Hà Nội

Cảo thơm lần giở: Nietzsche nghĩ gì?

20-05-2017 08:35 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Có một thời, tư tưởng của triết gia Đức Nietzsche (Nit-sơ, 1844-1900) được một số triết gia và trí thức châu Âu đề cao, đặc biệt trước Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Có một thời, tư tưởng của triết gia Đức Nietzsche (Nit-sơ, 1844-1900) được một số triết gia và trí thức châu Âu đề cao, đặc biệt trước Chiến tranh Thế giới thứ 2. Những năm 1938-1939 thời Pháp thuộc, tôi học ban tú tài triết học ở Trường Bưởi, thầy dạy triết của tôi, ông Foulon, là một trí thức uyên thâm, rất có cảm tình với Việt Nam. Có thể nói ông lập dị, đề cao nhiều triết gia có khuynh hướng khác nhau, nhưng đều có lập trường cá nhân chủ nghĩa cực đoan, trong đó có Nietzsche. Tôi còn nhớ, lâu lâu ông lại say mê “ngâm” một bài trong tác phẩm Da-ra-thu-xtra đã nói vậy (Also sprach Zarathustra, 1883-1885) của Nietzsche.

Quốc xã của Hitler đã bóp méo tư tưởng của Nietzsche để sử dụng bạo lực và đàn áp, làm nòng cốt cho chủ nghĩa phát xít.Triết gia Đức Nietzsche (1844-1900)

Triết gia Đức Nietzsche (1844-1900)

Nietzsche là nhà triết học vô thần, ông học triết học và ngữ văn, sau làm giáo sư ngữ văn cổ điển và là bạn học của nhạc sĩ nổi tiếng R.Wagner. Ông chết trong trạng thái điên. Tư tưởng của ông duy tâm thần bí, thấm nhuần sự ham say cuồng nhiệt cuộc sống. Triết lý của ông phản ánh triết học tư sản của thời kỳ mở đầu giai đoạn đế quốc chủ nghĩa: phản ứng trước tình trạng mâu thuẫn giai cấp sâu sắc (giai cấp công nhân mạnh lên, chủ nghĩa xã hội truyền bá rộng). Thời gian đầu, Nietzsche ca ngợi Wagner và triết gia Đức yếm thế Schopenhauer, gắn dục vọng với đạo lý thanh thản của người hiền (tư duy thể hiện trong cuốn Nguồn gốc kịch, 1872), trong ông dần dần hình thành một triết học cá nhân chủ nghĩa cực đoan.

Có 5 luận điểm chính trong triết học Nietzsche: 1) Phê phán đạo đức Kitô: coi là đạo đức dựa vào từ thiện của kẻ nô lệ. 2) Đánh giá lại các giá trị đã được công nhận từ trước đến nay, lật ngược các tiêu chuẩn của triết học duy lý, phê phán tư tưởng tự do, đạo Kitô; thay những giá trị đã có, đã được quy ước, bằng một đạo lý có tính chất sáng tạo. 3) Ý chính luận: coi ý chí quyết định hết thảy. “Ý muốn quyền lực” (Willen Zuk Macht) là động lực mọi quá trình của xã hội và tự nhiên. 4) Thuyết “Siêu nhân”: người làm chủ phải thuộc đẳng cấp cao và theo một đạo đức khác các đẳng cấp dưới. Ông công khai tán dương sự bóc lột (coi lao động là nhục nhã, dành cho đẳng cấp “nô lệ”), đề cao sức mạnh: Da-ra-thu-xtra đã nói vậy (Da-ra-thu-xtra là một nhà cải cách tôn giáo Ba Tư, một nhân vật huyền thoại thế kỷ VIII-VII trước Công nguyên). 5) Mọi vật vĩnh viễn trở lại như cũ: phủ nhận sự tiến bộ của lịch sử, cho là lịch sử quay lại những giai đoạn cũ. Luận điểm này ảnh hưởng đến một số nhà triết học lịch sử phương Tây như Spengler và Toynbee - Quan niệm đạo đức của Nietzsche là đề cao cá nhân, có ảnh hưởng đến văn học phương Tây thế kỷ 20.

Sau đây là một số suy nghĩ của Nietzsche:

Khi không có yêu hay ghét là động cơ thì đàn bà là một diễn viên tồi.

Cái ta làm vì yêu thì được thực hiện ngoài vòng Thiện - Ác.

Nếu vợ chồng không sống chung với nhau thì các cặp thuận hòa đã có nhiều hơn.

Cái cao cả của con người: con người là chiếc cầu chứ không phải là mục tiêu.

Chúng ta hãy biết ơn! - Kết quả lớn nhất mà nhân loại đã đạt được cho đến ngày nay là không cần sống trong sợ hãi triền miên các con thú hoang dã, những người man rợ, các thần linh và các ước mơ của chúng ta.

Ai đã đạt tới lý tưởng của mình thì đã vượt qua được lý tưởng ấy.

Con người trưởng thành khi đã tìm được cái nghiêm túc của trò chơi khi còn bé.

Chính phần dưới cái bụng khiến con người không thể cho mình là thần minh.

Người tự biết mình sâu sắc cố gắng minh bạch, kẻ muốn tỏ ra mình sâu sắc đối với đám đông thì lại cố gắng tối tăm.

Nếu ngươi muốn một cuộc đời dễ dãi thì cứ ở mãi trong bầy đàn và hãy quên mình trong đó.

Trong sự dối trá, có một thứ ngây thơ là dấu hiệu của thật thà.

Chúng ta có nghệ thuật để khỏi chết vì sự thực.

Không phải hoài nghi khiến ta điên rồ, mà do sự khẳng định là đúng.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn