Du lịch khởi động sau dịch

30-09-2021 11:14 | Doanh nghiệp
google news

SKĐS - Là một trong những ngành ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, sau một thời gian dài "thở oxy", việc khởi động lại các hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng, cả đối với các doanh nghiệp và kinh tế đất nước..

"Đi chơi" vẫn không ngơi phòng dịch

Tại "Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc, khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19 đợt 4" vừa được Hiệp hội Du lịch Việt Nam công bố chiều 28/9 tại Hà Nội, ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết các DN du lịch rất háo hức và đang gấp rút chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm kết hợp hài hòa giữa an toàn phòng chống dịch bệnh và hoạt động du lịch, lữ hành.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhấn mạnh yếu tố an toàn (cho khách du lịch, cho những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch và cho cả xã hội) đã trở thành một yêu cầu bắt buộc cho ngành kinh tế du lịch.

Tuy vậy, với sự hưởng ứng của hàng ngàn doanh nghiệp (DN) du lịch, Hiệp hội cũng như các hội thành viên, các DN quyết tâm sẽ đẩy nhanh sự hồi phục của du lịch, trước mắt là du lịch nội địa.

Du lịch "khởi động" sau dịch - Ảnh 1.

Nhiều tỉnh thành mới chuẩn bị cho khách du lịch nội địa

Theo ông Bình, trong chương trình này, Hiệp hội Du lịch đưa ra các tiêu chí an toàn như khách du lịch từ 18 tuổi trở lên, phải tiêm đầy đủ các liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã hồi phục sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Đối với du khách dưới 18 tuổi, phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 48 giờ trước khi tham gia chương trình du lịch nội tỉnh, thành phố.

DN lữ hành phải thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 100% người lao động. Chương trình du lịch được tổ chức theo hình thức khép kín, có sự giám sát, kiểm soát chặt chẽ của công ty lữ hành.

Các đơn vị du lịch cũng phải quy định rõ chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2, chi phí điều trị nếu du khách trở thành F0, ngoài bảo hiểm du lịch thông thường, có thể bổ sung bảo hiểm với trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Ngoài ra, đơn vị kinh doanh du lịch chỉ được lựa chọn những điểm du lịch, đơn vị cung cấp dịch vụ cho đoàn khách bảo đảm tiêu chí an toàn; xây dựng các tuyến du lịch và phương pháp vận chuyển theo lộ trình an toàn.

Nhiều tỉnh thành hào hứng

Tham gia buổi lễ công bố, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, cho biết dự kiến trong tháng 10, tỉnh sẽ đón du khách nội địa đủ điều kiện. Hiện địa phương đang đôn đốc các cơ sở kinh doanh dịch vụ, khu, điểm du lịch trong tỉnh rà soát, bảo đảm đủ các tiêu chuẩn an toàn để sẵn sàng đón khách. Đồng thời, sẵn sàng phối hợp, hợp tác với các DN lữ hành ở Hà Nội và cả nước đưa khách tới Hà Giang.

Hoà chung không khí chuyển động của ngành du lịch, sáng 29/9, UBND TP Hải Phòng đã điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và mở lại một số hoạt động.

Theo đó từ 0h ngày 1/10, cho phép các địa phương mở lại khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh nhưng chỉ đón và phục vụ khách nội thành. Thành phố yêu cầu khách và người trực tiếp hướng dẫn tham quan phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ; có chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 và qua 14 ngày tính từ mũi tiêm cuối; được Bộ Y tế công bố khỏi bệnh COVID-19 theo quy định.

Du lịch "khởi động" sau dịch - Ảnh 2.

Đã từ lâu, Khánh Hoà vắng vẻ khách du lịch nước ngoài

Một địa phương du lịch biển nổi tiếng miền Bắc là Thanh Hoá đã mạnh dạn đầu tư 5.642 tỷ đồng làm đường bộ ven biển. Dự án đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn đến Hoằng Hóa và Dự án đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa đến Sầm Sơn, đoạn Quảng Xương đến Tĩnh Gia với tổng mức đầu tư 5.642 tỷ đồng dự kiến khởi công vào tháng 10/2021.

Các dự án này sau khi hoàn thành sẽ hình thành trục đường giao thông chính ven biển để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội; tạo "cú hích" phát triển toàn diện, khơi dậy tiềm năng du lịch.

Tại phía Nam, bên cạnh đảo ngọc Phú Quốc đang hoàn tất các khâu đón khách quốc tế, tỉnh Khánh Hòa cũng thông tin sẽ xin Thủ tướng cho đón khách quốc tế từ tháng 11.

Lãnh đạo UBND Khánh Hòa cho rằng dịch COVID-19 ở địa phương này đã được kiểm soát. Đại diện Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết đã hoàn thành dự thảo kế hoạch đón khách quốc tế bằng "hộ chiếu vaccine" để tham mưu cho UBND tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thủ tướng xin ý kiến.

"Lộ trình đón khách quốc tế được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn một bắt đầu từ tháng 11 đến hết tháng 12/2021. Hết giai đoạn này chúng tôi sẽ đánh giá tổng thể về quá trình thí điểm để triển khai giai đoạn 2 dự kiến từ 1/1 đến hết tháng 3/2022", vị đại diện thông tin.

Về kế hoạch đón khách quốc tế, ở giai đoạn một, tỉnh sẽ sử dụng các khu nghỉ dưỡng ở khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh (Bãi Dài) để đón khách. Còn giai đoạn 2 sẽ mở rộng ra các khu du lịch có tính biệt lập như Vinpearl (đảo Hòn Tre), khu du lịch Hòn Tằm…

Ở giai đoạn đầu, địa phương sẽ ưu tiên đón khách quốc tế từ những nước đã kiểm soát tốt dịch và khách có nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày ở các nước như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Về việc mở cửa đón khách nội địa, Phó giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết đơn vị đã trình kế hoạch cho UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Dự kiến ngày 15/10 tới sẽ thí điểm đón những du khách đầu tiên.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Xúc động nghe Wendy Phạm con gái Phi Nhung hát tặng mẹ Không ai yêu mẹ bằng con


Minh Thu
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn