Hà Nội

Slim V: "Mỗi một comment nói là đạo nhạc của khán giả là một nhát dao đối với chúng tôi"

22-05-2017 10:45 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nếu nghe thấy 2 bản nhạc có màu sắc và sound tiếng giống nhau mà vẫn khác nhau về đường nét âm nhạc thì đó không phải là đạo nhạc, cùng lắm chỉ là sự ảnh hưởng - chàng nghệ sĩ trẻ đang nổi Slim V thẳng thắn cho biết.

Vừa qua, chàng nghệ sĩ trẻ được mệnh danh là “ảo thuật gia âm nhạc” Slim V có buổi talkshow với khoảng 200 người tham dự về những vấn đề xung quanh câu chuyện đạo nhạc. Vốn là người ít nói, không hay chia sẻ về bản thân nhưng lần này, Slim V lại sẵn sàng, thoải mái bộc bạch về quan điểm âm nhạc đồng thời cũng chia sẻ về những bước khởi nghiệp của mình.

Slim V tên thật là Cao Văn Vịnh. Vào năm lên 7 tuổi, vì em gái nằng nặc đi học nhạc, thế nên anh chàng này chịu “vạ lây” bị bố mẹ bắt đi học nhạc và bén duyên đến bây giờ. Sau đó, Slim V tự mày mò làm nhạc, không có tài liệu, có nhiều hôm ngồi mò để làm ra được một tiếng bass mà ngày này qua ngày khác. Mix loa vi tính, dàn máy được mua với giá 7 triệu đồng. Nhưng, chính dàn loa máy "đểu" này, cùng sự nỗ lực không ngừng đã giúp Slim V nhanh chóng được gọi với cái tên "ảo thuật gia" âm nhạc.

May mắn có cơ hội tham gia The Remix, anh đánh liều bán hết dồn tiền đầu tư hẳn dàn máy 30tr, 2 tay vác hơn 100kg vào SG đi thi. Vào ở nhờ nhà bạn, có khi mệt quá thì nằm lăn xuống sàn nhà cho đỡ mệt, trên sân khấu The Remix lúc nào Slim V cũng bảnh bao, đầy năng lượng như thế, nhưng bên ngoài là chuỗi những ngày ngủ trên sàn nhà, bởi chỉ sợ nằm nơi êm ái sẽ ngủ miết tới chiều hôm sau...Slim V đã kiên trì và gò bản thân vào trong những khuôn khổ, sự nỗ lực không ngừng với công việc. Rất may mắn với The Remix, Slim V được biết đến nhiều hơn và được đánh giá như một DJ trẻ hàng đầu.

Ở Việt Nam, DJ vẫn là nghề mới mẻ và chịu không ít điều tiếng. Khái niệm về DJ, Music Producer và sự kết hợp giữa chúng càng chưa được nhìn nhận chính xác. Slim V cho biết, DJ là viết tắt của “DISC JOCKEY” chuyên chơi những đĩa nhạc, mix những bản nhạc/âm thanh có sẵn lại với nhau.

Còn Music Producer là nhà sản xuất sản xuất âm nhạc - những người chịu trách nhiểm sản xuất ra các sản phẩm âm nhạc, là người sẽ lựa chọn những nguyên liệu phù hợp để tạo nên sản phẩm âm nhạc cuối cùng (tìm người sáng tác, tìm nhạc công, xây dựng ekip để thực hiện sản phẩm âm nhạc đó). Sau này những nhà sản xuất âm nhạc theo các dòng nhạc điện tử -  những người sử dụng những sóng âm cơ bản để tạo ra nhạc thì một mình họ cũng có thể sản xuất ra bài nhạc (đây là khái niệm mà hiện nay mọi người thường hiểu về nhà sản xuất âm nhạc). Rồi khi công nghệ phát triển hơn nữa, những bộ tiếng ngày càng trung thực và phần nào thay thế một ekip phức tạp, thì 2 khái niệm về nhà sản xuất âm nhạc này có sự giao thoa lẫn nhau.Thế nên công việc sản xuất âm nhạc có thể được hiểu theo nhiều nghĩa.

Là một nghệ sĩ trẻ, Slim V còn có nhiều trăn trở với chuyện đạo nhạc. “Có người nói giống nhau đến 60-70% thì là đạo nhạc, vậy dùng những con số và cách tính máy móc như thế liệu có chính xác? Nếu tôi lấy 3 bài hát cắt ra ghép vào nhau thì mới sử dụng mỗi bài có 33% như vậy có gọi là đạo nhạc? Không thể dùng một con số để đánh giá. Đánh giá việc đạo nhạc là tìm hiểu xem có hay không sự “cố ý” sử dụng chất xám của người khác, để làm được điều này chúng ta cần phải xem xét nhiều góc độ, từ tổng thể lớn cho tới những chi tiết nhỏ” – anh phân tích.

Theo Slim V, không có "vị thần âm nhạc" nào giáng trần trao cho mấy ông nhạc sĩ quyển “bí kíp viết nhạc” mà là nhiều người đi trở thành lối mòn. Đây là sự học hỏi lẫn nhau của những người nhạc sĩ, thực tiễn dần dần hình thành lý thuyết, nhiều người sáng tác theo cùng 1 kiểu tạo thành những dòng nhạc/ trường phái. Vì vậy nếu nghe thấy 2 bản nhạc có màu sắc và sound tiếng giống nhau mà vẫn khác nhau về đường nét âm nhạc thì đó không phải là đạo nhạc, cùng lắm chỉ là sự ảnh hưởng.

Còn việc sử dụng chung một vòng hoà âm hay dùng một cái beat trên mạng để làm điểm tựa viết ca khúc của mình, điều đó hoàn toàn không có gì sai. Rất nhiều bài hát nổi tiếng trên thế giới cùng sử dụng vòng hoà âm giống nhau (Vòng hoà âm chính là cơ sở để làm phần beat/nhạc đệm).Ví dụ : Numb - Linkin Park, Apologize – Timbaland ft. One Republic , Love the way you lie (Hiphop) , Faded – Alan Walker…  Câu hỏi đặt ra là tại sao mỗi người không viết ra một vòng hoà thanh mới cho riêng mình? Bởi vì mỗi điệu thức thành lập được 7 hợp âm trong hệ thống, 7 hợp âm này cũng có quy luật di chuyển, và trong âm nhạc thì từ đúng đến hay là cả một khoảng cách rất lớn. Hơn nữa âm nhạc giải trí hiện nay sử dụng tính chu kỳ lặp đi lặp lại để nhấn mạnh khiến người ta dễ dàng nhớ được. Vì vậy người ta thường sử dụng chu kỳ rất ngắn, thường là 4 hợp âm hoặc thậm chí ít hơn. Điều này khiến cho các vòng hoà âm không thể phát triển và đi xa được vì chưa kịp đi đã phải quay trở về. Điều này dẫn tới việc sẽ không có quá nhiều vòng hoà thanh, trong khi có hàng nghìn bài hát ra đời.

Thái độ của người nghe là điều cực  kỳ quan trọng đối với những người nghệ sĩ, khán giả chính là mục đích và động lực để nghệ sĩ tồn tại và phấn đấu. Khi khán giả không còn niềm tin thì nghệ sĩ rất dễ lạc lối và nản chí. Beautiful girl - Sean Kingston và Stand by me – 2 ca khúc có phần beat giống nhau nhưng khán giả nước ngoài coi đó là hai bài hát khác nhau. Điều quan trọng là khi nghe nhạc, họ quan tâm nghệ sĩ đang sáng tạo cái gì và họ enjoy việc đó. Còn chúng ta thì lại nhìn vào mặt tối của vấn đề trước.

Vì trí nhớ của con người hoạt động theo pattern, ngày nay âm nhạc giải trí không những chỉ sử dụng chu kỳ trong hoà âm mà còn sử dụng trong cả việc viết giai điệu. Chính lối viết nhạc này cộng với việc sử dụng chung một vòng hoà âm (giai điệu khi viết ra phải dựa vào hoà âm) khiến cho các sản phẩm âm nhạc ngày nay rất dễ bị giống nhau, nếu chẳng may giống nhau 1 chu kỳ thì đồng nghĩa với việc cả đoạn giống nhau do nó được lặp đi lặp lại. Vì vậy để phân tích có hay không sự "cố tình" cần phải xem xét và phân tích thật kỹ cả giai điệu lẫn hoà âm và cần phải có một hội đồng chuyên môn để đánh giá.

Những trường hợp nhạc không viết theo lối chu kỳ mà lại có sự giống nhau liên tiếp, dễ dàng thấy được sự cố ý, thì có thể khẳng định việc đạo nhạc. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp hi hữu ví dụ như Vũ Cát Tường suýt bị oan khi có sự trùng hợp trong âm nhạc với nhạc sĩ người Nhật. Vậy nên cần phải hết sức cẩn trọng khi đánh giá 2 ca khúc có đạo nhạc hay không. “Khán giả có quyền nhận xét và đánh giá, tuy nhiên trước khi các bạn đặt tay lên phím và type nhận xét hãy bình tĩnh và xem xét thật kỹ vì mỗi một comment như vậy là một nhát dao đối với chúng tôi” – Slim V phát biểu.

Nếu như năm 2016 là bệ phóng cho sự nghiệp, thì năm 2017 là một năm bận rộn của Slim V ngay từ đầu năm. Ngay từ đầu năm, anh đã gây ấn tượng mạnh với sáng tác đầu tay “Bỏ lại thế giới” đạt gần 2 triệu lượt xem chỉ sau vài ngày ra mắt. Đây là thành công ngoài dự đoán của Slim V, bởi “Bỏ lại thế giới” là thử nghiệm của anh cho con đường sáng tác. Slim V cũng là cái tên hàng đầu cho các nhãn hàng lớn thời gian vừa qua, anh thực hiện hàng loạt các dự án âm nhạc quảng cáo cho các nhãn hàng, Slim V cũng là lựa chọn hàng đầu cho các Festival âm nhạc quốc tế tại Việt Nam.

Trong thời gian tới đây, Slim V sẽ tiếp tục hành trình tới Châu Âu để thực hiện sản phẩm âm nhạc mới, tiếp nối dự án “Dance again” đã thực hiện hồi năm ngoái, tham gia liveshow Thu Minh với vai trò biểu diễn, biên tập và sản xuất âm nhạc , tham gia các sự kiện âm nhạc tại Hàn Quốc và đặc biệt sẽ là dự án âm nhạc EDM kết hợp với giao hưởng dự kiến được thực hiện vào cuối năm nay. Slim V cho biết, đây là giai đoạn anh đang tràn đầy năng lượng trong công việc và sẵn sàng ở “bệ phóng” của chính mình.


Hà Anh
Ý kiến của bạn