Buổi giao lưu trực tuyến chủ đề: "Dịch bệnh mùa hè – Những điều cần biết" do Báo Sức khỏe và đời sống tổ chức từ 9h00 đến 11h ngày 23/5/2014 đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của độc giả. Sau khi buổi giao lưu kết thúc, chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được các câu hỏi của độc giả và đã nhanh chóng gửi thắc mắc của các bạn đến chuyên gia giải đáp. Sau đây là nội dung trả lời của Bác sĩ Tô Quang Trung giải đáp những thắc mắc tiếp theo của độc giả về dịch bệnh mùa hè.
Tôi thấy bệnh tả thì tuyên truyền người dân là tiêu diệt ruồi, nhưng trong bệnh tay chân miệng thì các tài liệu tôi không thấy trong phòng bệnh là tiêu diệt ruồi? Tại sao tiếp xúc với chất thải lại bị bệnh sởi? Cám ơn.
(Trịnh Quang Vương)
BS Tô Quang Trung: Vi khuẩn tả lây nhiễm qua đường tiêu hoá, ruồi là một vật trung gian truyền bệnh (mang vi khuẩn tả từ môi trường vào thực phẩm, nước uống) nếu chúng ta không ăn chín, uống sôi, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì rất dễ bị nhiễm bệnh.
Về cơ chế, bệnh tay chân miệng do virut gây ra, lây nhiễm qua tiếp xúc dịch tiết ở mũi, họng, dịch từ bọng nước vỡ ra. Bàn tay người bệnh hoặc người chăm sóc là một phương tiện truyền bệnh cho người khác. Vì vậy để phòng ngừa bệnh tay chân miệng, phải rửa tay sạch sẽ; vệ sinh môi trường: đồ dùng, tay nắm cửa..., là một trong các khuyến cáo của thầy thuốc.
Đối với bệnh sởi, virut sởi lây truyền qua đường hô hấp . Khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở mũi, họng của bệnh nhân nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Diệt ruồi là biện pháp hiệu quả ngăn chặn lây truyền bệnh qua đường tiêu hóa.
Bé gái nhà em 6 tuổi, tối ngày 20-5-2014 cháu bị sốt cao và kèm theo nôn ói đến nay có đi khám bác sĩ tư gần nhà bảo cháu bị viêm đường ruột và cho uống 3 ngày thuốc. Hiện giờ cháu không bớt nhưng mặt cháu nổi nhiều rôm sảy mọi người nói cháu bị sởi có đúng không? Cháu mệt đừ lắm.
(Võ Thị Thu Thảo-Khu phố 2- Phường 3-Thành phố Tây Ninh)
BS Tô Quang Trung: Rôm sảy thường xuất hiện ở những vùng tăng tiết mồ hôi như lưng , ngực, nách, cổ, trán..., và cho dù có mọc thành đám (có 3 thể: rôm sảy kết tinh, rôm sảy đỏ, rôm sảy sâu - ít gặp và chỉ ở người lớn) nhưng khác hẳn với ban sởi. Theo như thư của chị: cháu điều trị viêm đường tiêu hoá 3 ngày chưa đỡ, vẫn sốt, mọc rôm sảy nhiều ở mặt, mệt nhiều..., trường hợp này có thể có nguy cơ đồng nhiễm một bệnh khác. Việc cần làm lúc này là đưa ngay trẻ tới bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa nhi khám, làm thêm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán xác định và điều trị cho cháu.
Chúc cháu nhanh khoẻ!
Cứ đến mùa hè 2 năm nay cháu đều cảm thấy khó thở, rất khó chịu, bởi vì cứ 1 tý là cháu phải hít hơi thật sâu để lấy không khí vào trong cơ thể.cháu rất mong bác sĩ trả lời giúp cháu biểu hiện của cháu là bị làm sao và cách chữa trị được không ạ.
(Nguyễn Thị Như Hền)
BS Tô Quang Trung: Thời tiết nóng nực khiến cơ thể phải điều hoà thân nhiệt bằng cách hấp thu nhiều ô xy hơn để làm mát cơ thể. Đồng thời cơ thể phải sử dụng nhiều năng lượng hơn để đảm cân bằng nước , điện giải. Căng thẳng, lo lắng, hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng kéo dài..., càng làm cho tình trạng khó thở nặng hơn. Cháu nên mặc quần áo rộng, thoáng; ăn nhiều rau, ăn ít gia vị, ít thịt...; uống nhiều nước; hạn chế lao động khi trời quá nắng nóng.
Tuy nhiên để loại trừ bệnh thực thể, cháu nên bố trí thời gian để đến các bác sĩ khám hô hấp, tim mạch xem có vấn đề gì không.
Chúc cháu vui, khoẻ!
Thưa bác sỹ, bà bầu có nên rửa tay bằng xà phòng thường xuyên không? Các hóa chất có trong xà phòng có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi không (đặc biệt trong 3 tháng đầu)? Cảm ơn bác sỹ.
(Nguyễn Thị Thương, Nghệ An)
BS Tô Quang Trung: Trong thời gian mang thai bạn càng phải giữ gìn vệ sinh tốt. Việc rửa tay xà phòng là một thói quen tốt cần phải duy trì. Bạn yên tâm rằng các hoá chất trong xà phòng rửa tay không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của thai nhi, bởi nó đã được kiểm định chất lượng nghiêm ngặt.
Chúc bạn sức khoẻ!
Việc rửa tay xà phòng là một thói quen tốt cần phải duy trì.
Xin hỏi bác sỹ. Trong trường hợp trẻ bị sốt cao vào mùa hè, thì nên chườm cho trẻ bằng nước ấm hay nước lạnh?
(Nguyễn Văn Nam)
BS Tô Quang Trung: Trẻ sốt cao trong mùa hè, bạn nên lau người trẻ bằng nước ấm giúp giãn mạch dưới da, giúp hạ sốt ; Chỉ chườm hoặc đắp khăn lạnh ở các vị trí như trán, nách, bẹn.
Khi trẻ bị sốt cao, chỉ chườm hoặc đắp khăn lạnh ở các vị trí như trán, nách, bẹn.
Bác sĩ ơi, cháu 18 tuổi, gần đây cháu hay bị đau đầu ngay phía sau tai ấy ạ, không phải trên đỉnh đầu. Khi nằm thì cháu không thấy đau nhưng mỗi khi ngẩng đầu dậy thì lại đau ạ, giống như kiểu căng dây thần kinh, cháu nghiêng một bên cổ lên trên thì lại càng đau hơn ạ... xin bác sĩ giúp đỡ cháu, cháu cảm ơn.
(misskakakakaka@gmail.com)
BS Tô Quang Trung: Cháu đau một bên hay cả 2 bên vùng sau tai, có ảnh hưởng đến sức nghe không? Thời gian gần đây có bị vấn đề gì trục trặc ở tai mũi họng hoặc răng hay không? Nếu có liên quan thì cháu nên tới bệnh viện để bác sĩ khám tìm nguyên nhân và chữa trị cho cháu. Nếu không có liên quan đến những vấn đề nêu trên thì cháu thử dùng salonpas dán vào vùng đau, 2-3 giờ sau bóc ra, ngày dán 2 lần cũng giảm đau khá tốt. Nếu sau 3 ngày mà chứng đau không giảm hoặc xuất hiện thêm các chứng khác như ù tai, quay đầu khó khăn..., thì phải đi khám bác sĩ nhé!
Báo Sức khỏe&Đời sống xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia đã trực tiếp tư vấn và nhãn hàng Lifebuoy đã tài trợ cho buổi Giao lưu trực tuyến này.