, chậm chạm, lơ mơ, hôn mê, đôi khi gặp cả trường hợp viêm cả màng não và viêm não, lúc đó xuất hiện cả 2 triệu chứng trên cùng 1 người bệnh.... Cả 2 loại nhiễm trùng này đều nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
TS.BS. Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Xin hỏi đi đến các chợ buôn bán gia cầm và trang trại ở những vùng đã có các ca nhiễm cúm gia cầm thì có an toàn không?
Thảo Nguyên (28 tuổi, Nghệ An)
PGS.TS. Trần Như Dương: Nếu không có việc cần thiết thì không nên đến các chợ gia cầm hoặc các trang trại gia cầm, đặc biệt là ở vùng đã và đang có dịch. Trong trường hợp cần phải đi đến những nơi đó thì nên đeo khẩu trang, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với gia cầm. Rửa tay bằng xà phòng, tắm rửa, thay quần áo, giầy dép ngay sau khi ra khỏi những nơi đó.
Con tôi trước đây từng vào điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương vì bị viêm màng não, tuy nhiên đến nay cháu lại kêu đau đầu và phải nhập viện điều trị, tôi xin hỏi bệnh viêm màng não có tái phát hay không và tại sao?
(Nguyễn Thị Huyền, Thái Bình)
PGS.TS.Phạm Nhật An: Hầu hết các bệnh viêm màng não thường là bệnh cấp tính và không tái phát. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt có thể gặp viêm màng não tái phát, hầu hết là do có các ổ nhiễm trùng mạn tính ở xoang hoặc viêm tai xương chũm mạn tính, hoặc sau chấn thương gây dò dịch não tủy, hoặc xảy ra trên trẻ có bệnh suy giảm miễn dịch nặng. Để xác định trường hợp này cần được khám và làm các xét nghiệm đặc hiệu. Cần chú ý triệu chứng đau đầu cũng có thể gặp trong nhiều loại bệnh khác.
Con tôi được 16 tháng, tôi định cho cháu đi tiêm cả vaccin viêm màng não mủ và vaccin viêm não Nhật Bản cùng một ngày thì có ảnh hưởng gì không?
(Ngô Ngọc Huệ, Bắc Giang)
PGS.TS. Trần Như Dương: Hiện nay tại Việt Nam có 2 loại văcxin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu đó là văcxin phòng não mô cầu nhóm A-C (tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên) và văcxin phòng não mô cầu nhóm B-C (tiêm cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên). Hiện nay con chị được 16 tháng tuổi là có thể tiêm được văcxin phòng não mô cầu nhóm B-C. Về nguyên tắc có thể tiêm cùng một lúc 2 loại văcxin mà không có ảnh hưởng tới sức khỏe và đáp ứng miễn dịch của trẻ nhưng với điều kiện phải tiêm 2 loại văcxin này ở 2 vị trí khác nhau.
Em tôi 28 tuổi, đi khám và được các BS chẩn đoán bị sốt xuất huyết. Hiện giờ em tôi đang nằm điều trị tại nhà. Nhưng do mùa hè nóng nực, em tôi luôn đòi tắm hằng ngày. Mẹ tôi nhất quyết không cho em tắm hoặc đụng tới nước vì theo kinh nghiệm dân gian thì động vào nước khi sốt xuất huyết sẽ bị biến chứng. Vậy xin hỏi BS em tôi có được tắm không, có cần phải kiêng loại thực phẩm nào không? Và vệ sinh theo cách thức như thế nào là tốt nhất?
(Hoàng Thị Thanh, Nghệ An)
PGS-TS Bùi Vũ Huy: Điều đầu tiên là xin đừng quá lo lắng về căn bệnh này. Bệnh sốt xuất huyết hầu hết sẽ tự ổn định sau 7-10 ngày kể từ khi sốt. Tuy nhiên có 1 tỉ lệ nhỏ sẽ có biến chứng nặng, cần phải điều trị tại bệnh viện. Việc vệ sinh cơ thể và dinh dưỡng là rất cần thiết đối với những người đang ốm, kể cả bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy ta không nên kiêng kem. Thực phẩm nào cũng tốt với bệnh nhân, đặc biệt là những thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng, ví dụ như: chế độ ăn có nhiều thịt, vitamin,… nhưng nên nấu chín kỹ, chế biến lỏng để dễ tiêu. Điều trị cần chú ý là không nên dùng thực phẩm có màu sắc thẫm màu (vì dễ bị nhầm lẫn với chảy máu đường tiêu hóa khi người bệnh bị nôn), khó tiêu.
Cần giữ vệ sinh và chú ý vấn đề dinh dưỡng cho người ốm.
Cháu tôi bị viêm não Nhật Bản, nhưng các bác sĩ cho biết bệnh này không có thuốc đặc trị, vậy xin bác sĩ cho biết trẻ mắc bệnh này có bị biến chứng gì không?
(Đoàn Loan, Phố Nối, Hưng Yên)
PGS.TS Phạm Nhật An: Viêm não Nhật Bản là một bệnh nguy hiểm có thể để lại di chứng, đặc biệt là di chứng thần kinh. Tỉ lệ bị di chứng phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh và việc điều trị có kịp thời hay không. Các di chứng hay gặp là các rối loạn về vận động (liệt, co cứng các cơ), rối loạn phát triển tinh thần, các cơn động kinh (các cơn co giật lặp đi lặp lại nhiều lần), bị điếc hoặc giảm thính lực… cần phải được điều trị phục hồi chức năng sớm.
Chồng tôi bị sốt 3 ngày sau đó đi khám và được làm các xét nghiệm. Tuy nhiên, sau khi làm xét nghiệm thì chưa có kết quả kết luận bị sốt xuất huyết. Sau đó vài ngày, thấy nổi các ban mẩn đỏ, chồng tôi lại đi làm xét nghiệm thì có kết luận bị sốt xuất huyết. Xin hỏi BS kết quả xét nghiệm lần đầu tiên có phải là không chính xác không? Muốn làm xét nghiệm để biết xem mình có mắc bệnh sốt xuất huyết hay không thì nên đi xét nghiệm vào thời điểm nào?
( minhly@gmail.com )
PGS-TS Bùi Vũ Huy: Đối với bệnh sốt xuất huyết, hiện nay đang có 2 loại xét nghiệm để chuẩn đoán, đó là: xét nghiệm phát hiện vỏ của virus sốt xuất huyết (NS1).Xét nghiệm này nên làm trong 4 ngày đầu tiên của sốt thì tỉ lệ xác định bệnh sẽ cao. Loại xét nghiệm thứ 2 là xét nghiệm phát hiện kháng thể của cơ thể chống lại virus sốt xuất huyết. Loại xét nghiệm này nên làm vào ngày thứ 5 trở đi thì tỉ lệ xác định bệnh cũng cao.
Quá trình truyền bệnh sốt xuất huyết từ muỗi mang bệnh sang người.
Hai loại xét nghiệm trên đang được sử dụng ở tất cả các bệnh viện trên toàn quốc. Điều quan trọng là người thầy thuốc cần biết chính xác ngày bệnh nhân bị sốt để chỉ định 2 loại xét nghiệm trên cho phù hợp.
Tôi đang chăm sóc người nhà bị mắc bệnh sốt xuất huyết, có lây bệnh của người nhà không?
(Minh Sang - Phù Ninh - Phú Thọ)
PGS-TS Bùi Vũ Huy: Các bệnh truyền nhiễm thường lây lan trong cộng đồng tạo thành dịch. Tuy nhiên đối với một số bệnh như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản,… chỉ lây truyền khi mỗi đốt từ người bệnh sang người lành.
Loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là loại muỗi vằn (tên khoa học là Aides aegypty). Vì vậy chỉ bị bệnh sốt xuất huyết khi bị loại muỗi trên mang virus sốt xuất huyết đốt truyền bệnh. Xin bạn đừng quá lo lắng và yên tâm chăm sóc người bệnh.
Các triệu chứng ban đầu của sởi là sốt cao, ho…rất giống với triệu chứng của các bệnh khác. Vậy làm thế nào để phân biệt triệu chứng của bệnh sởi với các bệnh khác để phát hiện và điều trị kịp thời?
(Trần Thị Huyền, Hà Nam)
PGS-TS Bùi Vũ Huy: Vấn đề chị đang lo lắng là hoàn toàn đúng. Vấn đề này đôi khi cũng là khó khăn cho các bác sĩ để chẩn đoán bệnh trong những giờ đầu mắc bệnh.
Về nguyên tắc, để chẩn đoán được bệnh sởi cần lưu ý 3 yếu tố sau:
- 1. Bệnh nhân đang sống trong vùng có dịch, hoặc tiếp xúc với người bị bệnh sởi.
- 2. Bệnh nhân có biểu hiện sốt hoặc có một vài dấu hiệu bất thường. Ví dụ như: ho, hắt hơi, sổ mũi, mi mắt nề đỏ,…
Khi có 2 yếu tố trên cần phải nghi ngờ ngay có thể bị mắc sởi nếu người bệnh chưa từng được tiêm phòng vắc-xin.
- 3.Yếu tố thứ 3 là cần ý kiến của các nhà chuyên môn để xác định bệnh. Vì vậy khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và tư vấn cách chăm sóc.
Thưa bác sĩ, với trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm có thể tự điều trị cách ly tại nhà được không?
(Mai Hạ, 51 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội)
PGS-TS Bùi Vũ Huy: Để trả lời câu hỏi của chị, tôi xin giải thích thêm: Hiện nay ngành y chia virus cúm làm 2 nhóm chính.
Nhóm thứ 1 là cúm gây bệnh ở người, ví dụ: H1N1, H3N2, H2N2 và thường gây thành dịch hàng năm, chúng ta quen gọi là cúm mùa.
Nhóm thứ 2 là một số virus cúm vốn gây bệnh ở động vật, nay lây sang người. Ví dụ: H5N1, H7N9, H8N10,…Đối với nhóm virus này, loài người chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, chăm sóc, điều trị. Hơn nữa, bệnh từ gia súc chuyển sang người thường nặng hơn so với bệnh cúm mùa.
Vì vậy chúng ta không nên tự cách ly và điều trị đối với nhiễm cúm gia cầm tại nhà.
Xin hỏi tôi phải làm gì ngay sau khi nghi vừa tiếp xúc với thức ăn nhiễm trực khuẩn lỵ (Bạn tôi cùng ăn đang bị bệnh lỵ)?
(Hoài Nam, 22 tuổi, Hà Nội)
PGS-TS Bùi Vũ Huy: Thông thường, trong một bữa ăn có thực phẩm bị nhiễm khuẩn, ví dụ như trường hợp của bạn nói là nhiễm trực khuẩn, sẽ có người mắc bệnh ngay, cũng có người bệnh nhẹ hơn, cũng có người không có biểu hiện bệnh.
Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như số lượng thực phẩm đã ăn vào, thực trạng sức khỏe của mỗi người khi tiếp xúc với nguồn bệnh…
Vì vậy nếu chưa có biểu hiện bệnh ta cần theo dõi thêm (đối với lỵ trực khuẩn là 3-5 ngày). Nếu có biểu hiện bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, cần lưu ý trong giai đoạn theo dõi vẫn cần cách ly với người xung quanh, ví dụ như: ăn bát đĩa riêng, chất thải đúng chỗ,…
Các loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm và thời gian phát bệnh.
Video buổi giao lưu trực tuyến:
Báo Sức khỏe&Đời sống xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia đã trực tiếp tư vấn và nhãn hàng Lifebuoy đã tài trợ cho buổi Giao lưu trực tuyến này.