Theo chủ một sạp rau tại chợ dân sinh khu đô thị Xa La (Hà Nội), khoảng một tuần trở lại đây giá rau đột nhiên tăng mạnh, gấp 3 – 4 lần so với thời điểm trước. Lý do giá rau tăng cao được nhiều người cho rằng, vì thời tiết chuyển lạnh đột ngột khiến rau sinh trưởng chậm.
"Mấy ngày hôm nay nhà tôi cũng không dám lấy nhiều rau về bán, vì giá rau quá cao nên bị đội vốn lên rất nhiều. Lấy rau về sợ không bán hết thì chết dở, rau đắt như thế này dân cũng không dám ăn nhiều. Số người mua thì vẫn vậy nhưng lượng rau mua thì giảm xuống đáng kể", chủ sạp rau cho hay.
Theo khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn TP. Hà Nội, giá rau xanh như cải chip, cải thìa, cải canh, cải mơ, cải cúc có giá 12 - 13 nghìn đồng/mớ, hoặc 35 - 37 nghìn đồng/kg; rau cần ta 14 - 15 nghìn đồng/mớ; cải bắp 20 - 22 nghìn đồng/kg; su hào 12 – 15 nghìn đồng/củ;…
Riêng đối với những loại củ như khoai tây, khoai sọ thì giá vẫn bình ổn gần như trước, giá dao động từ 22 – 25 nghìn đồng/kg. Còn giá rau củ tại chợ đầu mối như Chợ đầu mối Minh Khai (Cầu Diễn, Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội) thì sẽ "nhẹ" hơn từ 4 – 6 nghìn đồng/mớ (hoặc kg).
Chị Huyền Trang (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, vì rau quá đắt nên thời gian gần đây bữa ăn của gia đình chị có sự thay đổi. Từ việc ăn nhiều rau, vừa thịt thì hiện tại mâm cơm sẽ chủ yếu là thịt, cá, trứng, còn rau sẽ chỉ là để "trang trí".
"Nhà mình 4 người mọi khi phải ăn 2 củ su hào/bữa, nhưng hôm qua mình cũng chỉ dám xào 1 củ và ăn cả lá. Một củ su hào mình mua 15 nghìn đồng, nếu xào 2 củ thì đã tốn 30 nghìn đồng, bằng với giá của 3 lạng thịt. Mọi khi nhà mình hay ăn rau luộc hoặc xào thì nay mình chuyển sang nấu canh suông để "trang trí" cho mâm cơm, như vậy cũng sẽ cảm thấy bữa ăn không quá ít rau", chị Trang chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ, chị Giang Hương (Hà Đông, Hà Nội) thời gian gần đây mỗi lần đi chợ chỉ tập trung chủ yếu mua các loại củ quả như khoai tây, khoai sọ hoặc cà chua. Theo chị Hương, vì giá rau quá cao nên thay vì ăn rau xào hay luộc thì chị chuyển sang nấu các món canh như khoai tây nấu xương, hoặc canh cà chua trứng.
"Nhà mình cũng tăng lượng thịt, cá để bù vào phần thiếu của rau. Tuy nhiên, ăn mãi cùng chán, thiếu chất của rau xanh nên cách 1 – 2 hôm mình cũng phải mua rau về luộc hoặc xào cho bữa cơm đủ cả chất và lượng", chị Hương nói.
Không chỉ là gia đình chị Huyền Trang và Hương Giang, mà nhiều chủ sạp rau cũng đều phải thốt lên rằng "giá rau quá đắt". Thậm chí mang tiếng là "của nhà trồng được" nhưng có những loại rau yêu thích bây giờ gia đình chủ sạp cũng không dám ăn, thay vào đó chỉ tập trung ăn những loại rau… bị ế.
Tại Hội thảo "Sản xuất, cấp chứng chỉ và quản lý sản phẩm hữu cơ" do Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức tại TP. Hà Nội mới đây, PGS.TS.BS Trương Tuyết Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Theo thống kê từ năm 1981-2020, xu thế tiêu thụ thực phẩm thịt, trứng, sữa, cá (đặc biệt là thịt) của người Việt gia tăng, nhưng tiêu thụ rau, gạo lại giảm. Cộng với những thói quen xấu như sử dụng thuốc lá, rượu bia, thiếu hoạt động thể chất, khiến sức khỏe của người Việt bị ảnh hưởng không ít.
Khảo sát cho thấy, người dân ở nông thôn ít bị bệnh tim mạch, ung thư ruột già, đái đường, táo bón hơn so với dân thành thị. Lý do vì họ ăn nhiều thực phẩm có chất xơ hơn, còn người thành thị ăn nhiều thịt và mỡ, ít thực phẩm có chất xơ.
TS.BS Vũ Trường Khanh - Nguyên Trưởng khoa tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cũng từng đưa ra nhận định, thói quen ăn nhiều thịt, ít rau của người Việt là nguyên nhân chính khiến các bệnh tiêu hóa ngày càng gia tăng.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Xử phạt quái xế tuổi teen bốc đầu xe máy, quay video khoe lên mạng xã hội.