Du lịch sức khoẻ - 'hòn ngọc' chưa mài

10-10-2021 09:59 | Thị trường
google news

SKĐS - Hiện Việt Nam có khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng, vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa có thể khai thác thành nước uống đóng chai, bên cạnh đó, là hệ thống cây dược liệu đa dạng, quý hiếm với hàng nghìn loài động, thực vật được sử dụng làm thuốc. Đó là nền tảng tuyệt vời để "vực dậy" du lịch sức khoẻ.

Tiềm năng lớn phát triển

Theo con số được Tổng cục Du lịch Việt Nam đưa ra tại Hội thảo trực tuyến về "Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam", lợi thế phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe của Việt Nam là rất lớn với bờ biển dài 3.260 km, 2.773 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều bãi tắm đẹp và nguồn tài nguyên nước khoáng phong phú và đa dạng.

Hiện Việt Nam có khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng trên cả nước, trong đó đã điều tra, nghiên cứu và phân tích 287 nguồn và phân thành 11 loại khác nhau, vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa có thể khai thác thành nước uống đóng chai phục vụ cho đời sống con người.

Du lịch sức khoẻ - "hòn ngọc" chưa "mài" - Ảnh 1.

Việt Nam chưa có nhiều cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe đủ tầm cỡ về quy mô, chất lượng

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có hệ thống cây dược liệu đa dạng, quý hiếm với khoảng 3.850 loài thực vật, 406 loài động vật được sử dụng làm thuốc. Hiện nay Bộ Y tế đã cấp số đăng ký cho trên 2.000 chế phẩm thuốc y học cổ truyền do trên 450 cơ sở y dược cổ truyền sản xuất.

Nhiều chùa, tịnh xá, với hệ thống thiền viện rất đặc sắc cùng cảnh quan hấp dẫn có thể khai thác để phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch gắn với thiền, yoga nói riêng. Các công ty du lịch cũng bắt đầu đưa ra sản phẩm du lịch thiền, yoga ở những nơi thiên nhiên còn hoang sơ, yên tĩnh, trong lành, có huấn luyện viên hướng dẫn tập cho du khách. Du lịch giảm cân cũng là một loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe đang được chú ý, phù hợp với địa hình thiên nhiên vừa có núi, vừa có biển, hướng đến đối tượng chính là khách châu Âu.

Thực tế, cũng đã có một số nhà đầu tư tận dụng nguồn tài nguyên nước khoáng nóng phong phú và đa dạng của Việt Nam để xây dựng các khu du lịch suối khoáng nóng phục vụ du khách đến nghỉ dưỡng như: Khu du lịch suối khoáng nóng Mỹ Lâm-Tuyên Quang, khu du lịch suối khoáng nóng Quang Hanh-Quảng Ninh, khu du lịch suối khoáng nóng Thanh Thủy (Phú Thọ)…

Ngoài ra, một số khu du lịch có cung cấp dịch vụ tắm bùn, spa, xông hơi, massage như khu du lịch Trăm Trứng (Khánh Hòa), khu du lịch V-resort (Hòa Bình), khu du lịch khoáng nóng Sài Gòn-Bình Châu (Vũng Tàu)…

Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe còn ít, chưa đa dạng; chưa có nhiều cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe đủ tầm cỡ về quy mô, chất lượng để đón khách du lịch.

Cơ hội để phát triển

Trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, năm 2018 có 350.000 người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh kết hợp nghỉ dưỡng và chi tiêu 2 tỷ USD. Trong khi đó hàng năm cũng có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh kết hợp du lịch và chi tiêu tới cả tỷ USD. Điều đó cho thấy, không chỉ khách quốc tế mà khách nội địa cũng rất tiềm năng cho loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe.

Ông Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch), nhận định, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe (phòng bệnh, làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ) là xu hướng du lịch trong tương lai, nhất là khi dịch bệnh xuất hiện thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe càng lớn. Đây là cơ hội để Việt Nam chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe.

Du lịch sức khoẻ - "hòn ngọc" chưa "mài" - Ảnh 2.

Nhu cầu xanh, khoẻ ngày càng quan trọng với du khách

Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe. "Tuy nhiên, chúng ta chưa có nghiên cứu đầy đủ, chưa có định hướng và chính sách cụ thể để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe để tăng cường thu hút khách du lịch về mảng này", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết.

Phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe như spa và tắm nước khoáng, nước nóng tắm bùn, thiền, yoga... vẫn ở quy mô nhỏ, nhân lực hạn chế, có cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chỉ ở mức đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách du lịch.

Tại Hội thảo, các chuyên gia về du lịch đều nhất trí cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc nghiên cứu đưa ra được chính sách về phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam. Cần phát triển đa dạng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, đào tạo nguồn lao động chuyên sâu về lĩnh vực này; học tập kinh nghiệm của các nước đi trước có hoàn cảnh tương đồng; đồng thời hoàn thiện, nâng cấp những dịch vụ đi kèm...

Các chuyên gia cũng đề xuất, cần đưa loại hình du lịch này thành một loại hình trọng điểm trong quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành du lịch cần phối hợp với ngành y tế xây dựng bộ tiêu chí để chuẩn hóa các dịch vụ cũng như quy trình khám, chữa bệnh tại các cơ sở du lịch; có chính sách khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các khu du lịch chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá loại hình du lịch sức khỏe ở cả trong và ngoài nước.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Talk TỪ ĐIỂM NÓNG COVID19_BV CHỢ RẪY


Minh Thu
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn