Hà Nội

Dùng hoa cúc phòng ngừa tăng huyết áp thế nào?

23-12-2022 06:45 | Thầy giỏi – thuốc hay

SKĐS - Hoa cúc là loại hoa được xếp trong bộ "tứ quân tử" Tùng - Trúc - Cúc - Mai, cũng là một vị thuốc rất thông dụng, có nhiều tác dụng chữa bệnh.

1. Nhận biết sớm bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu bằng hoặc lớn hơn 140 mmHg và huyết áp tâm trương bằng hoặc lớn hơn 90 mmHg. Tăng huyết áp có thể là sự gia tăng trong một trong hai chỉ số này. Bệnh tăng huyết áp đặc biệt nguy hiểm vì dễ gây đột quỵ. 

Dấu hiệu nhận biết sớm bị tăng huyết áp có thể trước đó người bệnh không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào, cũng có thể có các biểu hiện nhẹ như: đau đầu, chóng mặt, ù tai, mất ngủ, hoa mắt... Hoặc các triệu chứng dữ dội hơn như: đau tim, mắt nhìn mờ, khó thở, buồn nôn, hồi hộp, đánh trống ngực….

Đo huyết áp là cách thiết thực nhất để biết bạn có bị tăng huyết áp hay không. Bệnh tăng huyết áp diễn ra thầm lặng, ít triệu chứng rõ ràng nhưng những biến chứng của nó thì lại vô cùng nghiêm trọng.

2. Đặc điểm và công dụng của hoa cúc

- Cúc hoa, tên khác là cam cúc, cam cúc hoa, bạch cúc hoa, cúc hoa trắng. Tên khoa học là Chrysanthemum morifolium Ramat.. Vị thuốc là hoa của cây cúc hoa trắng. Hoa có đường kính 3-5cm, cánh hoa trắng, nhụy vàng.

- Kim cúc hoa còn gọi là hoa cúc dại, tên khác là dã cúc hoa, hoàng cúc, kim cúc... Tên khoa học là Chrysanthemum indicum L. Vị thuốc là hoa của cây cúc hoa vàng. Hoa có đường kính nhỏ 1,5-2 cm, màu vàng tuyền.

photo-1671592611260

Cúc hoa trắng bình can, hạ huyết áp.

Theo Đông y: Cả 2 loại cúc hoa và kim cúc hoa có vị cay ngọt đắng, tính hơi lạnh; có tác dụng chung là sơ tán phong nhiệt, bình ức can dương, thanh can minh mục, thanh nhiệt giải độc. Tuy nhiên trên lâm sàng ứng dụng không giống nhau:

- Cúc hoa (cúc hoa trắng) có tính thanh nhiệt và phát tán mạnh, chủ trị chữa các bệnh ngoại cảm phong nhiệt, mát gan, sáng mắt…

- Kim cúc hoa (cúc hoa vàng) đắng lạnh, có tác dụng giải độc tiêu thũng, chủ trị chữa trị các bệnh về da, ung nhọt sưng đau…

3. Biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp

Bệnh tăng huyết áp đưa đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: tai biến mạch máu não, cơ tim thiếu máu cấp tính dẫn đến suy tim, suy thận, rối loạn tuần hoàn não (là một biến chứng hay gặp). 

Tăng huyết áp tác động vào các tế bào trong lòng động mạch, nhất là các động mạch đã bị xơ vữa càng bị xơ vữa thêm, huyết áp lại càng tăng cao, nhất là động mạch não dẫn đến tai biến mạch máu não; vỡ động mạch ở não, nếu không cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng liệt nửa người....  

4. Hoa cúc trong phòng chống tăng huyết áp

Trong Đông y, bệnh tăng huyết áp được chia thành nhiều thể bệnh:

  • Can dương thượng cang
  • Can thận âm hư
  • Can nhiệt ứ trở
  • Ứ huyết nội đình

Với thể bệnh can dương thượng cang là can nhiệt ứ trở, nên sử dụng hoa cúc để phòng bệnh và hỗ trợ điều trị. 

photo-1671592612865

Vị thuốc sơn tra.

* Biểu hiện chủ yếu của thể bệnh can dương thượng cang

Tăng huyết áp kèm theo chóng mặt, hoa mắt, đầu đau, phiền táo, dễ nổi giận, đêm ngủ không yên giấc, hoặc đau hai mạng sườn, mặt đỏ, miệng khô đắng; đại tiện bí kết, nước tiểu vàng; chất lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng mỏng, ...

Dùng 1 trong 2 bài thuốc sau:

Bài 1: Bột cúc hoa15g, gạo tẻ 100g. Gạo tẻ nấu thành cháo, cháo chín cho cúc hoa vào đun thêm một chút là được, chia ăn trong ngày.

Bài 2: Cúc hoa15g, sơn tra 10g, kim ngân hoa 15g, tang diệp (lá dâu) 12g. Tất cả sấy khô, tán nhỏ, hãm với nước sôi trong bình kín, chừng 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

* Biểu hiện chủ yếu của thể bệnh can nhiệt ứ trở

Tăng huyết áp kèm theo bệnh lý mạch vành và rối loạn lipid máu, hay có cảm giác khó thở, kém ăn, táo bón kéo dài…

Dùng 1 trong 3 bài thuốc sau:

Bài 1: Cúc hoa 10g, trà búp 3g. Cả 2 thứ hãm với nước sôi trong bình kín, uống thay trà.

Bài 2: Cúc hoa 15g, sơn tra 10g, lá trà tươi 10g. Cả 3 thứ sắc nước uống hàng ngày.

Bài 3: Cúc hoa 15g, sơn tra 10g, thảo quyết minh 10g. Cả 3 thứ sấy khô, tán bột mịn, hãm với nước sôi chia uống thay ngày.

Mời bạn xem thêm video:

Trẻ 8 tuổi hôn mê sâu biến chứng nặng do mắc cúm B | SKĐS

BS. Vũ Quốc Trung
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn