Buổi giao lưu trực tuyến chủ đề: "Dịch bệnh mùa hè – Những điều cần biết" do Báo Sức khỏe và đời sống tổ chức đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của độc giả, hiện tại chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được các câu hỏi của độc giả, chúng tôi sẽ chuyển câu hỏi của các bạn tới các chuyên gia về y tế để giải đáp các thắc mắc của các bạn về các dịch bệnh mùa hè và chuyển tới độc giả trong thời gian sớm nhất.
Thời gian giao lưu: 9h00 - 11h00 sáng ngày thứ sáu 23/05/2014
Sau đây là nội dung trả lời độc giả của PGS.TS. Phạm Nhật An, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương tại buổi giao lưu trực tuyến:
PGS.TS. Phạm Nhật An, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương trả lời độc giả tại buổi giao lưu trực tuyến.
Tại sao khi tiêm phòng rồi trẻ vẫn mắc sởi? Trẻ bị sởi có cần kiêng kị gì không?
(binhyenhy@gmail.com)
PGS.TS. Phạm Nhật An: Nếu trẻ khỏe mạnh tiêm đủ hai mũi vắc xin sởi thì khả năng phòng bệnh có thể đạt 95-100%. Nếu tiêm không đủ hai mũi hoặc trẻ tiêm phòng trong những điều kiện cơ thể không đủ đáp ứng về miễn dịch (trẻ đang điều trị corticoid, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ đang điều trị các bệnh mãn tính…) thì vẫn có khả năng mắc bệnh sởi.
Trẻ mắc sởi cần tránh lạnh, cách ly để tránh lây nhiễm thêm các bệnh khác, ăn đồ ăn dễ tiêu, đủ vitamin, đặc biệt là vệ sinh mắt mũi, miệng…
Bệnh tay chân miệng có phải bệnh mới không và thường bùng phát mạnh vào thời điểm nào trong năm thưa chuyên gia, làm thế nào để nhận biết trẻ mắc bệnh này?
(trinhdinhchung@gmail.com)
PGS.TS. Phạm Nhật An: Bệnh TCM đã gặp từ lâu, nhưng những năm gần đây thì tỉ lệ mắc bệnh và biến chứng nặng tăng cao hơn. Vì vậy có thể coi TCM nằm trong các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi.
Bệnh thường bùng phát vào lúc chuyển mùa (từ lạnh sang nóng hoặc ngược lại) và vào dịp hè.
Triệu chứng dễ nhận biết của bệnh là các mụn phỏng trên da đặc biệt là trong lòng bàn chân, bàn tay, vùng quanh hậu môn và các nốt phỏng hoặc vết loét trong niêm mạc miệng (hay gặp nhất là trên vòm miệng), có thể có những triệu chứng khác như sốt, tiêu chảy, nôn…
Các loại cúm khi bị mắc thì ở trẻ em nguy hiểm hơn hay người lớn nguy hiểm hơn? Làm thế nào để các cháu nhỏ được an toàn nếu người lớn mắc bệnh?
(Thanh Nhàn, TP. HCM)
PGS.TS. Phạm Nhật An: Đúng vậy, ở trẻ càng nhỏ khi nhiễm cúm thì dễ có biến chứng hơn người lớn, đặc biệt là biến chứng viêm phổi nặng…
Để giảm thiểu khả năng mắc cúm ở trẻ em thì có thể tiêm phòng vắc xin phòng cúm hàng năm, vào mùa lạnh hạn chế tiếp xúc để tránh lây nhiễm từ người bệnh và giữ ấm cho trẻ.
Con tôi năm nay 3 tuổi, cháu bị sốt 38 độ và có phát ban ở tay, chân và mông. Xin hỏi bác sĩ có phải cháu bị bệnh tay chân miệng không ạ? Việc chữa trị thế nào, có cần phải cách ly không và chữa tại nhà có được không? Xin cảm ơn bác sĩ.
(Lý Thu Hà, Sầm Sơn, Thanh Hóa)
PGS.TS. Phạm Nhật An: Có thể cháu mắc bệnh tay chân miệng hoặc một trong các bệnh sốt phát ban khác. Để xác định bệnh chắc chắn cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế (chú ý xem có loét ở niêm mạc miệng hay không). Trường hợp được xác định là bệnh tay chân miệng thì có thể điều trị ở nhà nếu xác định bệnh chỉ ở độ 1 (với các triệu chứng ở trên có thể coi trẻ mới ở độ 1), nhưng cần được theo dõi chặt chẽ. Nếu có các biểu hiện sau cần phải đưa ngay đến BV: sốt cao trên 38,5 độ, nôn nhiều, có dấu hiệu giật mình, giật cơ, li bì, mệt lả, khó thở, …
Điều trị TCM độ 1 (có thể điều trị tại nhà) chủ yếu là điều trị triệu chứng: hạ sốt bằng đường uống, bôi thuốc sát khuẩn vào các mụn phỏng và niêm mạc miệng, vệ sinh miệng họng… Cần cho trẻ uống đủ nước, vitamin, ăn thức ăn dễ tiêu,… và phòng tránh lây nhiễm cho trẻ khác theo hướng dẫn.
Trường hợp mắc TCM ở những độ nặng hơn thì cần được điều trị và theo dõi tại các cơ sở y tế.
Chào Bác sĩ! Tôi đang ở Quảng Nam. Con tôi được 7 tháng 15 ngày tuổi, cách đây 1 tuần con có biểu hiện nổi nốt đỏ lác đác trên da và tôi đưa cháu đi phòng khám tư bác sĩ cho biết con tôi bị Sởi khởi phát và đã cho thuốc điều trị. Sau khi uống thuốc được 3 ngày các nốt đỏ không còn nhưng cháu bị sốt cao từ 38 đến gần 40 độ. Tôi đưa cháu đi khám ở bệnh Viện Nhi Quảng Nam, bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốt siêu vi, và cho về nhà theo dõi và dùng thuốc hạ sốt. Hiện giờ cháu đã giảm sốt nhưng lại đi phân lỏng đã 2 ngày rồi, mỗi ngày đi khoảng 3 đến 4 lần, tôi lo lắng không biết con tôi mắc bệnh gì, cách điều trị và chăm sóc như thế nào, tôi rất hoang mang, xin Bác sĩ giải đáp giúp tôi. Cảm ơn Bác sĩ!
(nguyenthiphucdiem@gmail.com)
PGS.TS Phạm Nhật An: Với các triệu chứng và diễn biến bệnh như đã kể trên thì nhiều khả năng cháu mắc một loại bệnh sốt phát ban do virus nhưng không phải sởi.
Một số các bệnh sốt phát ban do virus có thể có biểu hiện tiêu chảy nhưng thường sẽ khỏi sau giai đoạn cấp tính. Ngoài ra cần chú ý xem lại các thuốc điều trị trước đây có loại nào có thể gây tác dụng phụ là tiêu chảy hay không (ví dụ dùng kháng sinh có thể gây tiêu chảy do loạn khuẩn).
Trước hết, đối với trẻ bị tiêu chảy do bất cứ căn nguyên gì cần được bù nước và điện giải bằng đường uống (dung dịch Oresol), vẫn bảo đảm chế độ ăn bình thường và có thể cho probiotic (men vi sinh). Nếu trẻ không đỡ thì cần đưa đến khám tại cơ sở y tế để xác định căn nguyên và điều trị thích hợp.
Cần phân biệt sốt phát ban do virút và sốt phát ban do sởi. Ảnh minh họa.
Con tôi trước đây từng vào điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương vì bị viêm màng não, tuy nhiên đến nay cháu lại kêu đau đầu và phải nhập viện điều trị, tôi xin hỏi bệnh viêm màng não có tái phát hay không và tại sao?
(Nguyễn Thị Huyền, Thái Bình)
PGS.TS. Phạm Nhật An: Hầu hết các bệnh viêm màng não thường là bệnh cấp tính và không tái phát. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt có thể gặp viêm màng não tái phát, hầu hết là do có các ổ nhiễm trùng mạn tính ở xoang hoặc viêm tai xương chũm mạn tính, hoặc sau chấn thương gây dò dịch não tủy, hoặc xảy ra trên trẻ có bệnh suy giảm miễn dịch nặng.
Để xác định trường hợp này cần được khám và làm các xét nghiệm đặc hiệu.
Cần chú ý triệu chứng đau đầu cũng có thể gặp trong nhiều loại bệnh khác.
Xin bác sỹ phân biệt sốt virus và sốt do nhiễm khuẩn ở trẻ em? Trường hợp sốt nào nên truyền dịch bù mất nước cho trẻ và trường hợp nào không nên truyền?Xin cảm ơn.
(Nguyễn Hoài Phương)
PGS.TS Phạm Nhật An: Sốt virus là trường hợp sốt do căn nguyên virus thường không đặc hiệu và chưa xác định được căn nguyên (nếu biết chắc chắn loại virus thì không được xếp vào nhóm sốt virus nữa mà phải chẩn đoán bệnh cụ thể, ví dụ như bệnh sởi, bệnh thủy đậu, rubella, …).
Sốt do nhiễm khuẩn thường do các vi khuẩn gây nên và hầu hết cũng có thể chẩn đoán theo căn nguyên (ví dụ sốt thương hàn do vi khuẩn thương hàn…).
Cách phân biệt: Sốt do virus thường có yếu tố dịch tễ, đặc biệt theo mùa, diễn biến cấp tính thường không cần điều trị đặc hiệu và hầu hết sẽ tự khỏi sau điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ (ví dụ hạ sốt, cho uống bù nước điện giải, giảm đau, vitamin…).
Sốt do nhiễm khuẩn sẽ có các triệu chứng rất khác nhau tùy theo căn nguyên. Vì vậy cần phải điều trị bằng các kháng sinh đặc hiệu tùy theo các loại vi khuẩn gây bệnh. Về mặt xét nghiệm, sốt do nhiễm khuẩn có bạch cầu máu tăng cao, tỉ lệ bạch cầu trung tính tăng cao, chỉ số CRP hoặc procanxitonin tăng cao, soi cấy vi khuẩn có thể dương tính.
Về nguyên tắc, khi trẻ sốt do bất cứ căn nguyên gì nên bổ sung nước và điện giải bằng đường uống, chỉ sử dụng dịch truyền theo chỉ định của bác sĩ khi cần thiết.
Cháu tôi bị viêm não Nhật Bản, nhưng các bác sĩ cho biết bệnh này không có thuốc đặc trị, vậy xin bác sĩ cho biết trẻ mắc bệnh này có bị biến chứng gì không?
(Đoàn Loan, Phố Nối, Hưng Yên)
PGS.TS Phạm Nhật An: Viêm não Nhật Bản là một bệnh nguy hiểm có thể để lại di chứng, đặc biệt là di chứng thần kinh. Tỉ lệ bị di chứng phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh và việc điều trị có kịp thời hay không. Các di chứng hay gặp là các rối loạn về vận động (liệt, co cứng các cơ), rối loạn phát triển tinh thần, các cơn động kinh (các cơn co giật lặp đi lặp lại nhiều lần), bị điếc hoặc giảm thính lực… cần phải được điều trị phục hồi chức năng sớm.
Cách đây 3 ngày con tôi có chơi với một bạn gần nhà nhưng sau đó vài hôm, cháu bé kia bị lên thủy đậu. Xin hỏi BS liệu con tôi có bị lây thủy đậu của bạn cháu hay không? Làm cách nào để biết được và có cách nào để phòng tránh cho con tôi không?
(mebong@gmail.com)
PGS.TS Phạm Nhật An: Khả năng cháu bị lây nhiễm thủy đậu là rất cao nếu chưa được tiêm phòng thủy đậu (thời gian phát bệnh kể từ lúc tiếp xúc với nguồn bệnh thường từ 2-3 tuần). Để phòng mắc bệnh thủy đậu cho trẻ nên cho trẻ tiêm phòng (nếu con chị đã tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin phòng thủy đậu thì sẽ rất ít khả năng bị lây bệnh), tránh tiếp xúc với các nguồn lây…
Chẩn đoán bệnh thủy đậu thường dễ dàng: trẻ thường có sốt nhẹ và xuất hiện các mụn phỏng nước trên da có thể lan, diễn biến trong vòng một tuần, nếu không có biến chứng thường cũng sẽ tự khỏi.
Con tôi 2 tuổi, cháu đang bị lên thủy đậu. Cháu rất quấy khóc và hay đưa tay gãi khắp các nốt phỏng. Tôi rất lo cháu sẽ bị sẹo sau này. Xin hỏi BS làm cách nào để cháu không gãi ngứa? Có loại thuốc nào có thể bôi để giảm ngứa cho cháu được không?
(thinhtinh@gmail.com)
PGS.TS Phạm Nhật An: Trẻ cần được điều trị để giảm triệu chứng ngứa, giảm gãi, giảm thiểu khả năng nhiễm trùng bội phụ tại các nốt thủy đậu, có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm.
Cần sử dụng các dung dịch sát khuẩn và giảm đáp ứng da bôi lên các nốt thủy đậu (có thể dùng dung dịch betadin, dung dịch xanh methylen)… và các thuốc kháng histamine chống ngứa cho trẻ (dùng sirophenergan 1 đến 3/1.000 cho trẻ uống ngày 2-3 lần, mỗi lần 3-5 ml, hoặc dùng dung dịch clarityne với liều 2-3 ml * 2-3 lần/ngày).
Cháu nhà tôi 12 tuổi. Cháu bị thủy đậu. Xin hỏi BS bệnh thủy đậu có phải kiêng nước không? Vì nhiều người mách với tôi nếu lau hoặc rửa người dễ động vào các mụn nước và nhiễm trùng.
(hahungthi@gmail.com)
PGS.TS Phạm Nhật An: Bệnh thủy đậu không cần kiêng nước, nhưng tránh cho các mụn phỏng nước bị vỡ, bị tổn thương. Cháu có thể tắm bình thường nhưng tránh chà xát làm vỡ các mụn phỏng làm dễ lây lan, dễ có khả năng bị nhiễm trùng.
Xin hỏi BS tôi có thể dùng các lá rau má, lá sài đất để lau người cho cháu nhà tôi đang bị lên thủy đậu hay không? Nếu được dùng thì nên dùng như thế nào? Trong thời kỳ nào của bệnh?
(thanhthuynguyen@gmail.com)
PGS.TS Phạm Nhật An: Các loại rau má và sài đất là những vị thuốc nam khá thông dụng có tác dụng tốt cho các bệnh thông thường như cảm cúm ở trẻ em. Tuy nhiên, sử dụng các nước lá này để tắm cho trẻ thủy đậu thì chưa có bằng chứng để xác định có tác dụng hay không. Cần chú ý nếu dùng các dung dịch không vô khuẩn tắm cho trẻ bị thủy đậu thì rất dễ có khả năng bị nhiễm khuẩn vào các mụn phỏng. Vì vậy theo ý kiến cá nhân tôi, không cần sử dụng các loại nước lá để tắm cho trẻ bị thủy đậu.
Mới đây, tôi đọc báo thấy các bác sĩ đã cứu sống trẻ bị biến chứng viêm não do sởi. Được biết đây là biến chứng khá nặng nề, vậy tôi muốn hỏi làm thế nào để nhận biết những dấu hiệu ban đầu của biến chứng này để có thể điều trị cho trẻ kịp thời?
(Trần Huấn, Mỹ Hào, Hưng Yên)
PGS.TS Phạm Nhật An: Viêm não là một biến chứng nặng của bệnh sởi, nhưng may mắn biến chứng này ít gặp ở trẻ em. Triệu chứng ban đầu của biến chứng viêm não thường thấy trẻ li bì, có thể nôn, có thể co giật… Khám thường thấy có dấu hiệu não, màng não (có thể rối loạn tri giác, thóp phồng, cổ cứng, các dấu hiệu thần kinh bất thường khác…).
Bệnh sởi năm nay xảy ra ở cả trẻ dưới 9 tháng tuổi. Đây là đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh theo khuyến cáo. Các chuyên gia có thể tư vấn giúp tôi làm thế nào để phòng ngừa sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi?
(Minh Anh, Hà Nội)
PGS.TS Phạm Nhật An: Để phòng ngừa cho trẻ dưới 9 tháng tuổi, biện pháp hữu hiệu nhất là cần bảo đảm cho các bà mẹ có đủ miễn dịch với sởi (vì kháng thể sẽ được truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai để bảo vệ cho trẻ khỏi mắc sởi). Biện pháp tốt nhất là trước khi mang thai cần tiêm vắc xin sởi cho những phụ nữ chưa có miễn dịch với sởi.
Ngoài ra, trong vụ dịch cần tránh để trẻ tiếp xúc với các nguồn lây.
Trước tình hình nhiều trẻ bị lây nhiễm chéo bệnh sởi khi vào viện, xin cho biết trẻ mắc sởi có nhất thiết phải vào BV hay điều trị tại nhà? Khi nào nên đưa trẻ nhập viện?
(Hoàng Chí Hiếu, Thanh Hoá)
PGS.TS Phạm Nhật An: Bệnh sởi thông thường không có biến chứng hoàn toàn có thể điều trị tại nhà hoặc tại tuyến y tế cơ sở. Chỉ khi trẻ có các biến chứng hoặc các dấu hiệu diễn biến nặng (như trẻ khó thở, co giật, li bì, tiêu chảy mất nước…) thì cần nhập viện điều trị.
Với bệnh nhi mắc sởi, khả năng miễn dịch kém đi. Các bác sĩ có thể tư vấn giúp tôi chế độ ăn uống cho trẻ bị sởi giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Xin cảm ơn!
(lanhoa@gmail.com)
PGS.TS Phạm Nhật An: Trước hết nên cho trẻ sử dụng các loại vitamin, đặc biệt là vitamin A. Ăn uống các thức ăn dễ tiêu nhưng đủ chất, cho uống nhiều nước và có thể sử dụng probiotic (men vi sinh) trong 5-7 ngày…
Cần giữ vệ sinh và chú ý vấn đề dinh dưỡng cho người ốm.
Bệnh sởi trước đây được coi là bệnh lành tính nhưng nay lại xuất hiện nhiều biến chứng ở trẻ khiến cha mẹ chúng tôi không khỏi lo lắng liệu có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này không?
(chidang@yahoo.com)
PGS.TS Phạm Nhật An: Bệnh sởi hầu hết có diễn biến lành tính nhưng không được coi là bệnh lành tính vì tỉ lệ có biến chứng là rất đáng kể (ở Mỹ tỉ lệ sởi có biến chứng cũng gặp tới trên 29%).
Các biến chứng có thể gây tử vong cho trẻ em chủ yếu là các biến chứng về hô hấp, tuy nhiên các biến chứng này khi khỏi thì ít để lại di chứng. Riêng biến chứng viêm não có thể có những di chứng như đã nêu ở trên. Ngoài ra thì trẻ dưới 2 tuổi mắc sởi còn có khả năng mắc bệnh viêm não xơ cứng toàn thể bán cấp – thường xảy ra sau khi mắc sởi từ 4-10 năm, tuy nhiên, bệnh này rất hiếm gặp.
Như vậy, sau sởi cần theo dõi các dấu hiệu di chứng về thần kinh của trẻ để phát hiện và điều trị các dấu hiệu bất thường.
Xin các bác sĩ cho biết, để phòng chống sốt cao dẫn đến co giật cần lưu ý những gì? Khi trẻ không may bị sốt cao co giật, cần xử trí ra sao? Xin chân thành cảm ơn các bác sĩ.
(Vũ Anh Đức)
PGS.TS Phạm Nhật An: Để đề phòng co giật do sốt thì cần có thái độ xử lý điều trị khi trẻ sốt đúng cách. Cụ thể là: Dùng thuốc hạ nhiệt khi nhiệt độ cặp nách từ 38,5 độ trở lên, đặt trẻ nơi thoáng mát, nới rộng và bỏ bớt quần áo, cho trẻ uống đủ nước, điều trị căn nguyên gây sốt…
Trường hợp dùng thuốc hạ sốt kém hoặc chưa tác dụng, trẻ có xu hướng sốt cao hơn cần được phối hợp hạ sốt bằng chườm ấm, có thể cho thuốc an thần dự phòng co giật do sốt.
Nếu trẻ bị co giật do sốt, trước tiên cần bảo đảm cho trẻ thở được bình thường (bảo đảm đường thở không bị cản trở như: đặt đè lưỡi hút sạch đờm dãi), dùng thuốc an thần chống co giật tiêm tĩnh mạch (thường dùng seduxen 0,2-0,3 mg/kg cân nặng tiêm tĩnh mạch) và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế. Trường hợp không tiêm được tĩnh mạch có thể bơm seduxen vào trực tràng. Tuy nhiên, việc dùng các thuốc an thần chống co giật cần được chỉ định bởi các bác sĩ.
Các loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm và thời gian phát bệnh.
Cháu nhà tôi 5 tuổi, có dấu hiệu đau quặn bụng và tiêu chảy 2 ngày nay. Tôi nghi cháu bị tả. Xin hỏi cần phải làm gì để cháu chóng khỏi? Chế độ ăn uống cho cháu trong thời gian này như thế nào? Xin cảm ơn bác sĩ
(Ngọc Mai, 28 tuổi, Quy Nhơn)
PGS.TS Phạm Nhật An: Trường hợp này chắc chắn trẻ không bị bệnh tả (bệnh tả thường biểu hiện nôn mửa và tiêu chảy tự nhiên, không có dấu hiệu đau bụng). Nhiều khả năng cháu bị viêm ruột (có thể bị bệnh lị) cần được khám xác định và điều trị tại cơ sở y tế. (Chế độ ăn tùy thuộc vào việc xác định trẻ bị bệnh gì).
Thưa bác sĩ, ở Việt Nam hiện nay đã có loại vắc xin nào có thể chủng ngừa được tất cả các loại viêm màng não hay chưa?
(lelan1283@gmail.com)
PGS.TS Phạm Nhật An: Không có loại vắc xin nào có thể phòng được tất cả các loại viêm màng não. Hiện nay tại Việt Nam, có các loại vắc xin phòng một số loại viêm não sau:
Vắc xin phòng viêm não Nhật Bản (vì viêm não Nhật Bản cũng có thể bệnh viêm màng não đơn thuần).
Vắc xin phòng HIb (phòng được viêm màng não do Hib)
Vắc xin phòng phế cầu (phòng được viêm màng não do phế cầu)
Vắc xin phòng não mô cầu (phòng được bệnh viêm màng não do não mô cầu)