Hà Nội

Diệp Lang và vai diễn Hội đồng Thăng cay nghiệt, 'thất tình' trong Đời Cô Lựu

13-03-2023 10:39 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ông Hội đồng Thăng trong "Đời cô Lựu" có lẽ là vai diễn kinh điển của NSND Diệp Lang trên sân khấu cải lương mà đến thời điểm hiện tại chưa ai có thể thay thế được. Bởi vậy, mấy chục năm qua, NSND Diệp Lang đi đâu cũng nghe khán giả kêu là "ông Hội đồng".

Ngày 11/3, thông tin NSND Diệp Lang qua đời tại Mỹ đã để lại niềm tiếc thương đối với nhiều người, đặc biệt là các nghệ sĩ cải lương và người hâm mộ. Sau NSƯT Vũ Linh, sự ra đi của NSND Diệp Lang đã để lại mất mát lớn đối với bộ môn nghệ thuật cải lương nước nhà.

Được biết, nghệ sĩ Diệp Lang bệnh nặng từ nhiều năm nay, tuy không diễn được nữa nhưng sự hiện diện của ông, nhân cách, nghệ thuật của ông vẫn tỏa bóng mát cho những thế hệ nghệ sĩ tiếp theo, làm dịu lòng người. 

Con đường sự nghiệp vàng son của NSND Diệp Lang

Nghệ sĩ Diệp Lang tên thật Dương Công Thuấn, sinh năm 1941 tại Sa Đéc (Đồng Tháp). Lên 8 tuổi, ông theo cha là thầy đàn Ba Diệp đi theo Đoàn Cải lương Tam Phụng. Nhưng cha của ông không muốn ông nối nghiệp đàn, vì người đàn chỉ ngồi sau cánh gà sân khấu, nên đã tìm thầy dạy hát cho ông và cho ông học đóng những vai phụ.

Năm 12 tuổi, ông bước lên sân khấu trong vở Lấp sông Gianh của Đoàn Cải lương Kim Thoa, rồi sau đó là Việt Hùng - Minh Chí, đến Phụng Hảo - Ba Vân... với những vai phụ. Nghệ danh Diệp Lang (tức là con của Ba Diệp) do soạn giả Nguyễn Huỳnh gọi ông khi ông bắt đầu được đóng vai chính ở Đoàn Cải lương Hoài Dung - Hoài Mỹ.

Năm 1962, Diệp Lang gia nhập đoàn Kim Chưởng, được soạn giả Thu An giao đóng vai ông già 70 tuổi (người cha trong vở Người anh khác mẹ). Đó cũng là vai diễn ghi dấu ấn trong cuộc đời nghệ thuật của ông với Giải thưởng Thanh Tâm năm 1963.

Thời điểm này, ông đã đóng một số vở và rất thành công như: vai Trung sĩ Tám trong Tìm lại cuộc đời, Hội đồng Dư trong Tiếng hò sông Hậu, Hội đồng Thăng trong Đời cô Lựu, Lê Quý trong Tâm sự Ngọc Hân, Lê Xuân Giác trong Tiếng sóng Rạch Gầm, ba của cô The trong Nửa đời hương phấn, ba của Nguyệt trong Tô Ánh Nguyệt, Chu Thiên Cát trong Máu nhuộm sân chùa…

Diệp Lang và vai diễn Hội đồng Thăng cay nghiệt, 'thất tình' trong Đời Cô Lựu - Ảnh 1.

Hình ảnh quen thuộc của NSND Diệp Lang trong bộ áo dài khăn đóng.

Sau năm 1975, ông gia nhập Đoàn Cải lương tập thể Sài Gòn II, lưu diễn khắp nơi, kể cả những vùng chiến sự như Phnôm Pênh, Xiêm Riệp, Mặt trận 479... Ông được tín nhiệm bầu làm Trưởng đoàn 2-84.

Có lẽ rực rỡ nhất của Diệp Lang cũng là ở giai đoạn này, ông có những vai diễn để đời mà bây giờ vẫn in đậm trong ký ức khán giả. Vai Hội đồng Thăng trong Đời cô Lựu, vai Hội đồng Dư trong Tiếng hò sông Hậu, ông giáo trong Ánh lửa rừng khuya, trung sĩ Tám trong Tìm lại cuộc đời, cha của cô Hương trong Nửa đời hương phấn, Lê Quý trong Tâm sự Ngọc Hân, Lê Xuân Giác trong Tiếng sóng Rạch Gầm, ông nội trong Cây lẻ bạn, ông Cả trong Tô Ánh Nguyệt, ông Tư trong Lời ru của biển, Lỗ Quý trong Lôi vũ…

Năm 1993, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT; năm 2003, được phong tặng danh hiệu NSND. Trong 50 năm theo đuổi nghệ thuật, bên cạnh sân khấu cải lương, NSND Diệp Lang còn tham gia kịch nói, điện ảnh, đảm nhận vai trò chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn...

Vai diễn để đời ông Hội đồng Thăng cay nghiệt, độc nhất trong Đời cô Lựu

Trong cuộc đời làm sự nghiệp, có lẽ vai diễn ghi dấu ấn nhất của NSND Diệp Lang là Hội đồng Thăng trong Đời cô Lựu. Bởi lẽ thế, trong một lần phỏng vấn, Diệp Lang nói ông bị khán giả trách vì "quá ác". Đó là thành công lớn của người nghệ sĩ hết mình trong từng vai diễn.

Hơn 50 năm gắn bó cải lương, có hàng chục vai diễn, Diệp Lang để lại dấu ấn nổi bật với dạng kép độc (phản diện), kép lão. Dù chủ yếu đóng vai phụ, lối ca diễn chuẩn mực, sắc sảo của Diệp Lang khiến các nhân vật của ông luôn có sức hút.

Diệp Lang và vai diễn Hội đồng Thăng cay nghiệt, 'thất tình' trong Đời Cô Lựu - Ảnh 2.

NSND Diệp Lang (ông hội đồng Thăng) và NSND Bạch Tuyết (cô Lựu) kết hợp trong vở Đời cô Lựu.

Đời cô Lựu là vở cải lương nổi tiếng nhất của soạn giả Trần Hữu Trang, soạn khoảng năm 1936, cũng là một trong những vở cải lương hay nhất trước năm 1975.

Vở cải lương kể về số phận đau khổ và éo le của cô Lựu dưới xã hội phong kiến, thực dân và là một nạn nhân của xã hội lúc bấy giờ, cũng như nỗi khổ của người nông dân ở các vùng quê nói chung.

Năm 1984, Đoàn cải lương 284 trình diễn vở diễn này ở Tây Âu với các tên tuổi Bạch Tuyết (cô Lựu), Thành Được (Hai Thành), Diệp Lang (Hội đồng Thăng), Hồng Nga (Hai Hương), Minh Vương (Võ Minh Luân), Lệ Thủy (Kim Anh).

Hóa thân nhân vật Hội đồng Thăng Đời cô Lựu, Diệp Lang có lúc khiến khán giả căm tức trước cái ác, sự bất công khi ông vào vai kẻ có tiền, có quyền, mưu mô, nham hiểm.

Trong vai diễn này, nghệ sĩ khắc họa tính cách gian xảo, riết róng lẫn sự bất lực của một người đàn ông thất bại trong mối quan hệ gia đình. Từ ánh mắt, cử chỉ đến giọng nói đay nghiến của nhân vật được Diệp Lang nhấn nhá đến mức nghệ sĩ Bạch Tuyết - đóng cô Lựu - cho biết Hội đồng Thăng của Diệp Lang là vai "khiến cô Lựu đau đớn nhất".

Với vai Hội đồng Thăng trong vở Đời cô Lựu thì NSND Diệp Lang đã bộc lộ hết cái tuyệt kỹ của mình và sáng tạo rất nhiều trên cái nền nhân vật cũ.

Diệp Lang và vai diễn Hội đồng Thăng cay nghiệt, 'thất tình' trong Đời Cô Lựu - Ảnh 3.

Ông hội đồng Thăng là một trong những vai diễn để lại ấn tượng đối với khán giả của NSND Diệp Lang.

Diệp Lang từng chia sẻ, ông nhớ lúc ông mười mấy tuổi, lon ton theo cha là nhạc sĩ Ba Diệp đi đờn cho gánh Phụng Hảo, ông ngồi trong cánh gà nhìn ra mê mẩn xem nghệ sĩ Hai Tiền đóng vai Hội đồng Thăng, còn nghệ sĩ Phùng Há đóng vai cô Lựu. Đâu có ngờ, mấy chục năm sau, ông trở thành một Hội đồng Thăng nức tiếng.

Vai Hội đồng Thăng của Diệp Lang có thể nói là tinh tế với những chi tiết rất nhỏ mà khắc họa thêm cái tính cách nham hiểm và nhỏ mọn, có vậy mới là kẻ từng ném đá giấu tay cho chồng người ta đi tù, ở nhà cướp vợ, giết con.

Tuy nhiên, có lẽ vai Hội đồng Thăng của Diệp Lang lại hay nhất ở chỗ nó sâu thẳm bi kịch tình yêu của chính ông với cô Lựu, một sự thất bại não nề trong lúc mình là kẻ chiến thắng. Hội đồng Thăng cũng ôm nỗi đau suốt mấy chục năm mà không ai biết, cho nên ông ta thường mượn rượu giải sầu, nhưng rượu vào thì lại bộc lộ rõ hơn, sầu lại nhiều hơn. Hội đồng Thăng trong một phút giây nào đó cũng đã để lộ sự yếu đuối của mình.

Nếu như vài Hội đồng Dư của Diệp Lang trong Tiếng hò sông Hậu chỉ một chiều ác độc, thì Hội đồng Thăng còn biết yêu, còn biết ngọt ngào với đàn bà con gái, còn một cái "gót chân A-sin" nào đó.

Ông ta từng nóitrong men rượu rất thật, rất đau: "Tôi cũng là con người mà. Vợ chồng gì ngủ xây mặt vô vách, không ai nói với ai tiếng nào. Từ ngày tôi cưới bà về, tôi chưa bao giờ thấy bà nở với tôi nụ cười. Gương mặt lúc nào cũng trầm tư, u uất, nặng nề, âm trì, địa ngục".

Giả sử cô Lựu sống tử tế với ông ta thì chắc ông ta cũng cưng chiều lắm. Nhưng sự lạnh nhạt của cô Lựu đã làm trái tim kiêu hãnh của ông ta bị tổn thương rất lớn và ông đã trả thù bằng cách hành hạ từ những chuyện nhỏ nhặt nhất.

Nội dung tóm tắt của vở cải lương Đời Cô Lựu:

Cô Lựu là vợ Hai Thành, một tá điền của Hội đồng Thăng. Thấy Lựu có nhan sắc nên Hội đồng muốn đoạt cô làm vợ. Hội đồng Thăng lập mưu bỏ súng lục và mớ truyền đơn vào nhà Hai Thành rồi báo cảnh sát đến bắt vì tội tàng trữ vũ khí. Kết cục Hai Thành bị án tù 20 năm, đày đi Côn Đảo, nhà cửa tài sản bị tịch thu và Lựu trở thành vợ Hội đồng Thăng.

Lúc này, Lựu đã có mang với Hai Thành. Khi đứa nhỏ được sinh ra thì Hội đồng Thăng giấu nó đem cho cô nhi viện và nói dối là đã chết. Lựu sau có với Hội đồng Thăng một con gái tên là Kim Anh.

Các bà con tá điền rất thương Hai Thành, trong đó có vợ chồng ông Hương. Ông Hương biết Hội đồng Thăng là chủ mưu hãm hại Hai Thành. Đứa con trai của Hai Thành mà Hội đồng Thăng đem bỏ vào cô nhi viện được ông bà Hương bí mật xin về làm con nuôi, đặt tên là Minh Luân.

Sau 19 năm ở Côn Đảo, Hai Thành vượt ngục về tìm vợ con. Gặp ông bà Hương, anh biết rõ mọi chuyện. Căm giận vì cho rằng Lựu phụ bạc, anh viết một bức thư buộc Lựu trong vòng ba ngày phải lo 10 nghìn đồng để anh thu xếp việc học hành, sinh cơ lập nghiệp cho Minh Luân, còn anh sau sẽ trốn đi biệt tích. Nếu tiền không có đúng hạn thì anh sẽ có cách báo thù. Hai Thành trao thư cho Minh Luân đem tới cô Lựu.

Nhận được thư, Lựu vừa mừng, vừa lo, vừa xót xa cho chồng cho con. Lựu thấy khó xử vì không biết làm cách nào có được 10 ngàn trong ba hôm, vì cô chẳng có quyền hành gì trong nhà Hội đồng Thăng. Kim Anh thương mẹ nên đem đồ tư trang đi cầm. Để kín chuyện, Kim Anh mua đồ tư trang giả thay vào. Tới ngày hẹn, Minh Luân đến. Sau khi biết tình cảnh của mẹ và em, Minh Luân cự tuyệt, không nhận số tiền.

Chẳng ngờ chồng Kim Anh đã biết chuyện vợ cầm đồ tư trang nên nghi vợ ngoại tình. Giờ thấy vợ nói năng thân mật với Minh Luân nên anh ta cho rằng Minh Luân là tình nhân của vợ. Thấy trong túi Luân có phong thư (của Lựu gửi cho Hai Thành) anh ta đòi xem. Luân không chịu đưa nên bị anh ta rút súng bắn trúng bắp chân.

Minh Luân được đưa vào bệnh viện điều trị. Cô Lựu đến thăm con, gặp Hai Thành. Sau khi nghe Lựu giãi bày, Hai Thành hiểu được nỗi khổ tâm của vợ. Đúng lúc đó, Hội đồng Thăng cũng tới, nhận ra Hai Thành nên sai tài xế đi báo cảnh sát. Minh Luân căm thù, xông tới đâm chết Hội đồng Thăng.

Vở cải lương kết thúc bằng bi kịch, Kim Anh phát điên. Cô Lựu cho rằng mình là nguyên do mọi tội lỗi nên nguyện cắt tóc đi tu để sám hối.


Như Hoa (t/h)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn