Sẽ cẩn thận hơn để không bị trừ điểm bằng lái xe
Luật Trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ vừa được Quốc hội thông qua quy định, từ ngày 01/01/2025, GPLX sẽ có 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm đó. Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm thì người đó không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại giấy phép đã bị trừ hết điểm.
Do đặc thù công việc phải di chuyển nhiều, anh Nguyễn Công Tú (Ba Đình, Hà Nội) sử dụng xe ô tô mỗi ngày. Khi biết sắp tới sẽ áp dụng quy định trừ điểm GPLX nếu vi phạm, anh Tú bày tỏ quan điểm ủng hộ nhưng cũng cảm thấy có chút lo lắng.
"Vì đặc thù công việc, ô tô là phương tiện không thể thiếu với tôi mỗi ngày. Nhớ những lần xe hỏng hóc phải sửa chữa, tôi cảm thấy rất bất tiện và còn ảnh hưởng tới công việc của mình. Tôi cũng khá lo lắng nếu chẳng may bị trừ hết điểm vì nhiều khi vô tình vi phạm luật. Từ nay chắc chắn khi lái xe trên đường, tôi cũng sẽ phải hết sức cẩn thận, chú ý một cách hết sức có thể để tránh vi phạm luật giao thông", anh Tú chia sẻ.
Là tài xế lái xe thuê cho một đơn vị kinh doanh vận tải, anh Đỗ Hùng Dũng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Tôi ủng hộ quy định trừ điểm GPLX khi tài xế vi phạm. Có như vậy, mọi người mới có ý thức trong việc tham gia giao thông hơn. Đặc thù là công việc lái xe, mỗi lần cầm lái, tôi luôn tự nhủ bản thân phải thật cẩn thận. Quy định mới này sẽ giúp anh em tài xế phải nghiêm chỉnh chấp hành luật hơn để lái xe an toàn trên đường".
Đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông
Nhận định về quy định mới này, ông Nguyễn Văn Thanh, chuyên gia giao thông, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: "Quy định trừ điểm GPLX nếu người điều khiển vi phạm đã có ở một số quốc gia trên thế giới, và cũng mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Tôi hoàn toàn ủng hộ, tán thành quy định này khi đã được Quốc hội thông qua. Trong thời gian tới, khi có hiệu lực, quy định này sẽ góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông của người lái xe, chắc chắn tình hình đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông ở nhiều khu vực sẽ có chuyển biến tích cực".
Theo ông Thanh, trong thời gian tới, Bộ Công an cũng cần có những quy định hướng dẫn chi tiết với vấn đề này. Bộ cần nghiên cứu kỹ, cũng như tham khảo ý kiến của các chuyên gia để có quy định cụ thể, phù hợp để áp dụng vào thực tế.
"Chúng ta cần phân loại ra, những lỗi tiềm ẩn hay trực tiếp gây nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng thì xử phạt, trừ điểm GPLX nhiều, ví dụ: Quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, lái xe khi trong người có nông độ cồn… Còn những lỗi mang tính chất vô ý, có thể không dẫn tới hậu quả nghiêm trọng thì vẫn bị phạt theo quy định nhưng trừ với một số điểm phù hợp, ví dụ như: Lấn làn, đèn xe không được sáng, dừng đỗ không đúng nơi quy định…", ông Thanh nói.
Đồng quan điểm, TS.LS Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chia sẻ, quy định này có tính răn đe mạnh mẽ đối với những người có ý thức chấp hành luật lệ giao thông kém, thường xuyên vi phạm giao thông.
"Quy định tính điểm GPLX không phải là một chế tài mà là biện pháp quản lý để tính yếu tố "tái phạm" trong vi phạm hành chính về giao thông. Quy định này sẽ đảm bảo công bằng hơn giữa những người ít vi phạm và những người thường xuyên vi phạm trong thời gian ngắn. Với những người liên tục vi phạm, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị trừ điểm trên giấy phép lái xe, khi bị trừ hết 12 điểm thì đồng nghĩa với việc sẽ không được lái xe trong một thời gian nhất định, cho đến khi thực hiện các thủ tục để phục hồi lại điểm số này theo quy định của pháp luật", TS.LS Cường nói.
TS. LS Cường chia sẻ thêm, khi quy định này được đưa vào áp dụng đòi hỏi phải sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp, hoàn thiện hệ thống dữ liệu trong lĩnh vực quản lý hành chính về giao thông đường bộ, về giấy phép lái xe, liên thông cơ sở dữ liệu để đảm bảo thuận tiện trong việc tra cứu, tính điểm, trừ điểm và công khai các thủ tục hành chính.