Rối loạn cương dương là tình trạng dương vật cương không đủ cứng để thực hiện "cuộc yêu" một cách trọn vẹn. Người bị rối loạn cương dương dễ bực tức, thay đổi tính tình dẫn đến mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng và những người xung quanh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể vô sinh ở nam giới.
Rối loạn cương dương không đơn thuần chỉ là chuyện của "cậu nhỏ"?
Rối loạn cương dương vừa được coi là một bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Tâm lý, căng thẳng, mạch máu, thần kinh, những bất thường về giải phẫu cơ quan sinh dục.
Nhưng rối loạn cương dương đôi khi cũng chỉ là triệu chứng hoặc dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau như trầm cảm, rối loạn lo âu, bệnh lý tim mạch, rối loạn chuyển hóa, rối loạn nội tiết tố sinh dục.
Nên chia sẻ với người bạn tình về vấn đề mình gặp phải.
Người ta thấy rằng, nam giới rối loạn cương dương có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim lên 1,87 lần, suy tim lên 8 lần so với những người không bị rối loạn cương. Trong những năm gần đây rối loạn cương dương được coi là một dấu hiệu sớm của các bệnh lý tim mạch. Các nghiên cứu gần đây cho thấy rối loạn cương dương làm tăng nguy cơ tử vong do các bệnh lý tim mạch lên 1,43 lần so với những người không bị rối loạn cương dương.
Điều trị rối loạn cương dương như thế nào?
1.Tư vấn tâm lý
Tư vấn tâm lý được coi là chìa khóa vạn năng để mở tất cả các cánh cửa. Cho dù rối loạn cương dương của bạn là một căn bệnh hay chỉ là triệu chứng của bệnh khác thì việc điều trị tâm lý là rất quan trọng. Việc điều trị tâm lý sẽ giúp cho bạn nhận ra vấn đề bạn đang phải đối mặt là gì? Cách bạn vượt qua nó ra sao, làm thế nào để kiểm soát các xúc và quan trọng hơn cả là việc điều trị tâm lý giúp cho bạn tự tin về khả năng của bạn thân.
2. Điều trị các bệnh lý nền
Do rối loạn cương dương không chỉ đơn thuần là bệnh lý của cậu nhỏ, mà nó còn liên quan đến các bệnh mãn tính. Vì vậy điều trị rối loạn cương dương cần phải phối hợp đa chuyên khoa.
Cần điều trị các nguyên nhân cơ bản và các bệnh lý nền nếu có như đái tháo đường, u tuyến yên, mãn dục nam, xơ hoá thể hang… Ngoài ra, có thể ngừng dùng một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến rối loạn cương dương.
3.Thay đổi lối sống
Người bệnh nên từ bỏ lối sống không lành mạch như hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu và sử dụng các chất gây nghiện, tránh căng thẳng... Đồng thời, cần tăng cường vận động, rèn luyện lối suy nghĩ tích cực, ăn nghỉ điều độ và tăng cường mối quan hệ với bạn tình.
4. Điều trị rối loạn cương dương bằng thuốc
Thuốc điều trị rối loạn cương dương thường là thuốc ức chế phosphodiesterase đường uống. Thời gian gần đây, nhóm thuốc ức chế men phosphodiesterases 5 (PDE-5) như: Sildenafil, tadalafil... được sử dụng điều trị rối loạn cương với hiệu quả cao và ít tác dụng phụ.
Thuốc dùng theo nhu cầu hoặc dùng liều nhỏ hàng ngày tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Loại thuốc này có tác dụng làm tăng nồng độ chất NO (nittric oxide) trong tế bào nội mô cơ trơn vật hang và mạch máu. Thuốc có tác dụng làm giãn mạch máu và cơ trơn vật hang dương vật, làm cho máu đến dương vật nhiều hơn khi có kích thích tình dục từ đó gây cương dương vật.
Thuốc này có thể dùng theo nhu cầu hoặc dùng liều nhỏ hàng ngày tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Các tác dụng không mong muốn của thuốc bao gồm: Nóng mặt (nên bạn có cảm giác phừng phừng sau khi uống thuốc), ngạt mũi, đau nhức cơ… Tuy nhiên, những tác dụng này sẽ hết đi sau một thời gian dùng thuốc. Vì vậy, bạn cũng không nên hoang mang khi gặp những tác dụng này trong giai đoạn đầu dùng thuốc. Mặc dù vậy, khi những tác dụng này kéo dài, gây khó chịu cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời. Ngoài ra, có thể gặp một số tác dụng như nhìn mờ hoặc điếc tai, nhưng rất hiếm xảy ra.
Lưu ý, không sử dụng các loại thuốc này chung với nhóm thuốc nitrat (điều trị bệnh mạch vành). Bởi thuốc này gây giãn mạch vành, làm tăng tác dụng hạ huyết áp của nitrat khác.
Ngoài việc uống thuốc, có thể phẫu thuật cấy ghép một bộ phận dương vật giả hoặc sử dụng một vài phương pháp không xâm lấn như vòng đai co thắt hoặc thiết bị cương cứng hút chân không. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể các bác sĩ sẽ chỉ định cần điều trị bằng phương pháp nào.
Có thể phòng ngừa rối loạn cương?
Để phòng ngừa rối loạn cương dương cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, lành mạnh: Tránh stress, không thức khuya, không hút thuốc, không uống nhiều rượu bia… Ngoài ra nên tập thể thao vừa sức, thường xuyên. Phòng ngừa các bệnh tim mạch, đái tháo đường cũng giúp giảm nguy cơ rối loạn cương dương.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thủ tướng chỉ đạo khẩn: Thống nhất việc lưu thông hàng hóa để phục hồi kinh tế