Hà Nội

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm trả lời trực tuyến về dịch bệnh mùa hè

23-05-2014 09:05 | Sức khỏe TV
google news

SKĐS - 2 chuyên gia đến từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: TS.BS. Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp và PGS.TS. Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi trả lời độc giả tại buổi giao lưu trực tuyến "Dịch bệnh mùa hè – Những điều cần biết".

Buổi giao lưu trực tuyến chủ đề: "Dịch bệnh mùa hè – Những điều cần biết" do Báo Sức khỏe và đời sống tổ chức đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của độc giả, hiện tại chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được các câu hỏi của độc giả, chúng tôi sẽ chuyển câu hỏi của các bạn tới các chuyên gia về y tế để giải đáp các thắc mắc của các bạn về các dịch bệnh mùa hè và chuyển tới độc giả trong thời gian sớm nhất.

Thời gian giao lưu: 9h00 - 11h00 sáng ngày thứ sáu 23/05/2014

Sau đây là nội dung trả lời độc giả tại buổi giao lưu trực tuyến của 2 chuyên gia đến từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: TS.BS. Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp PGS.TS. Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi.

TS.BS. Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trả lời độc giả tại buổi giao lưu trực tuyến.

TS.BS. Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trả lời độc giả tại buổi giao lưu trực tuyến.

Tôi muốn hỏi là tôi bị sốt đã nửa tháng, bây giờ đã truyền nước, đi xét nghiệm máu, siêu âm, chụp phim… kết quả bình thường nhưng vẫn chưa giảm sốt, cứ cảm thấy nóng trong người, mong các chuyên gia tư vấn, tôi xin cảm ơn.

(Dũng Phan, Đông Hà, Quảng Trị)

TS.BS. Nguyễn Xuân Hùng: Bạn bị sốt 2 tuần, như vậy bạn đã được xếp vào loại triệu chứng sốt kéo dài, theo kinh nghiệm của chúng tôi, nhưng nguyên nhân có thể gặp ở khu vực Quảng Trị là khu vực có lưu truyền dịch tễ bệnh sốt rét, trong đó, khu vực Hướng Hóa, Lao Bảo có mật độ ký sinh trùng rất cao. Bạn hãy xem bạn có đến những khu vực trên trước khi xuất hiện sốt hay không. Bạn hãy đến trung tâm y tế gần nhất và xin làm xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng sốt rét. Nếu không có ký sinh trùng sốt rét trong máu (âm tính), thì bạn hãy đến bệnh viện tỉnh để được khám, điều trị hoặc chuyển lên tuyến trung ương (Bệnh viện các bệnh Nhiệt đới Trung ương).

Tôi được biết có nhiều bệnh gây biến chứng viêm màng não, viêm não, xin cho biết cụ thể những bệnh gì có thể gây viêm não, hay viêm màng não?

(Dương Thị Thủy, Hải Dương)

TS.BS. Nguyễn Xuân Hùng: Có rất nhiều bệnh gây biến chứng viêm màng não và viêm não, xin liệt kê một số bệnh trong mùa hè có biến chứng viêm não và viêm màng não là sởi, rubella, thủy đậu, quai bị, các bệnh nhiễm khuẩn như thương hàn, nhiễm trùng huyết (do nhiều nguyên nhân liên cầu, tụ cầu), bệnh do Leptospira.

Nếu thấy sốt, có đau đầu, nôn, buồn nôn bạn nên đến khám tại các cơ sở y tế, không nên tự chữa bệnh tại nhà.

Tôi nghe nói bệnh viêm não mô cầu rất dễ lây do nói chuyện, tỷ lệ tử vong cao, xin hỏi để phòng tránh căn bệnh này phải làm gì và đối tượng nào dễ bị viêm não mô cầu?

(Lâm Thị Thủy, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc)

TS.BS. Nguyễn Xuân Hùng: Đúng, viêm não mô cầu có thể lây do hít phải dịch của người bệnh có não mô cầu trong hầu họng (hầu họng là một trong những nơi cư trú của vi khuẩn não mô cầu).

Vắc xin là biện pháp tốt nhất phòng tránh căn bệnh này, khi tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang, cần đi khám bác sĩ ngay trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, nôn.

Đối tượng thường gặp là trẻ em từ 5 tuổi trở lên, và người trưởng thành. Bệnh viêm não mô cầu có tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị trong vòng 48 sau khi xuất hiện dấu hiệu bị viêm màng não.

Có phải bệnh viêm não do virut thường xảy ra vào mùa hè? Phòng tránh bằng cách nào, thưa bác sĩ?

(Trần Nam, TP.HCM)

TS.BS. Nguyễn Xuân Hùng: Đúng, bệnh viêm não do virút thường xảy ra vào mùa hè, do liên quan tới thời tiết, khi hậu nóng ẩm, do các yếu tố dịch tễ như vào mùa hè các loại chim mang virút xuất hiện nhiều (như bệnh viêm não Nhật Bản B thường xuất hiện vào mùa vải chín).

Phòng tránh bệnh này bằng vắcxin viêm não.

Tôi 25 tuổi, đang bị bệnh thủy đậu. Tôi đang mang thai tuần thứ 16. Xin hỏi bác sĩ bệnh thủy đậu có ảnh hưởng tới thai nhi hay không. Nếu có thì ảnh hưởng như thế nào?

(minhhuong@gmail.com)

TS.BS. Nguyễn Xuân Hùng: Về nguyên tắc, tất cả các nhiễm virút từ tháng thứ 3 trở xuống đều có khả năng gây đột biến ở thai nhi, dẫn tới các dị dạng bẩm sinh (sứt môi, hở hàm ếch, não úng thủy, dị tật bẩm sinh ở tim, hoặc dị dạng các chi...), đặc biệt gặp tỷ lệ cao ở các bệnh như Rubella, thủy đậu. Ở tuần thứu 16 của thai kỳ, mà bạn bị nhiễm bệnh, sẽ ít có nguy cơ bị ảnh hưởng tới thai nhi.

Bạn nên đến các cơ sở y tế để theo dõi thai kỳ và được tư vấn trước sinh.

Xin hỏi BS, tôi bị bệnh thủy đậu và đang bôi thuốc xanh metylen để sát khuẩn, tôi muốn hỏi ngoài biện pháp bôi thuốc này, tôi có thể bôi được loại thuốc nào nữa không? Cảm ơn bác sĩ

(Lương Thu Thủy - Phố Nối - Hưng Yên)

TS.BS. Nguyễn Xuân Hùng: Ngoài thuốc xanh metylen, bạn có thể bôi mớ Acyclovir (tuy nhiên theo tôi, bôi xanh metylen theo hướng dẫn là đúng). Bạn cần chú ý bọng nước chuyển từ trong sang đục, sốt cao thì chứng tỏ bạn đã bị bội nhiễm, bạn cần đến cơ sở y tế để được điều trị bằng kháng sinh thích hợp.

 

Hiện nay tôi đang chăm sóc người nhà bị thủy đậu. Bản thân đã từng bị lên thủy đậu một lần. Vậy xin hỏi BS tôi có bị lây nhiễm thủy đậu nữa không?

(viettung@gmail.com)

TS.BS. Nguyễn Xuân Hùng: Miễn dịch với bệnh thủy đậu là một miễn dịch thủy đậu. Nếu bạn chắc chắn bạn đã bị bệnh thủy đậu rồi thì hiếm khi bạn bị lại mặc dù đang chăm sóc người nhà bị thủy đậu. Tuy nhiên nếu bạn đang mắc một bệnh nội khoa mãn tính như suy thận, suy gan, lao... làm hệ thống miễn dịch suy yếu thì bạn có thể bị lại.

Xin hỏi BS làm cách nào để phân biệt bệnh thủy đậu với các bệnh sốt phát ban, sởi, sốt xuất huyết vì các bệnh này cùng có dấu hiệu bị sốt và nổi ban đỏ?

(phunghaluu@gmail.com)

TS.BS. Nguyễn Xuân Hùng: Bạn nói đúng, các bệnh này đều có sốt và phát ban, tuy nhiên có sự khác biệt về hình thái của ban, thời gian mọc của ban.

Ban sởi thường màu hồng, nhỏ như lá bèo tấm, nổi gờ lên mặt da, sờ vào thấy rất mịn, mọc tuần tự từ chân tóc trở xuống và khi ban mọc đến chân thì ban bắt đầu bay để lại trên da những vết thâm và bong da như rắc phấn, làm da loang lổ như vết lằn da hổ.

Các sốt phát ban do các tác nhân virút khác cũng gây các ban nhỏ màu hồng giống như sởi nhưng không mọc tuần tự như đã mô phỏng ở trên (phát ban dạng sởi). Cả 2 dạng ban trên đều mất đi khi căng da.

Bệnh sốt xuất huyết làm xuất hiện các ban xuất huyết trên da nhỏ li ti như đầu kim hoặc thành mảng bầm tím ở những nơi tì đè hoặc va đập, đặc điểm của ban này so với các dạng trên là khi căng da các nốt xuất huyết không mất đi

Ban trong bệnh thủy đậu là ban đỏ, có bọng nước, khác hoàn toàn với các ban trên.

Con tôi 22 tháng, mới tiêm phòng được một mũi văcxin phòng sởi cách đây 2 tháng (sởi - quai bị - rubela). Xin các bác sĩ, mũi thứ hai sẽ tiêm sau mũi thứ nhất bao lâu và khi con tôi bị nổi rôm (không sốt)thì có nên đi tiêm không?

(Trần Hòa)

TS.BS. Nguyễn Xuân Hùng: Trong quyển sổ tiêm chủng có hẹn ngày tiêm mũi thứ 2, bạn hãy tuân thủ các chỉ định của bác kỹ thuật viên ở nơi tiêm chủng và đưa con mình đi tiêm theo lịch hẹn. Nổi rôm không là chống chỉ định của tiêm chủng, vậy bạn hãy yên tâm đưa cháu đi tiêm như bình thường.

Em tôi 28 tuổi, đi khám và được các BS chẩn đoán bị sốt xuất huyết. Hiện giờ em tôi đang nằm điều trị tại nhà. Nhưng do mùa hè nóng nực, em tôi luôn đòi tắm hằng ngày. Mẹ tôi nhất quyết không cho em tắm hoặc đụng tới nước vì theo kinh nghiệm dân gian thì động vào nước khi sốt xuất huyết sẽ bị biến chứng. Vậy xin hỏi BS em tôi có được tắm không, có cần phải kiêng loại thực phẩm nào không? Và vệ sinh theo cách thức như thế nào là tốt nhất?

(Hoàng Thị Thanh, Nghệ An)

TS.BS. Nguyễn Xuân Hùng: Hãy lau người bằng nước ấm với các loại xà phòng diệt khuẩn như Lifebuoy và bạn cũng không cần kiêng loại thực phẩm nào hết. Em bạn cần uống đủ nước, và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Nếu vẫn sốt tốt nhất nên đến bệnh viện để được theo dõi, đặc biệt là tình trạng xuất huyết và số lượng tiểu cầu hàng ngày.

Vì bệnh nhân đã 28 tuổi, cần giữ vệ sinh thân thể bình thường.

Con tôi năm nay 3 tuổi, cháu bị sốt 38 độ và có phát ban ở tay, chân, mông. Xin hỏi bác sĩ cháu có phải bị bệnh tay chân miệng hay không, việc chữa trị thế nào, có cần cách ly không và chữa tại nhà được không. Xin cảm ơn bác sĩ.

(Phương Hiếu, TP. Hạ Long)

TS.BS. Nguyễn Xuân Hùng: Bạn nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để khám vì bệnh tay chân miệng có ban dạng bọng nước, thường xuất hiện cả ở trong niêm mạc miệng.

Trước khi có kết luận của bác sĩ bạn cần cách ly (cho cháu nghỉ ở nhà), cách ly khỏi những trẻ khác để tránh lây bệnh.. Nếu có chữa trị ở nhà cần được tư vấn và chỉ định của bác sĩ. Lưu ý cần giữ gìn vệ sinh thân thể bằng xà phòng. Cần đảm bảo rửa tay đúng quy trình sẽ diệt được 90% vi khuẩn gây bệnh.

Tôi nghe truyền thông nói nhiều đến biện pháp rửa tay bằng xà phòng để phòng chống dịch bệnh, vậy xin hỏi chuyên gia việc này có tác dụng như thế nào?

Nếu rưa tay đúng cách bạn đã diệt được 90% vi khuẩn gây bệnh. Nói một cách khác bạn đã tự bảo vệ bản thân và tránh làm lây lan cho người xung quanh chỉ bằng một biện pháp đơn giản là rửa tay. Cần sử dụng các loại xà phòng có tính diệt khuẩn như Lifebuoy chẳng hạn...

Em tôi 28 tuổi, đi khám và được các BS chẩn đoán bị sốt xuất huyết. Hiện giờ em tôi đang nằm điều trị tại nhà. Nhưng do mùa hè nóng nực, em tôi luôn đòi tắm hằng ngày. Mẹ tôi nhất quyết không cho em tắm hoặc đụng tới nước vì theo kinh nghiệm dân gian thì động vào nước khi sốt xuất huyết sẽ bị biến chứng. Vậy xin hỏi BS em tôi có được tắm không, có cần phải kiêng loại thực phẩm nào không? Và vệ sinh theo cách thức như thế nào là tốt nhất?

(Hoàng Thị Thanh, Nghệ An)

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Điều đầu tiên là xin đừng quá lo lắng về căn bệnh này. Bệnh sốt xuất huyết hầu hết sẽ tự ổn định sau 7-10 ngày kể từ khi sốt. Tuy nhiên có 1 tỉ lệ nhỏ sẽ có biến chứng nặng, cần phải điều trị tại bệnh viện. Việc vệ sinh cơ thể và dinh dưỡng là rất cần thiết đối với những người đang ốm, kể cả bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy ta không nên kiêng kem.

Thực phẩm nào cũng tốt với bệnh nhân, đặc biệt là những thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng, ví dụ như: chế độ ăn có nhiều thịt, vitamin,… nhưng nên nấu chín kỹ, chế biến lỏng để dễ tiêu. Điều trị cần chú ý là không nên dùng thực phẩm có màu sắc thẫm màu (vì dễ bị nhầm lẫn với chảy máu đường tiêu hóa khi người bệnh bị nôn), khó tiêu.

Quá trình truyền bệnh sốt xuất huyết từ muỗi mang bệnh sang người.

Quá trình truyền bệnh sốt xuất huyết từ muỗi mang bệnh sang người.

 

Chồng tôi bị sốt 3 ngày sau đó đi khám và được làm các xét nghiệm. Tuy nhiên, sau khi làm xét nghiệm thì chưa có kết quả kết luận bị sốt xuất huyết. Sau đó vài ngày, thấy nổi các ban mẩn đỏ, chồng tôi lại đi làm xét nghiệm thì có kết luận bị sốt xuất huyết. Xin hỏi BS kết quả xét nghiệm lần đầu tiên có phải là không chính xác không? Muốn làm xét nghiệm để biết xem mình có mắc bệnh sốt xuất huyết hay không thì nên đi xét nghiệm vào thời điểm nào?

( minhly@gmail.com )

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Đối với bệnh sốt xuất huyết, hiện nay đang có 2 loại xét nghiệm để chuẩn đoán, đó là: xét nghiệm phát hiện vỏ của virus sốt xuất huyết (NS1).Xét nghiệm này nên làm trong 4 ngày đầu tiên của sốt thì tỉ lệ xác định bệnh sẽ cao. Loại xét nghiệm thứ 2 là xét nghiệm phát hiện kháng thể của cơ thể chống lại virus sốt xuất huyết. Loại xét nghiệm này nên làm vào ngày thứ 5 trở đi thì tỉ lệ xác định bệnh cũng cao.

Hai loại xét nghiệm trên đang được sử dụng ở tất cả các bệnh viện trên toàn quốc. Điều quan trọng là người thầy thuốc cần biết chính xác ngày bệnh nhân bị sốt để chỉ định 2 loại xét nghiệm trên cho phù hợp.

Tôi đang chăm sóc người nhà bị mắc bệnh sốt xuất huyết, có lây bệnh của người nhà không?

(Minh Sang - Phù Ninh - Phú Thọ)

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Các bệnh truyền nhiễm thường lây lan trong cộng đồng tạo thành dịch. Tuy nhiên đối với một số bệnh như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản,… chỉ lây truyền khi mỗi đốt từ người bệnh sang người lành.

Loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là loại muỗi vằn (tên khoa học là Aides aegypty). Vì vậy chỉ bị bệnh sốt xuất huyết khi bị loại muỗi trên mang virus sốt xuất huyết đốt truyền bệnh. Xin bạn đừng quá lo lắng và yên tâm chăm sóc người bệnh.

Các triệu chứng ban đầu của sởi là sốt cao, ho…rất giống với triệu chứng của các bệnh khác. Vậy làm thế nào để phân biệt triệu chứng của bệnh sởi với các bệnh khác để phát hiện và điều trị kịp thời?

(Trần Thị Huyền, Hà Nam)

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Vấn đề chị đang lo lắng là hoàn toàn đúng. Vấn đề này đôi khi cũng là khó khăn cho các bác sĩ để chẩn đoán bệnh trong những giờ đầu mắc bệnh.

Về nguyên tắc, để chẩn đoán được bệnh sởi cần lưu ý 3 yếu tố sau:

Bệnh nhân đang sống trong vùng có dịch, hoặc tiếp xúc với người bị bệnh sởi;

Bệnh nhân có biểu hiện sốt hoặc có một vài dấu hiệu bất thường. Ví dụ như: ho, hắt hơi, sổ mũi, mi mắt nề đỏ,…;

Khi có 2 yếu tố trên cần phải nghi ngờ ngay có thể bị mắc sởi nếu người bệnh chưa từng được tiêm phòng vắc-xin.

Yếu tố thứ 3 là cần ý kiến của các nhà chuyên môn để xác định bệnh. Vì vậy khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và tư vấn cách chăm sóc.

PGS.TS. Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, BV Bệnh nhiệt đới TƯ trả lời tại buổi giao lưu trực tuyến.

PGS.TS. Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, BV Bệnh nhiệt đới TƯ trả lời tại buổi giao lưu trực tuyến.

Thưa bác sĩ, với trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm có thể tự điều trị cách ly tại nhà được không?

(Mai Hạ, 51 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội)

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Để trả lời câu hỏi của chị, tôi xin giải thích thêm: Hiện nay ngành y chia virus cúm làm 2 nhóm chính.

Nhóm thứ 1 là cúm gây bệnh ở người, ví dụ: H1N1, H3N2, H2N2 và thường gây thành dịch hàng năm, chúng ta quen gọi là cúm mùa.

Nhóm thứ 2 là một số virus cúm vốn gây bệnh ở động vật, nay lây sang người. Ví dụ: H5N1, H7N9, H8N10,…Đối với nhóm virus này, loài người chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, chăm sóc, điều trị. Hơn nữa, bệnh từ gia súc chuyển sang người thường nặng hơn so với bệnh cúm mùa.

Vì vậy chúng ta không nên tự cách ly và điều trị đối với nhiễm cúm gia cầm tại nhà.

Xin hỏi tôi phải làm gì ngay sau khi nghi vừa tiếp xúc với thức ăn nhiễm trực khuẩn lỵ (bạn tôi cùng ăn đang bị bệnh lỵ)?

(Hoài Nam, 22 tuổi, Hà Nội)

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Thông thường, trong một bữa ăn có thực phẩm bị nhiễm khuẩn, ví dụ như trường hợp của bạn nói là nhiễm trực khuẩn, sẽ có người mắc bệnh ngay, cũng có người bệnh nhẹ hơn, cũng có người không có biểu hiện bệnh.

Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như số lượng thực phẩm đã ăn vào, thực trạng sức khỏe của mỗi người khi tiếp xúc với nguồn bệnh…

Vì vậy nếu chưa có biểu hiện bệnh ta cần theo dõi thêm (đối với lỵ trực khuẩn là 3-5 ngày). Nếu có biểu hiện bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, cần lưu ý trong giai đoạn theo dõi vẫn cần cách ly với người xung quanh, ví dụ như: ăn bát đĩa riêng, chất thải đúng chỗ,…

Thưa bác sĩ, bệnh thương hàn có hay bị mắc không? Tôi nghe nói bệnh này cũng nguy hiểm lắm?

(Nguyễn Trung, TP. Thanh Hóa)

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Bệnh thương hàn là bệnh do vi khuẩn gây nên. Vi khuẩn này có thể gây bệnh thành nhiễm khuẩn nhiễm đọc toàn thân và có nhiều biến chứng có thể dẫn đến tử vong. Hơn nữa bệnh này có thể gây thành dịch qua đường tiêu hóa. Vì vậy đây là bệnh nguy hiểm cần phải quan tâm.

Để tránh mắc bệnh này cần đảm bảo vệ sinh: vệ sinh cá nhân như rửa tay trước khi ăn, vệ sinh ăn uống – an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường (quản lý tốt phân-nước-rác). Bạn đã biết quan tâm đến căn bệnh này, xin phổ biến để bạn bè và mọi người xung quanh cùng phòng tránh.

Tôi đang mang thai. Nghe nói phụ nữ mang thai bị bệnh cúm có thể gây ảnh hưởng tới thai nhi. Điều này có đúng không thưa bác sĩ và làm thế nào để tránh mắc bệnh cúm?

(Phạm Thị Tâm, Ninh Bình)

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Cho đến nay chưa có nhiều bằng chứng gây đột biến thai của virus cúm nhưng về nguyên tắc: khi mang thai trong 3 tháng đầu, một số loại virus có thể gây bất thường cho thai nhi. Trong suốt quá trình mang thai, nếu bị nhiễm bệnh nặng có thể gây đẻ non hoặc sẩy thai.

Vì vậy trước khi có thai chúng ta nên có kế hoạch bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ mang thai, cụ thể như sau:

-         Nên tiêm phòng các loại vắc-xin trước khi mang thai ít nhất 1 tháng (Nên đến tư vấn cụ thể tại các điểm tiêm chủng)

-         Trong quá trình mang thai nên nghỉ ngơi, hạn chế lao động nặng, có chế độ bồi dưỡng đầy đủ, giữ vệ sinh cá nhân như đeo khẩu trang, vệ sinh thực phẩm,…

Cứ đến mùa hè 2 năm nay cháu đều cảm thấy khó thở,rất khó chịu,bởi vì cứ 1 tý là cháu phải hít hơi thật sâu để lấy không khí vào trong cơ thể. Cháu rất mong bác trả lời giúp cháu là biểu hiện của cháu là bị làm sao và cách chữa trị được không ạ?

(Nguyễn Thị Như Hền)

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Nghe câu hỏi của chị tôi chưa thể xác định được là có bệnh lý hay không. Đôi khi các bệnh tâm lý (do chúng ta tự cảm thấy) là có thật. Bệnh này chỉ ảnh hưởng chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, chứ chưa ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cứ hè đến là con cháu hay bị phát ban vậy có cách nào phòng tránh hiệu quả không ạ?

(Nguyễn Thanh Duy)

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Bệnh phát ban có thể do một số nguyên nhân sau:

1.     Do các bệnh nhiễm trùng như: sởi, rubella, sốt xuất huyết,…

2.     Do vấn đề cơ địa như: dị ứng, mề đay,…

3.     Có thể liên quan đến vấn đề vệ sinh cá nhân và môi trường, ví dụ như: rôm, sẩy, côn trùng đốt,…

Cách phòng chống tốt nhất là chúng ta nên tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin cho các cháu, để hạn chế bớt các nguyên nhân nhiễm trùng. Đảm bảo giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa, vệ sinh môi trường để hạn chế các nguyên nhân trên. Nếu không đỡ, bạn nên đưa cháu đến các cơ sở y tế gần nhất để nghe các bác sĩ khám, đánh giá và tư vấn cụ thể.

Hiện nay có rất nhiều loại vaxin phòng bệnh được thông báo tại Trung tâm y tế dự phòng. Trẻ có nên được tiêm hết tất cả các loại này không?Nếu quá nhiều vaxin vào trong người thì có gây hại cho trẻ không? Một số loại vaxin như vaxin ngừa cúm nếu tiêm hàng năm cho trẻ thì có làm giảm khả năng tự miễn dịch của trẻ và làm trẻ bị phụ thuộc vào vaxin không?

(Lê Thị Mai)

PGS.TS. Bùi Vũ Huy: Nếu có điều kiện chị nên tiêm phòng tất cả các loại vắc-xin cho cháu. Tuy nhiên cũng cần phải nghe tư vấn cụ thể tại các bàn tiêm, vì có một số loại vắc-xin chưa thực sự cần thiết nếu không có dịch, ví dụ như tả, thương hàn. Chỉ cần lưu ý rằng ta tiêm loại vắc-xin nào thì chỉ phòng được loại bệnh đó mà không phòng được các bệnh khác.

Về nguyên tắc không nên tiêm 2 loại vắc-xin sống trong cùng một tháng. Vì vậy chương trình tiêm chủng đã có kế hoạch cụ thể để tiêm phòng cho từng loại vắc-xin. Chị có thể đến nghe tư vấn và thực hiện theo để đảm bảo an toàn, và việc tiêm đạt được hiệu quả mong muốn.

Riêng đối với vắc-xin cúm, do các chủng virus cúm luôn luôn thay đổi hàng năm, vì vậy vắc-xin này cũng phải được tiêm bổ sung hàng năm. Việc tiêm chủng là rất tốt, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, dưới 1 tuổi, người già, phụ nữ có thai và những người có bệnh mạn tính.


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn