Hà Nội

Dược tửu trị bất lực

25-05-2022 16:20 | Thầy giỏi – thuốc hay

SKĐS - Bất lực thuộc phạm vi chứng "dương nuy" trong y học cổ truyền. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên.

1. Cơ chế sinh bệnh

Do tình chí uất kết (yếu tố tâm lý, tình cảm), ẩm thực bất điều (ăn uống không hợp lý), lục dâm xâm nhập (các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài như phong, hàn, thử, thấp...), phòng sự quá độ (sinh hoạt tình dục bừa bãi), niên cao thể nhược (tuổi cao sức yếu), cửu bệnh sở lụy (bị bệnh lâu ngày), bẩm thụ tiên thiên bất túc (di truyền, tật bệnh từ nhỏ)... Những nguyên nhân này làm rối loạn công năng các tạng phủ, trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên chứng dương nuy.

Theo y học cổ truyền, bất lực lâu ngày thì can khí không điều hoà, khí huyết ứ trệ, từ đó mà không đạt được mục đích dưỡng sinh. Việc ái ân có thể khơi thông ngũ tình, làm cho can khí thông suốt, tâm huyết điều đạt.

2.Các loại dược tửu trị bất lực

2.1.Anh hùng tửu

Các vị thuốc: Sơn thù 15g, cẩu tích 15g, đương quy 15g, kỷ tử 15g, thỏ ty tử 15g, nhân sâm 15g, mạch môn 30g, tắc kè 1 đôi.

Cách dùng: Các vị thuốc thái vụn ngâm với 2 lít rượu trong bình kín, sau 3 tuần có thể dùng được. Liều dùng: Uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 10-15ml.

Công dụng: Bổ dương, cường tinh, định thần, ích trí.

photo-1653361574373

Cây tơ hồng cho vị thuốc thỏ ty tử

Phương giải bài thuốc: Đây là bài thuốc bổ dương được lưu truyền lâu đời trong dân gian. Trong đó nhân sâm đại bổ nguyên khí; đương quy và kỷ tử bổ huyết; mạch môn bổ âm, sơn thù, cẩu tích, thỏ ty tử và tắc kè bổ thận dương.

Tám vị phối hợp cân đối với nhau vừa bổ khí huyết vừa bổ âm dương, đặc biệt là thận dương nên công năng trợ dương cường tinh là rất tốt.

Theo dân gian, 'Anh hùng tửu' có tác dụng trị 9 chứng xấu của "cánh mày râu", đó là: Dương đạo suy yếu, yếu đuối không phấn chấn được, phấn chấn được mà không đủ, đủ mà không thực, thực mà không cứng, cứng mà không tuân theo, tuân theo mà không được lâu, lâu mà không có tinh, có tinh mà không có con.

2.2. Thiên khẩu nhất bôi tửu

Các vị thuốc: Nhân sâm 24g, thục địa 15g, kỷ tử 15g, dâm dương hoắc 9g, viễn chí 9g, đinh hương 9g, trầm hương 3g, bạch tật lê 9g, lệ chi nhục 7g.

Cách dùng: Các vị thuốc thái vụn ngâm với 1 lít rượu trong bình kín, sau 10 ngày là dùng được. Uống mỗi ngày 15ml, uống nhấp môi từ từ từng ít một, nói như cổ nhân là phải uống nghìn lần mới hết (thiên khẩu nhất bôi).

Công dụng: Bổ thận khí, sinh tinh dưỡng huyết, làm đen râu tóc và kéo dài tuổi thọ.

photo-1653361582041

Cây dâm dương hoắc cho vị thuốc bổ thận

Phương giải bài thuốc: Bài thuốc được lấy từ y thư cổ Tập nghiệm lương phương, đặc biệt thích hợp cho lứa tuổi trung lão niên mà thận khí đã suy yếu, khí huyết suy nhược, tinh lực giảm thoái, khả năng sinh hoạt tình dục giảm sút.

Trong thành phần, cổ nhân đã khéo léo phối hợp các vị thuốc có tác dụng bổ khí như nhân sâm, bổ huyết và bổ âm như thục địa và kỷ tử, bổ dương như dâm dương hoắc và bạch tật lê. Các vị thuốc có công năng làm ấm tỳ vị và thận như đinh hương, trầm hương.... nhằm mục đích lấy các vị thuốc bổ âm, tính lạnh, cay, ấm phối hợp với nhau, mát mà không nê trệ, ấm mà không táo nhiệt, tác động tương hỗ chế ước lẫn nhau làm cho tinh thần phấn chấn, chữa được chứng liệt dương, kéo dài tuổi thọ ("Dĩ âm hàn tân ôn chi phẩm phối ngũ, lương nhi bất nê, ôn nhi bất táo, tương hỗ chế ước, âm dương hiệp điều, phục chi năng sử tinh thần hoán phát, dương nuy lập khởi, diên niên ích thọ")

2.3.Trường sinh bất lão tửu

Các vị thuốc: Thỏ ty tử 15g, nhục thung dung 15g, ngưu tất 5g, đỗ trọng 15g, sơn thù 15g, ngũ vị tử 5g, kỷ tử 15g, nhân sâm 5g, xạ tiền tử 5g, bạch linh 15g, mạch môn 5g, xương bồ 5g, sinh địa 5g, sà sàng tử 5g, nữ trinh tử 15g, tỏa dương 15g, long nhãn 30g, đại táo 120g, cam thảo 3g, nhục quế 2g, rượu trắng 2.000ml.

Cách dùng: Các vị thuốc thái vụn, phun rượu cho ướt đều rồi đem chưng cách thủy trong 30 phút, sau đó phơi nắng cho khô, cho tất cả vào lọ ngâm với rượu, sau 2-3 tháng là có thể dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10-20ml.

Công dụng: Bổ thận tráng dương, ích khí, bổ huyết.

Phương giải bài thuốc: Theo kinh nghiệm của cổ nhân, trong thành phần bài thuốc chủ yếu là các vị thuốc có công dụng bổ thận trợ dương như thỏ ty tử, nhục dung, ngưu tất, đỗ trọng, nữ trinh tử, tỏa dương.

Thêm vào đó là các vị thuốc có tác dụng bổ khí như nhân sâm và đại táo, bổ âm như mạch môn và ngũ vị tử, bổ huyết như sinh địa và long nhãn, bổ mệnh môn hỏa như nhục quế và sà sàng tử.

Tất cả các vị thuốc phối hợp tương hỗ với nhau tạo nên công dụng bổ thận, trợ dương.

Mời bạn xem thêm video:

Hội chứng Covid-19 kéo dài: Gia tăng nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng

BS Thanh Hà
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn