Tính đến hết năm 2021, nước ta có 17.174 cơ sở sản xuất, 555 cơ sở chế biến, 40 nhà nhập khẩu và 60 nhà xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chủ yếu được sản xuất tại trung du vùng núi phía Bắc (47%), Đồng Bằng sông Cửu Long (31%) và chủ yếu là sản xuất theo hình thức hộ gia đình (98%).
Lợi ích của thực phẩm hữu cơ với sức khỏe
Tại Hội thảo "Sản xuất, cấp chứng chỉ và quản lý sản phẩm hữu cơ" do Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức tại TP. Hà Nội mới đây, PGS.TS.BS Trương Tuyết Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã có những chia sẻ về lợi ích của thực phẩm hữu cơ đối với sức khỏe con người.
Theo PGS.TS.BS Trương Tuyết Mai, tại Việt Nam tỷ lệ thấp còi, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng đã giảm nhưng không nhiều, song song với đó là tỷ lệ thừa cân, béo phì (đặc biệt là những trẻ ở thành phố) và bệnh không lây nhiễm (NCDs) ngày càng gia tăng.
Theo thống kê từ năm 1981-2020, xu thế tiêu thụ thực phẩm thịt, trứng, sữa, cá (đặc biệt là thịt) của người Việt gia tăng, nhưng tiêu thụ rau, gạo lại giảm. Cộng với những thói quen xấu như sử dụng thuốc lá, rượu bia, thiếu hoạt động thể chất, khiến sức khỏe của người Việt bị ảnh hưởng không ít.
Theo những công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy, những sản phẩm hữu cơ được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt có thành phần dinh dưỡng tốt hơn, có tính cân đối về tỷ lệ hơn như hàm lượng Omega 3, 6 ở trong sữa. Trong một số loại rau hữu cơ, lượng vitamin A, betacaroten, vitamin C được gia tăng và có tính bền tốt hơn.
Đặc biệt, các thực phẩm hữu có cơ tính an toàn hơn về hàm lượng thuốc trừ sâu được sử dụng; Hàm lượng nitrat, độc tố nấm mốc, cadmium ít hơn; Hàm lượng về nito, photpho, độ axit của các sản phẩm hữu cơ đều được đảm bảo tính an toàn.
"Khi được sản xuất trong quy trình đảm bảo tính nghiêm ngặt thì những sản phẩm là thực phẩm hữu cơ sẽ có tính anh toàn, lành mạnh và dinh dưỡng cao hơn, từ đó có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng hơn. Đặc biệt khi những sản phẩm này có hoạt tính sinh học, chống oxy hóa mạnh, cung cấp nhiều vitamin hơn, có khả năng miễn dịch, nhiều chất xơ hơn để giúp lợi khuẩn, hay nhiều Omega 3, 6 để cân bằng và có lợi cho tim mạch, từ đó ít dị ứng, hạn chế ngộ độc hơn.
Việc tiêu thụ thực phẩm hữu cơ còn giúp phòng chống thừa cân béo phì và bệnh chuyển hóa", – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ.
Vẫn còn những rào cản với thực phẩm hữu cơ
Cũng theo Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Trương Tuyết Mai, người tiêu dùng Việt Nam đang ưu tiên sử dụng thực phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, cũng có những rào cản đối với việc tiêu thụ sản phẩm này.
"Rào cản đầu tiên là giá cả của sản phẩm còn khá cao. Thứ hai là nhiều người tiêu dùng vẫn chưa đặt lòng tin vào sản phẩm. Tiếp theo là tính sẵn có của sản phẩm còn ít, cuối cùng là về tính minh bạch, quản lý chất lượng, an toàn của sản phẩm.
PGS.TS.BS Trương Tuyết Mai cho rằng, để tăng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ ở Việt Nam, theo ở góc nhìn của ngành Y tế, cần nghiên cứu cung cấp nhiều bằng chứng khoa học về tính an toàn, lợi ích, tác dụng cho sức khỏe của một số thực phẩm hữu cơ tiềm năng của Việt Nam.
"Đặc biệt, cần tăng cường kiểm nghiệm, truy xuất nguồn gốc, sự tham gia quản lý an toàn của các Bộ trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Thông tin về sản phẩm cần minh bạch, được ghi nhãn và có đầy đủ những chứng nhận an toàn theo quy định", PGS.TS.BS Trương Tuyết Mai chia sẻ.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Con Trai Cả Mặc Quân Phục Ngã Quỵ, Gào Khóc Bên Mẹ Và 2 Em- “Anh Về Rồi, Sao Út Không Đợi anh”-SKĐS