Đường sắt đô thị sẽ giải được bài toán tắc đường và ô nhiễm ở Hà Nội?

03-07-2024 08:55 | Xã hội
google news

SKĐS - Phát triển đường sắt đô thị ở Hà Nội được kỳ vọng không chỉ thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết triệt để các vấn đề ùn tắc giao thông mà còn thay đổi được cả thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Xe máy cũng phải kiểm định khí thải và nhiều điểm mới trong Luật Trật tự, an toàn giao thôngXe máy cũng phải kiểm định khí thải và nhiều điểm mới trong Luật Trật tự, an toàn giao thông

SKĐS - Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới được thông qua có nhiều điểm mới, đặc biệt là về giấy phép lái xe, kiểm tra nồng độ cồn, đấu giá biển số và kiểm định xe máy...

Đường sắt đô thị Hà Nội đầu tư hơn 55 tỷ USD

Tại phiên họp chiều ngày 2/7, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP. Hà Nội cho ý kiến về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) Thủ đô. HĐND TP. Hà Nội thống nhất thông qua chủ trương triển khai Đề án Đường sắt đô thị Thủ đô và đưa vào Nghị quyết chung về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Theo đề án, đến năm 2045, Hà Nội sẽ hoàn thành gần 600 km đường sắt đô thị với tổng mức đầu tư hơn 55 tỷ USD.

Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Hà Nội sáng 1/7, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Phi Thường đã trình bày tờ trình của UBND thành phố về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT Thủ đô. Mục tiêu đề án là phát triển hệ thống ĐSĐT đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng của thành phố. Phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%.

Đường sắt đô thị sẽ giải được bài toán tắc đường và ô nhiễm ở Hà Nội?- Ảnh 2.

Hà Nội cần tập trung nguồn lực phát triển đường sắt đô thị.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Hà Nội đề xuất "1 kế hoạch, 3 phân kỳ đầu tư". Theo đề án, đến năm 2045, Hà Nội sẽ hoàn thành gần 600 km ĐSĐT, với tổng số vốn hơn 55 tỷ USD. Về phương án huy động vốn, Hà Nội sẽ thực hiện rà soát các nguồn vốn đầu tư công. Bao gồm, vốn ngân sách, vốn vay trái phiếu, vốn vay ODA và các nguồn vốn huy động khác theo quy định hiện hành.

TS. Lã Ngọc Khuê, chuyên gia về giao thông cho hay, hiện giao thông công cộng Hà Nội mới đáp ứng được 28% nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi ở Singapore, giao thông công cộng đáp ứng được 50% nhu cầu đi lại của người dân, giao thông đô thị mới trở lại trật tự. Vì thế Hà Nội nên đặt mục tiêu 15 năm nữa làm được các tuyến đường sắt đô thị cụ thể vì cần tới 10 năm thành phố mới làm xong được hơn 10km Cát Linh - Hà Đông.

Thực tế, trong quá trình thực hiện các dự án những năm qua, Hà Nội gặp phải những khó khăn, như nguồn nhân lực còn thiếu và yếu; công tác giải phóng mặt bằng; Quy hoạch không đồng bộ; các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các dự án không đồng bộ và khác nhau. Ngoài ra, hiện các dự án phụ thuộc nguồn vốn nước ngoài nên chi phí đầu tư cao hơn so với thực tế và nhiều yếu tố khác…

Trước mắt, ông Khuê khuyến nghị Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện tuyến đường sắt đô thị số 3 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, đầu tư kéo dài tuyến này về hướng Lĩnh Nam. Hà Nội cần thúc nhanh việc xây dựng tuyến vành đai 4 để tách được giao thông quá cảnh, liên vùng ra khỏi nội đô. Đồng thời thiết kế với các loại hình giao thông chính gồm đường sắt đô thị, xe buýt, làm sao để người dân đi bộ 400m là tới được bến xe buýt và taxi.

Giải pháp nào để Hà Nội không tắc đường, không ô nhiễm?

ThS. Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển cho rằng, giao thông công cộng có nhiều loại nhưng chỉ có đường sắt đô thị mới thực sự giải quyết được giao thông đô thị từ 5 triệu dân trở lên. Ngoài ra, để hoàn thành mục tiêu xây dựng đường sắt đô thị trong 10 năm tới, cần môi trường cơ chế chính sách vượt trội so với hiện nay.

"Nếu không có giải pháp về cơ chế quản lý và nguồn tiền, tiếp tục vay vốn ODA thì sẽ không chủ động hoàn thành sứ mệnh lịch sử 200km đường sắt đô thị. Như vậy, muốn có tiền để hoàn thành sứ mệnh thì phải làm TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng), quy hoạch TOD để đấu giá quyền đầu tư bất động sản ở khu vực đó.

Theo đó, Nhà nước quy hoạch và quản lý, tổ chức đấu giá nhượng quyền đầu tư các dự án TOD sẽ tạo nguồn thu ngân sách đủ để đầu tư hệ thống metro mà không cần vay nợ nước ngoài. Bằng cách quản lý theo mô hình này, Nhà nước thu được lượng tiền lớn để đầu tư", ông Đông kiến giải.

Ông Đông lấy dẫn chứng từ đảo quốc Singapore, 24 đô thị có quy mô 200.000 dân được kết nối bởi metro. Họ đã có 4,8-5 triệu dân ở các khu đô thị đó, có đầy đủ dịch vụ khép kín để người dân sinh hoạt. Ông Đông cho rằng, khi kết hợp 2 mô hình thành công của Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) cho Hà Nội và TP.HCM, chúng ta sẽ có thành phố sạch đẹp, hiện đại, không tắc đường, không ô nhiễm…

Trước mắt, ông khuyến nghị Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện tuyến đường sắt đô thị số 3 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, đầu tư kéo dài tuyến này về hướng Lĩnh Nam. Đầu tư mạng lưới đường sắt đô thị cần nhiều thời gian, vì thế cần phát triển song song hệ thống đường sắt monorail như Trung Quốc đã làm, thúc nhanh việc xây dựng tuyến vành đai 4 để tách được giao thông quá cảnh, liên vùng ra khỏi nội đô. Đồng thời thiết kế với các loại hình giao thông chính gồm đường sắt đô thị, xe buýt, làm sao để người dân đi bộ 400m là tới được bến xe buýt và taxi.

Theo các chuyên gia, nguồn lực phát triển là một thách thức lớn với việc thực hiện quy hoạch Hà Nội. Nhưng nếu không phát triển sớm tuyến đường vành đai 4, thực hiện các dự án giao thông công cộng theo hướng ngầm hóa, đưa 70% dân số đi dưới lòng đất, Hà Nội sẽ rất khó sắp xếp lại không gian đô thị.

Việc phát triển đường sắt đô thị ở Hà Nội được kỳ vọng không chỉ thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết triệt để các vấn đề ùn tắc giao thông mà còn thay đổi được cả thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng và văn hóa giao thông của người dân trong tương lai, giảm được phương tiện cá nhân và ô nhiễm môi trường.

"1 kế hoạch, 3 phân kỳ" đầu tư được bố trí như sau:

Phân kỳ 2024-2030: Hoàn thành thi công xây dựng 96,8km (gồm các tuyến số 22, số 3, số 5); thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301 km (gồm các tuyến số 1, 2A kéo dài đến Xuân Mai, 4, 6, 7, 8, tuyến kết nối các đô thị vệ tinh). Sơ bộ nhu cầu vốn giai đoạn này khoảng 14,602 tỷ USD.

Phân kỳ 2031-2035: Hoàn thành đầu tư xây dựng 301km. Sơ bộ nhu cầu vốn: khoảng 22,572 tỷ USD. Về năng lực vận tải, đến sau 2030, đường sắt đô thị đảm nhận từ 35-40% lượng hành khách công cộng và tổng nhu cầu vốn đến năm 2035 là khoảng 37,174 tỷ USD.

Phân kỳ 2036-2045: Hoàn thành đầu tư xây dựng 200,7km đường sắt đô thị các tuyến đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt. Sơ bộ nhu cầu vốn là khoảng 18,252 tỷ USD.

Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đánh giá, phương án "1 kế hoạch, 3 phân kỳ" có ưu điểm là đáp ứng được mục tiêu hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị vào năm 2035 theo Kết luận số 49-KL/TW; có thể đáp ứng được mục tiêu về thị phần vận tải hành khách công cộng 50-55%..., nhưng có nhược điểm là khối lượng công việc phải thực hiện rất lớn, đòi hỏi Thành phố phải ưu tiên tập trung nguồn lực rất cao.

Tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm lại tăngTai nạn giao thông 6 tháng đầu năm lại tăng

SKĐS - Trong nửa đầu năm 2024, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tiếp tục gia tăng cả số vụ và số người thương vong.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 2/7.


Tô Hội
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn