Hà Nội

Người cao huyết áp tránh và thận trọng dùng thuốc thông thường gì?

23-12-2015 09:56 | Dược
google news

SKĐS - Các thuốc thông thường dùng chữa các bệnh khác có thể gây tăng huyết áp làm giảm hiệu lực của thuốc hạ huyết áp đang dùng

Mục tiêu điều trị cao huyết áp là hạ huyết áp (HA) đến mức mục tiêu, nhằm hạn chế các biến chứng. Các thuốc thông thường dùng chữa các bệnh khác có thể gây tăng huyết áp làm giảm hiệu lực của thuốc hạ huyết áp đang dùng.

Các thuốc thông thường gây tăng huyết áp

Khi điều trị cho người mắc cả hai bệnh cao huyết áp, đái tháo đường thì buộc phải dùng cùng lúc hai loại thuốc này. Thầy thuốc tính liều phối hợp thích hợp để không gây ra tụt huyết áp. Người bệnh cần tuân thủ liều này, đồng thời phải giữ chế độ ăn ổn định (không bỏ bữa, không ăn ít hơn) giữ chế độ luyên tập ổn định (không lao động nặng, không luyện tập quá mức) để tránh hạ đường huyết, tụt huyết áp.

Corticoid: tác động lên sự chuyển hóa giữ muối và nước, làm cho nước trong máu trong dịch gian bào tăng, làm tăng glucose - máu… dẫn tới tăng huyết áp. Các corticoid nội sinh như: cortisol do tuyến thượng thận sản xuất ra hay chất tương đương có tác động trên chuyển hóa mạnh, nên gây ra tác dụng không mong muốn này mạnh hơn các chế phẩm bán tổng hợp vốn ít tác động lên quá trình chuyển hóa. Cả hai loại khi dùng liều cao, kéo dài đều gây ra tác dụng không mong muốn này.

Cách khắc phục: nếu chỉ bị dị ứng nhẹ chỉ nên dùng các thuốc chống dị ứng như: chlopheniramin, alimemazin fexofenadin, cetirizin. Khi bị hen, không dùng corticoid tiêm, uống để kiểm soát hen mà dùng corticoid hít vì dạng bào chế này chỉ dùng với liều thấp, chủ yếu có tác dụng tại chỗ. Khi cần phải dùng corticoid thì chỉ dùng liều vừa đủ, dưới 10 ngày. Nếu bị bệnh tự miễn buộc phải dùng corticoid kéo dài thì chỉ dùng liều vừa đủ, trong từng đợt ngắn, cách quãng theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc.

Các chất cường giao cảm: như: ephedrin trong thuốc chữa hen; phenylephrin, pseudoephedrin trong thuốc cảm OTC. Các chất này làm giãn phế quản nên đỡ nghẹt mũi, sổ mũi làm cho người bệnh dễ chịu, song có tính cường giao cảm làm cho tim đập nhanh, co mạch ngoại vi, gây tăng huyết áp.

Cách khắc phục: khi bị hen nên kiểm soát hen bằng corticoid hít mà không dùng ephedrin, khi bị cảm nên dùng thuốc hạ nhiệt đơn paracetamol không nên dùng thuốc cảm OTC. Nếu cần thiết dùng thuốc cảm OTC chỉ nên dùng liều vừa đủ, một đợt ngắn 2 - 5 ngày, không nên dùng liều cao, kéo dài.

Thuốc chống trầm cảm IMAO: ức chế enzyme monoaminooxydase (MAO), là enzyme gây hủy các chất dẫn truyền thần kinh nên làm bền các chất này, làm cho các chất này trong synap phục hồi lại ngưỡng bình thường, có tác dụng chống trầm cảm. Nhưng enzyme MAO có ở nơi khác như enzyme MAO ức chế việc sản xuất tyramin. IMAO ức chế MAO ở các bộ phận khác làm tăng tyramin một chất làm tăng HA, gây cơn đau đầu dữ dội. Như vậy, bản thân IMAO vốn có tiềm năng làm tăng huyết áp. Khi dùng IMAO liều vừa đủ thì IMAO chỉ phục hồi các chất dẫn truyền về ngưỡng bình thường mà không làm cho cơ thể sản xuất thêm các chất dẫn truyền thần kinh nên chỉ có tác dụng chống trầm cảm. Khi dùng IMAO liều cao thì IMAO còn ức chế các MAO ở các bộ phận khác, hay khi dùng IMAO với các chất cường giao cảm vốn có tính năng làm cho tim đập nhanh, co mạch ngoại vì… thì sẽ gây tăng huyết áp.

Cách khắc phục: không dùng IMAO liều cao hơn liều tối ưu dùng chống trầm cảm, không dùng IMAO với các chất cường giao cảm.

Kháng viêm không steroid: một số nhóm thuốc chữa cao huyết áp như chẹn beta, ức chế men chuyển kích thích tổng hợp chất prosataglandin, một chất gây giãn mạch nên làm hạ huyết áp.Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) sức chế sự sản xuất prostaglandin làm giảm hiệu lực hạ huyết áp của thuốc chẹn beta, ức chế men chuyển.

Cách khắc phục: nên tránh dùng chung hai loại thuốc này.

Thuốc co mạch: trừ phân nhóm 1 của chẹn beta có tác dụng chẹn chọn lọc beta-1, giảm lượng máu từ tim tống ra động mạch nên làm hạ huyết áp, còn hầu hết các nhóm thuốc chữa cao huyết áp còn lại đều làm hạ huyết áp thông qua việc làm giãn mạch ngoại vi trực tiếp hay gián tiếp. Thuốc co mạch như ergotamin làm co mạch ngoại vi, ngược lại với cơ chế làm hạ huyết áp, nên làm giảm hiệu lực hạ huyết áp của các nhóm thuốc trên.

Cách khắc phục: không nên dùng chung thuốc chữa cao huyết áp với thuốc co mạch.

Thức ăn và thuốc chứa nhiều ion natri (Na ): khi nghiên cứu nhóm chuột bị cao huyết áp di truyền thấy Na trong sợi cơ trơn thành tiểu động mạch của chúng có nhiều Na hơn trong cơ trơn thành tiểu động mạch của nhóm chuột chứng không bị cao huyết áp. Na không gây co cơ trơn thành tiểu động mạch nhưng kéo theo Ca 2 vào nội bào. Chính Ca 2 khi vào nội bào nhiều thì sẽ gắn kết với phức tropomin C, làm thay đổi cấu trúc không gian của phức này, bộc lộ actin, tạo điều kiện cho actin kết hợp với myosin gây nên co cơ. Sự co cơ thành tiểu động mạch tăng sẽ cản trở lưu thông máu, dẫn tới cao huyết áp. Như vậy sự tồn tại nhiều Na trong nội bào cơ trơn thành tiểu động mạch không lợi cho chuột bị cao huyết áp .

Vì Na có vai trò gián tiếp làm tăng sự co cơ, có thể không có lợi cho người cao huyết áp, nên khuyến cáo người bị cao huyết áp không nên ăn mặn (muối Natrichlorid = NaCl). Ví dụ: một năm một người miền biển ăn khoảng 6.000g muối (16g/ngày), miền đồng bằng ăn khoảng 5.000g muối (13,5g/ngày). Người sinh ra lớn lên ở vùng nào thì không nên ăn muối vượt mức ăn trung bình của vùng đó. Thí dụ thang dinh dưỡng Việt Nam (2013) khuyến cáo mức ăn hạn chế muối dưới 10g/ngày. Nhiều người cao huyết áp chưa hiểu rõ điều này, tạo ra chế độ ăn nhạt, rất bất tiện, rất khổ vì ăn nhạt rất khó, không cảm thấy ngon. Cũng nên biết, người cao huyết áp cũng cần đủ Na để thiết lập hệ cân bằng nội môi, nên ăn quá nhạt, không đủ Na sẽ có hại.

Tất cả các chất chứa nhiều Na như các loại viên hay dung dịch sủi bọt (chưa NAHCO3) thuốc chữa đau dạ dày (chứa NAHCO3, Na2CO3), mì chính (chữa natriglutamat) đều làm tăng Na , không lợi cho người cao HA chứ không riêng gì muối ăn (NaCl). Mỗi ngày giảm ăn 1g muối thì chỉ giảm được 390mg Na nhưng uống một viên sủi canxium sandor thì đưa thêm vào cơ thể 290mg Na , dùng một thìa cà phê mì chính thì đưa vào cơ thể thêm tới 680mg Na . Nhiều người kiêng ăn mặn (NaCl) mà vẫn thừa Na là vì dùng các chất này.

Cách khắc phục: ăn hạn chế muối, không dùng thái quá các loại viên sủi (như dùng viên sủi C để giải khát thường xuyên), không nên dùng thuốc chữa dạ dày chứa Na2CO3 mà nên làm giảm tiết dịch vị bằng chất khác.

Thuốc gây hạ huyết áp

Thuốc lợi tiểu: thuốc này dùng trong điều trị cao huyết áp. Nhưng trong điều trị cao huyết áp, người ta dùng cơ chế hạ huyết áp do ức chế protein vận chuyển natri - chlor qua trung gian giãn mạch, nên chỉ cần dùng liều nhỏ là đã có hiệu lực hạ huyết áp mà không gây mất nước, mất K nhiều, nên không gây tụt huyết áp, không hại cho tim mạch(thiazid dùng 100mg/ngày, indapamid dùng 2 - 5mg/ngày). Song nếu dùng lợi tiểu với liều cao hay khi phối hợp lợi tiểu với các thuốc chữa cao huyết áp khác không tính toán kỹ thì có thể gây mất nhiều nước mất nhiều K gây ra tụt huyết áp gây hại cho tim mạch.

Cách khắc phục: khi dùng lợi tiểu đơn trị liệu thì chỉ cần dùng liều nhỏ vừa đủ gây hạ huyết áp (lúc đầu dùng liều thấp rồi tăng dần đến liều có hiệu lực). Khi dùng lợi tiểu trong trị liệu phối hợp thì cần tính toán kỹ để cộng hợp cả hiệu lực hạ huyết áp của lợi tiểu và thuốc khác chỉ đưa huyết áp về mức huyết áp mục tiêu mà không gây tụt huyết áp. Có hai cách: hoặc dùng lợi tiểu trước sau đó nghỉ dùng thuốc lợi tiểu vài ba ngày rồi mới dùng thuốc hạ huyết áp khác (như chẹn beta) hoặc nếu phối hợp cùng lúc thì phải phối hợp dần dần thuốc lợi tiểu (lúc đầu phối hợp liều thấp, sau đó tăng dần liều phối hợp đến mức đạt được yêu cầu).

Thuốc giãn mạch: các thuốc chữa cao huyết áp do gây giãn mạch gián tiếp hay trực tiếp mà làm hạ huyết áp. Các thuốc như glyceryl trinitrat, isosorbid cũng gây giãn mạch. Nếu phối hợp thuốc chữa cao huyết áp với thuốc giãn mạch thì hai thuốc này cộng hợp cơ chế giãn mạch, gây ra tụt huyết áp đột ngột.

Cách khắc phục: số thuốc giãn mạch được dùng trong bệnh tim mạch như dùng trong bệnh mạch vành. Nếu người cao huyết áp có nhu cầu dùng cả thuốc hạ huyết áp lẫn thuốc giãn mạch thì cần dùng liều phối hợp thận trọng để không gây ra tụt huyết áp đột ngột.

Thuốc đái tháo đường: thuốc đái tháo đường týp 1 (insulin tiêm) hoặc thuốc đái tháo đường týp 2 (uống) đều làm hạ glucose - máu dẫn đến làm hạ huyết áp, nếu dùng liều cao (quá liều chỉ định) có thể gây tụt huyết áp mạnh.

Cách khắc phục: khi điều trị cho người mắc cả hai bệnh cao huyết áp, đái tháo đường thì buộc phải dùng cùng lúc hai loại thuốc này. Thầy thuốc tính liều phối hợp thích hợp để không gây ra tụt huyết áp. Người bệnh cần tuân thủ liều này, đồng thời phải giữ chế độ ăn ổn định (không bỏ bữa, không ăn ít hơn) giữ chế độ luyên tập ổn định (không lao động nặng, không luyện tập quá mức) để tránh hạ đường huyết, tụt huyết áp.

Những thuốc thông thường gây tăng hay gây giảm huyết áp nói trên không phải là chống chỉ định với người cao huyết áp nhưng không lợi cho người cao huyết áp, có trường hợp nên tránh dùng nếu có thể được), có trường hợp phải dùng thận trọng (nếu cần) nhằm hạn chế tác dụng không mong muốn, gây ảnh hưởng không lợi đến việc điều trị cao huyết áp.

DS.CKII. BÙI VĂN UY


Ý kiến của bạn