Ăn trái cây thay rau xanh được không?

04-09-2022 07:19 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Rau và trái cây là một phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh và là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể. Tuy nhiên có một số người không thích ăn rau, chỉ thích ăn trái cây. Vậy ăn trái cây thay rau có được không?

1. Rau - nguồn thực phẩm lành mạnh tốt cho sức khỏe

Các loại rau củ, đặc biệt là rau lá xanh được coi là thực phẩm kỳ diệu vì nó giàu các chất dinh dưỡng lành mạnh, thiết yếu cho cơ thể như vitamin, khoáng chất, canxi, sắt, đặc biệt là chất xơ...

Rau xanh cung cấp các yếu tố vi lượng cũng như các chất bảo vệ, giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng. Các loại rau lá màu xanh sẫm và các loại rau, củ màu vàng, đỏ là nguồn cung cấp vitamin A giúp sáng mắt, tăng sức đề kháng; chất sắt giúp chống thiếu máu giúp cơ thể trẻ em tăng trưởng và phát triển tốt.

Theo ThS. BS Lê Trịnh Thủy Tiên, Chuyên khoa Dinh dưỡng, Hội Dinh dưỡng Lâm sàng Việt Nam: các loại rau quả chứa nhiều chất xơ và các chất chống oxy hóa do đó có tác dụng nâng cao sức khỏe, tăng cường khả năng miễn dịch và hỗ trợ phòng chống các bệnh mạn tính không lây.  Nên ăn tối thiểu 400gam rau, quả hằng ngày, chế độ ăn này có tác dụng phòng một số bệnh mạn tính có liên quan đến dinh dưỡng như tim mạch, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng.

Rau và trái cây đều tốt cho sức khỏe, nhưng ăn trái cây thay rau có được không? - Ảnh 2.

Rau là nguồn thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng.

Vì có hàm lượng chất xơ cao nên ăn rau giúp hỗ trợ tiêu hóa, nâng cao sức khỏe đường ruột, ngăn ngừa táo bón hiệu quả.

Rau tự nhiên có hàm lượng nước cao. Đây là lý do tại sao chúng thường không có chất béo và ít calo. Do đó, một chế độ ăn nhiều rau sẽ làm tăng lượng nước và giúp thải độc tố ra khỏi cơ thể, giúp giảm cân lành mạnh.

2. Trái cây giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa

Trái cây rất giàu vitamin, khoáng chất cần thiết cho xơ thể như: vitamin A, C, D, E, K, kali, kẽm, magiê, sắt, natri, folate…

Kali trong trái cây có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Kali cũng có thể làm giảm nguy cơ phát triển sỏi thận và giúp giảm mất xương.

Trái cây cũng chứa nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa. Chất xơ trong trái cây giúp cải thiện khả năng tiêu hóa. Các chất chống oxy hóa và các hợp chất thực vật có nhiều trong các loại trái cây giàu vitamin A, C, E, beta-carotene, lycopene và selen giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do gây hại, có thể hỗ trợ ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và ung thư.

Chất chống oxy hóa cũng có thể có tác động tích cực đến sức khỏe tiêu hóa. Polyphenol là chất chống oxy hóa đã được chứng minh là làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột, hoặc tăng tỷ lệ vi khuẩn lành mạnh so với vi khuẩn có hại.

Rau và trái cây đều tốt cho sức khỏe, nhưng ăn trái cây thay rau có được không? - Ảnh 4.

Trái cây giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa.

3. Ăn trái cây thay rau có được không?

Mặc dù rau xanh và trái cây cùng là nhóm thực phẩm cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa, rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng nếu thay thế hoàn toàn rau bằng trái cây trong chế độ ăn hàng ngày lại không khoa học.

Theo ThS. BS. Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tác dụng của rau là cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp đào thải chất độc cholesterol ra khỏi cơ thể và chống táo bón. Một số rau gia vị còn có tác dụng chữa bệnh nhờ có các tinh dầu và kháng sinh thực vật như: hành ta, hành tây, tỏi, củ cải, cà rốt, ớt…

Hàm lượng các sinh tố và chất xơ trong rau cao hơn so với trái cây. Các chất xơ trong rau có cấu trúc mịn màng, giúp cho cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng ở trong 3 nhóm thức ăn cơ bản (nhóm đạm, đường, béo). Chính vì vậy không thể dùng trái cây để thay thế rau xanh trong chế độ ăn hàng ngày mà nên sử dụng cả rau và quả chín.

Rau và trái cây đều tốt cho sức khỏe, nhưng ăn trái cây thay rau có được không? - Ảnh 5.

Nên sử dụng đầy đủ rau và trái cây trong chế độ ăn hàng ngày.

Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng, mỗi người nên ăn lượng rau quả là 480g - 560g/ngày (tương đương từ 6-7 đơn vị rau quả, mỗi đơn vị là 80g rau quả sống sạch, không tính phần thải bỏ như vỏ, hạt…); trong đó tiêu thụ rau là từ 240 - 320g/ngày và tiêu thụ quả chín là 240g/ngày.
Bạn đã biết cách ăn rau và trái cây an toàn?Bạn đã biết cách ăn rau và trái cây an toàn?

SKĐS - Một chế độ ăn uống với nhiều rau xanh và trái cây mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhưng đôi khi rau và trái cây có thể gây ngộ độc thực phẩm nếu không được trồng với quy trình sản xuất an toàn. Vì vậy, bạn cần lựa chọn và chế biến chúng một cách an toàn.

Xem thêm video đang được quan tâm

Cách Nào Để Giảm Cân Không Cần Cardio? | SKĐS


Thu Phương
Ý kiến của bạn