Ông bị ung thư tiền liệt tuyến, và sau khi nhập viện một thời gian ngắn, ông qua đời cách đây vài tiếng đồng hồ. Cuộc đời của ông là một tấm gương sáng về lòng nhân hậu.
Roger George Moore sinh ngày 14/10/1927 trong một gia đình thuộc thành phần lao động. Thân sinh là cảnh sát và thân mẫu là nội trợ. Mẹ ông là người Anh nhưng sinh ra ở Calcutta, Ấn Độ. Ông là con trai duy nhất của gia đình. Lúc còn nhỏ ông rời trường học sớm và đi làm cổ động viên cho một hãng phim Anh. Vốn là người đẹp trai và ăn ảnh, sau này (1945) ông được cho đóng vai phụ trong phim "Vacation from Marriage", và sự nghiệp đóng phim của ông khởi sắc từ đó, và đỉnh cao là vai "Julius Caesar" vào năm 1953.
Nhưng đỉnh cao hơn chỉ bắt đầu khi ông được chọn thay thế tài tử Sean Connery để đóng vai James Bond, và lúc đó ông đã 46 tuổi. Roger Moore đóng tất cả 7 cuốn phim 007 trong thời gian 1973 đến 1985, và là người đóng nhiều 007 nhất. Những phim 007 mà Roger Moore đóng là Live and Let Die (1973), The Man with a Golden Gun (1974), The Spy Who Loved Me (1977), Moonraker (1979), Octopussy (1983), For Your Eyes Only (1981), và A View To a Kill (1985). Tuy là người đóng nhiều phim, nhưng không được khán giả xem là tài tử hay nhất. Trong số 6 tài tử đóng vai James Bond, thì ông đứng hạng số 4 (sau Daniel Craig, Sean Connery, Pierce Brosnan), nhưng được cho điểm cao hơn Timothy Dalton, và người được xem là tệ nhất là tài tử gốc Úc George Lazenby. Trong những phim đó, tôi thích nhất là The Spy Who Loved Me.
Khác với các tài tử điện ảnh trong vai James Bond vốn rất mạnh mẽ và đầy nam tính, có khi "ngầu", nhưng Roger Moore xuất hiện như là một nhân vật lịch lãm kiểu "debonair", bảnh bao, và hơi... hài hước. Có thể xem ông là một người tình hài hước. Tuy trong phim ông cầm súng, nhưng ngoài đời thì ông rất sợ súng. Ông còn cho biết trên màn ảnh ông là người "lụy gái", nhưng trong đời thường ông rất... sợ gái.
Ông là một người nhân từ và bình dị. Trên báo news.com.au có lan truyền một câu chuyện cảm động về tính bình dị của người tài tử lừng danh này. Marc Hayes kể rằng vào năm 1983, lúc đó Marc mới 7 tuổi, theo ông nội vào phi trường Nice ở Pháp (và thời đó phi trường chưa có các business lounge cho khách VIP), thấy Roger Moore đang ngồi chờ bay và đọc báo (1). Marc nói với ông nội rằng đó là ông James Bond trong phim 007 và muốn xin chữ kí. Ông nội thì không hề biết James Bond là ai, nhưng ông dẫn Marc đến chỗ Roger Moore ngồi và nói "Thằng cháu tôi nói rằng ông là một người nổi tiếng, ông có thể kí vào đây cho nó được không?" Roger Moore, với thái độ niềm nở và vui vẻ, kí tên vào cái vé máy bay cùng dòng chữ chúc may mắn. Cậu bé Marc mừng mê li, nhưng khi về ghế ngồi xem lại thì thấy chữ kí rất khó đọc, nhưng rõ ràng không phải là "James Bond". Ông nội của Marc lại phải đến làm phiền Roger Moore và nói "Thằng cháu tôi nói ông kí tên ai đó, chứ không phải là James Bond", đến lúc đó thì Roger Moore mới hiểu sự tình và vẫy tay kêu cậu bé Marc lại, rồi nói giọng thì thầm rằng "Chú phải kí tên là Roger Moore, bởi vì nếu không thì... gã Blofeld (2) có thể tìm ra chú đang ở đây". Nói xong, Roger còn dặn cậu bé là đừng nói cho ai biết cái bí mật này, rồi cảm ơn cậu bé trước vì sẽ giữ bí mật. Câu chuyện thật dễ thương, và được nhiều người chia sẻ trên mạng (1).
Ông từng nói rằng tất cả chúng ta phải có nhiệm vụ làm tất cả những gì có thể để giúp những người kém may mắn. Nói là làm. Sau này ông trở thành Đại sứ của UNICEF và làm từ thiện khắp thế giới. Khoảng 10 năm trước ông và phu nhân là Kristina Tholstrup có sang Việt Nam làm từ thiện trong vai trò Đại sứ của UNICEF. Nhìn bức hình ông đọc sách cho đám trẻ ở Quảng Trị thật là thân thiện và đúng cái phong cách của Roger Moore.
Từ lúc còn nhỏ Roger Moore đã bị nhiều bệnh, kể cả viêm phổi. Khi lớn lên ông bị tiểu đường, viêm phổi rất nặng có khi đi không nổi. Ông cho biết rằng bệnh tật đóng vai trò quan trọng trong đời sống niên thiếu. Ông biết mình bị ung thư tiền liệt tuyến từ năm 1993. Trong cuốn sách "Thế giới của tôi, Thế giới Bond", ông cho biết ông thường xuyên đi khám kiểm tra để phát hiện bệnh sớm, rồi một hôm bác sĩ xuất hiện trước cửa nhà cho ông biết rằng ông bị ung thư tiền liệt tuyến. Bệnh trạng nặng đến nổi bác sĩ không muốn nói qua điện thoại. Trong sách Roger Moore kể rằng ông đón nhìn bản tin buồn rất thản nhiên, và Roger cảm thấy buồn cho vị bác sĩ vì ông muốn đem đến cho tôi một tin buồn mà không biết nói ra sao; bác sĩ bắt đầu khóc, còn ông thì muốn nói một câu hài hước nhưng ông dám nói khi bác sĩ khóc. Tuy nhiên, sau đó thì cuộc phẫu thuật thành công và ông sống đến ngày hôm nay. Câu chuyện chống chọi với ung thư của tài tử Roger Moore, theo tôi, là rất đáng khâm phục. Ý chí, lòng nhân từ, và óc hài hước có thể giúp người ta sống vui với, thậm chí vượt qua, bệnh tật.
Ông từng nghĩ về cái chết với suy nghĩ rất Đông phương. Trong một bài trả lời phỏng vấn năm 2014, ông nói rằng cái chết không phải là kết thúc. Ông nói "Thái độ của tôi về cái chết là cũng như đi sang một cái phòng kế bên, và đó là cái phòng mà tất cả chúng ta còn lại không thể sang đó vì chúng ta không có chìa khóa. Nhưng khi chúng ta có cái chìa khóa, chúng ta sẽ qua đó và chúng ta sẽ gặp nhau lần nữa, dưới hình dạng này hay hình thức khác." Bây giờ thì ông đã sang cái phòng bên đó. Chắc chắn ông sẽ còn giữ cái phong cách debonair và hài hước trong câu chuyện "The Spy Who Loved Me".
====
(1) https://www.facebook.com/marc.haynes.7583?fref=nf&pnref=story
(2) Ý Roger Moore nói là nhân vật Ernst Stavro Blofeld trong phim 007, là một thiên tài nhưng muốn thống trị cả thế giới. Blofeld là "kẻ ác", thủ lãnh của tổ chức kín SPECTRE, là đối thủ của James Bond.