‘Đêm ngồi ngã ba sông’ và những câu chuyện đằng sau một tập thơ hay

30-08-2021 17:46 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - "Đêm ngồi ngã ba sông" là tư thế và tâm thế của một nhà- thơ- công- dân!

1 bài thơ mà chia rẽ cộng đồng mạng thành 2 … chiến tuyến1 bài thơ mà chia rẽ cộng đồng mạng thành 2 … chiến tuyến

SKĐS - Cộng đồng mạng vẫn chưa để cho thơ … được yên !

Tháng 7-2021, đời sống văn học nghệ thuật nước nhà có 2 sự kiện nổi bật: Một là, báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam ra bộ mới, khởi đầu công cuộc đổi mới ấn phẩm này một cách quyết liệt, quyết tâm và… quyết thắng! Và cũng còn là hàm chứa mong muốn đổi mới đội ngũ cầm bút nước nhà. Hai là Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành tập thơ mới ‘Đêm ngồi ngã ba sông’ của nhà thơ Nguyễn Thành Phong.

'Đêm ngã ba sông' dứt khoát phải 'ngồi'

Sự kiện thứ nhất, ngay số đầu tiên đã ồn ào kẻ khen người chê. Chuyện ấy thường thôi, cái mới nào lúc đầu chẳng thế! Còn sự kiện thứ hai thì đồng nghiệp và công chúng thơ hoan hỉ chúc mừng, ngợi khen. Chỉ duy nhất một người thơ nổi đình đám ở phía Nam chê duy nhất một chữ "ngồi". Theo ông, tên bài thơ lấy làm tên tập thơ, chỉ cần "Đêm ngã ba sông" là đủ.

Vốn là người có thâm niên gần hai chục năm biên tập mảng văn nghệ ở một tờ nhật báo, tôi nhất trí với lời "chê" trên đây. Vâng, chỉ "Đêm ngã ba sông" là đủ. Thêm chữ "ngồi" vào là vừa thừa vừa thô.

‘Đêm ngã ba sông’ dứt khoát phải ‘ngồi’ - Ảnh 2.

Bìa tập thơ Đêm ngồi ngã ba sông

Cứ đinh ninh gật gù như vậy, cho đến một ngày trung tuần tháng Tám vừa qua, tôi có trong tay tập thơ trên đây, mượn của một anh bạn được tác giả đề tặng. Thực tình là tôi cũng định lên phố Đinh Lễ lượn tìm mua một cuốn, nhưng thành phố giãn cách lâu quá…

Tôi đã đọc một mạch 63 bài thơ của ấn phẩm này - một ấn phẩm được thiết kế trình bày khá công phu sang trọng bắt mắt - rồi đọc lại những bài ấn tượng, sau đó là đọc chậm lần nữa những bài mình thích thú. Và điều đầu tiên tôi ngộ ra là "Đêm ngã ba sông" dứt khoát phải có chữ"ngồi"! Vâng "đêm ngã ba sông" thì chỉ là một ngữ liệu về thời gian và không gian. Đó là một hiện thực tồn tại tự nhiên, khách quan, vô hồn, vô cảm. Thêm chữ "ngồi" vào, nó sinh động hẳn, nó có chủ thể, nó nhân cách hóa…

Phải có con người ngồi trong đêm ở ngã ba sông thì cái không gian và thời gian ấy mới thể hiện được cái bao la của vũ trụ, cái vô thường của cuộc đời, cái nghiệt ngã bất khả kháng của tự nhiên… Con người ngồi ở không gian ấy (ngã ba sông) trong thời gian ấy (đêm) là đối diện với quá khứ, đối diện với thực tại, đối diện với cuộc đời, đối diện với số phận… để chiêm nghiệm, suy tư, lựa chọn, bày tỏ và hành xử. Cổ kim dân gian cũng thường mượn động từ "ngồi" để phiếm chỉ một cá nhân-chủ thể nào đấy trong tâm thế suy tư, ngẫm ngợi: Chú Cuội ngồi gốc cây đa…; Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa…; Ngồi tựa mạn thuyền… Trong trường hợp cụ thể của tập thơ này, người "ngồi" trong "đêm" ở "ngã ba sông" không ai khác chính là tác giả.

Vâng, con người ngồi đấy là kỹ sư sinh hóa Nguyễn Thành Phong, cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội; người đã từng cùng nhóm bạn Nguyễn Quang Lập, Hà Đức Hạnh… sáng lập và điều hành Câu lạc bộ thơ sinh viên mang tên "Vòm Xanh" nổi đình đám hơn 40 năm trước.

Con người ngồi đấy là nhà thơ Nguyễn Thành Phong, tác giả của nhiều tập thơ, tập truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, kịch bản sân khấu, kịch bản phim truyền hình… khá nổi tiếng một thời mà nếu chỉ kể tên các tác phẩm thôi, thì cũng phải mất thêm chừng một trang giấy nữa; hoặc chỉ nêu tên các giải thưởng thì cũng phải mất thêm độ chục dòng…

Con người ngồi đấy là nhà báo Nguyễn Thành Phong, cây bút xông xáo trên nhiều thể loại, nhiều mảng đề tài. Từng là Trưởng ban, Trưởng phòng, Phó Tổng biên tập rồi Tổng biên tập ở nhiều tờ báo khá danh tiếng ngót mấy chục năm qua…

Và… con người ngồi đấy suýt nữa là phạm nhân, tuy chưa thành án nhưng đã có hơn chục ngày bị bắt tạm giam "nằm" trên nền xi măng trơ khấc. Bị tạm giam vì một lý do rất ất ơ rất buồn cười, chỉ hơn chục ngày, nhưng theo phép "Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại" thì cũng không phải là ngắn!

Thấy gì ở "Đêm ngồi ngã ba sông"?

Phải là con người ấy, thì "Đêm ngồi ngã ba sông" mới thấy: Mấy ngàn năm bao triều đại nối nhau/ Để khuyết lửa máu gươm đao/ Quân vương ngờ tôi trung, tiện nhân vầy kẻ sĩ/ Trùng trùng tráng ca bi kịch/ Sông Hồng nóng đỏ phù sa…/ Ta ngửa mặt nhìn trời cao/ Ta sống vậy đã là như sống/ Hay phải sống làm sao?/ Trời im lặng, ta cúi nhìn mặt nước/ Những xác vờ trắng ấm chảy về Đông…

‘Đêm ngã ba sông’ dứt khoát phải ‘ngồi’ - Ảnh 3.

Nhà thơ Nguyễn Thành Phong

Phải là con người ấy, thì "Đêm ngồi ngã ba sông" mới xót: Ừ thì bỏ nước ra đi là phải tội/ Sao tội này cứ bóp ngực chúng ta đau…/ Đi, đi suốt làm thành số phận/ Khắp địa cầu đâu cũng dấu dân ta/ Ngực lặng cúi trong cơ hàn xa khuất/ Mắt trĩu buồn đau đáu vạt sương sa/ Sao người Việt mình cứ mãi ra đi/ Đi, đi suốt, bao giờ thì dừng lại?

Phải là con người ấy, thì "Đêm ngồi ngã ba sông" mới dám vạch mặt chỉ tên: Sao cái thời có thật lắm kiểu quan/ Quan bằng giả bằng mua quan chép bài quay cóp.../ Quan cơ hội quan lưu manh/ Quan bám mép ghế, quan lật mặt bàn/ Quan găm hàng tự có/ Đầu tư dần từng nấc để lên quan... /Nước văn hiến mà quan vô văn hóa'' và, ''Trước đám đông quan rao giảng như thần/ Nhân nghĩa, nhân tình, nặng nợ, biết ơn/ Trong phòng kín lại gằm ghè chửi tục/ Quan đéo mẹ dân như kẻ đầu đường.../ Xưa đánh giặc tìm đâu cũng thấy dân/ Giờ cai trị, quan nhìn đâu cũng địch/ Địch ở trên trời, địch giữa hư không/ Địch cả ông dân từng cõng quan đuổi giặc.../ Đường không hẳn sai mà lắm kẻ đi sai/ Ghế không xấu chỉ người ngồi ghế xấu/ Sách kinh điển dù đã nhiều lạc hậu/ Không dạy tín đồ đểu giả gian manh…

63 bài thơ trong tập được chia thành 9 phần đánh số thứ tự; là tác giả phân chia theo chủ định- tiêu chí của mình và người đọc không khó gọi tên từng phần. Tôi đọc được trong đó 4 "chủ đề" theo cảm nhận của tôi: Nỗi niềm thế sự; Tình nghĩa thủy chung; "Thơ tù" và "Thơ thiền". Nỗi niềm thế sự và tình nghĩa thủy chung thì đã đành. Tự sự và trữ tình là hai thuộc tính căn bản của thơ. Khi tự sự nâng lên tầm thế sự, trữ tình nâng cái "Tôi" lên cái "Ta", thì cảm hứng sáng tạo của nhà thơ chất chứa tinh thần công dân, chạm đến dân tộc và nhân loại.

Có thể nhận diện phẩm chất ấy qua những bài thơ "thế sự công dân" của Nguyễn Thành Phong trong tập thơ này, như: Đêm ngồi ngã ba sông; Một tin buồn; Đất nước không bình yên; Dị quan; Sao vẫn còn người Việt ra đi; Người lính trẻ; Đại dịch; Chợ chiều; Cờ tàn; Trẻ con đừng sinh ra… Có thể gọi đó là mảng "thơ dấn thân" của Nguyễn Thành Phong; sự dấn thân của một người ưu thời mẫn thế, một nhà thơ có trách nhiệm trước cuộc sống của nhân dân, trước số phận của dân tộc. Cho nên "Đêm ngồi ngã ba sông" là tư thế và tâm thế của một Nhà Thơ Công Dân!

‘Đêm ngã ba sông’ dứt khoát phải ‘ngồi’ - Ảnh 4.

Điểm sông Hồng chảy vào đất Việt (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Phải có tinh thần công dân thì những phẫn uất, xót thương, day trở của thi sĩ mới là thái độ của kẻ sĩ. Và thấy được tầm kẻ sĩ của nhà thơ thì mới cắt nghĩa được lý do của mảng "thơ thiền" trong tập này, mới thấy sự hợp lý giữa sự dấn thân nhập thế với thái độ "buông bỏ, cho qua". Thực ra, gọi là "thơ thiền" cũng chưa đúng lắm, vì hình như Nguyễn Thành Phong không ăn chay niệm phật, cũng không là phật tử. Thơ anh không có các thuật ngữ - khái niệm kinh phật, nhưng nó toát lên một tinh thần vị tha, một thái độ buông bỏ, một triết lý vô vi… Trước bao nhiêu sóng gió bầm dập sấp ngửa, anh "mà lòng vẫn thắm tươi" để cho qua tất cả, an nhiên, tự tại, vị tha. Bài "Câu" là một ví dụ:

Ta ngồi dãi nắng buông câu

Cá đi động nước tan lâu vệt buồn

Câu mà lo cá chưa khôn

Đớp sâu cần giật lưỡi luồn lại đau…

Ta từng câu tước câu quan

Mồi câu chỉ mắc thênh thang lòng mình

Tước quan câu được rồi kinh

Rồi buông bỏ, lại lòng mình thênh thang…

Hoặc như một bài thơ anh viết khi nằm bệnh viện: Trái tim anh có gì như mỏi mệt/ Dưới vòm cây tán lá thắm màu thu/ Gió đã dịu sau bao nhiêu dâu bể/ Mặt sông xa vương sương khói bay mờ…/ Ngoài đường kia vẫn người xe đông đúc/ Bao nhọc nhằn bươn bả cứ lao đi/ Ngày mai kia anh bước ra đường cũ/ Chân thảnh thơi nhè nhẹ hướng quay về…

Nhà văn Nga danh tiếng Nodar Dumbatze, trong tiểu thuyết "Quy luật của muôn đời" (Phạm Mạnh Hùng dịch) có nói đại ý: Đời người nên có ít nhất một lần ốm nặng phải nằm viện nhiều ngày. Đó là cơ hội để người ta "ngộ" được rất nhiều điều.

Đọc "Đêm ngồi ngã ba sông" của Nguyễn Thành Phong, tự nhiên tôi nghĩ: Cuộc đời người cũng nên ít nhất được đi tù một lần, nhất là các nhà thơ- nhà văn. Sở dĩ tôi có ý nghĩ kỳ quặc trên đây là vì tôi thích nhất chùm "thơ tù" trong tập thơ này của Nguyễn Thành Phong. Bị tạm giam vì một lý do không đâu, oan ức và bí ẩn vậy mà không thấy anh kêu ca tức tối nguyền rủa hậm hực gì…

Ngược lại, trong tù thơ anh càng đằm lắng hơn, thơ tự nâng đỡ mình và nâng đỡ tha nhân, những người cùng cảnh ngộ, cả những con mèo con gián con thạch sùng ngẫu nhiên hội ngộ trong phòng giam. Nằm trong tù, nhưng nhà thơ nghe: Tiếng chim chuyền trong vòm cây xẫm lá/ Góc vườn mình đang nảy mấy chồi xuân/ Dịu dàng em làm mềm đi bỏng rát/ Gió xuân kìa, và náo động thanh âm… Anh tâm sự với một chàng trai trẻ cùng cành ngộ: Cháu nhìn chú đây này/ Già rồi mà xuống đáy/ Cháu thì trẻ thế kia/ Sống còn dài biết mấy/ Đời ai không lầm lạc/ Cố giữ đừng ngã lòng/ Dù tất cả hắt hủi/ Cháu không là hư không/ Nếu không ai tin cậy/ Thì đưa chú nắm tay/ Nào ta cùng thay đổi/ Ngay từ phút giây này…

Một thái độ như thế, một tình cảm như thế, một lời khuyên như thế, trong hoàn cảnh như thế… tôi tin nó có sức cảm hóa thuyết phục hiệu quả hơn rất nhiều những biện pháp cải huấn hành chính. Cũng như khi anh tâm sự với một đồng nghiệp, đồng môn, đồng cảnh ngộ: Ngạc nhiên chưa, cuối đời ông bị bắt/ Rồi bất ngờ cũng chốn ấy tôi nằm chơi/ Ta đi qua trại chỉ là trong chớp mắt/ Mà hiểu thêm bao dằng dặc nỗi đời… Xem ra, trong cái sự đi tù, nhà thơ cũng có "lãi". Ít ra, là cũng đóng góp vào mảng "thơ tù" một chùm thơ rất "thắm tươi" như chữ dùng của chính tác giả.

Ấy là nói mảng- chùm thơ tôi thích nhất. Còn nếu chỉ chọn một bài, thì tôi chọn bài "Đêm ngồi ngã ba sông". Tất nhiên, đó là bài hay nhất nên tác giả mới dùng làm tên chung cho cả tập thơ. Còn như nếu chỉ chọn một câu thơ thích nhất, thì tôi chọn câu: Đã đinh ninh tìm về minh chủ/ Xoay một hồi lại dưới ách hôn quân (Sao vẫn còn người Việt ra đi). Câu thơ nhắc chuyện Ức Trai từ gần 600 năm trước, tiêu biểu cho mảng thơ thế sự trong tập "Đêm ngồi ngã ba sông" của Nguyễn Thành Phong. Mà thế sự là âm hưởng chủ đạo, nổi bật, bao trùm nhất của tập thơ này, kể cả mảng- chùm "thơ tù" mà tôi vừa dẫn, xét cho cùng vẫn là những nỗi niềm thế sự…


Nhà thơ Mai Nam Thắng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn