Nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Thụy Kha và một số tác phẩm của ông.
Ngày ấy, sau cuộc làm chương trình thơ - nhạc từ thiện đầu tiên ở Hà Nội với nhạc sĩ Trần Tiến, tôi có lọt vào “mắt xanh” của một “nàng thơ” còn rất trẻ. Mới 19 tuổi. Làm sao không xao lòng được. Trong những ngày nồng nàn ấy, tôi cảm giác mình như trẻ lại. Cũng vui buồn, giận hờn theo cung bậc mà tuổi 19 của “nàng thơ” dẫn dắt. Buồn nhất vẫn là những chiều hẹn hò bên bờ hồ Thiền Quang mà “nàng thơ” không đến. Có bao nhiêu lý do được tưởng tượng cho việc “nàng thơ” không đến. Nhưng cảm giác lớn nhất, bao trùm nhất vẫn là cảm giác buồn trống trải. Tôi đã viết lại nỗi buồn ấy trong Chiều không em.
Chiều không em không em buồn buồn không em
trời đầy mây mà trời một mình
*
chiều không em thật buồn
cây nối cây mà màu xanh cô đơn
*
Trống vắng quá trống vắng từng giọt máu
chưa kịp giận hờn, đã lên đau đáu
*
Cái hồn nhiên cuồng nhiệt tuổi em
chén thuốc mê làm anh say êm
*
chiều không em mặt hồ lặng tênh
quả tim anh ai ném bên thềm
*
bản nhạc quen không có người nghe
điếu thuốc như dài chờ môi kia
*
chiều không em anh quay về ngơ ngác
dẫu biết em có quyền vắng mặt
anh có là gì để nhớ để quên
chỉ có chiều không em, không em
Bài thơ khi được in ở tạp chí Thế giới mới thì được nhiều người biết đến, trong đó có nhạc sĩ Huy Du - một nhạc sĩ tiêu biểu của thế hệ chống Pháp và chống Mỹ (1926-2007). Theo lời ông tâm sự cùng tôi, thì khi đọc bài thơ Chiều không em, ông như thấy một luồng điện chạy trong mình. Cái khao khát làm mới tình ca trong ông đã gặp được sự đồng cảm là bài thơ này. Ông đã lấy ngay chủ đề ca khúc là Chiều không em. Nhưng Huy Du rất cẩn thận, ông không để cảm xúc kéo lê theo thơ để thành ra bài thơ, nhưng ông chủ động giữ được càng nhiều thơ càng tốt. Tất cả được chuyển hóa vào cấu trúc. Ông đã đưa cảm xúc vắng mặt chi phối toàn bộ giai điệu ca khúc.
Chiều không em không em buồn buồn không em
trời đầy mây mà trời một mình
chiều không em chiều không em thật buồn
cây nối cây, cây nối cây mà màu xanh cô đơn
cây nối cây, cây nối cây mà màu xanh cô đơn
Cái trống vắng, cái hồn nhiên đã được ông nhập vào việc nhắc lại “cây nối cây”.
Sang đoạn sau, chủ đề “chiều không em” được phát triển thành cao trào. Ở đoạn này, ông đã đưa các câu thơ lọt vào câu nhạc rất ngọt và rất lạ:
Chiều không em chiều không em mặt hồ lặng thênh
quả tim anh ai ném bên thềm
bản nhạc thân quen không có ai nghe
điếu thuốc như dài chờ môi kia
chiều không em anh quay về ngơ ngác
dẫu biết em có quyền vắng mặt
anh có là gì để thương, để nhớ, để quên
chỉ có chiều không em không em không em
Ca khúc Chiều không em mà Huy Du phổ thơ tôi đã được Thùy Dung thể hiện trong một chương trình ca nhạc năm 1993. Nhạc sĩ Chu Minh cũng đã từng phổ thơ tôi, rất chịu Chiều không em của Huy Du. Năm 1995, Hội Nhạc sĩ Việt Nam làm Album cho Huy Du, ông đã không ngần ngại chọn ngay tên Chiều không em là tên Album. Ca khúc của Huy Du rất hay, song có lẽ do thời đại thay đổi, nên nó không được thịnh hành, nhưng cũng vẫn có trên mạng Google.
Noel 1994, Phú Quang ra Hà Nội làm chương trình. Trong một lần ngồi nhậu, cao hứng lên, tôi đọc Chiều không em cho mọi người nghe.Phú Quang nghe xong, đề nghị tôi chép ngay cho bài thơ. Bài thơ rất nhanh chóng được Phú Quang phổ nhạc với giai điệu rất trẻ trung thời ấy.
Chiều không em chiều buồn không em
trời đầy mây mà trời một mình
cây nối cây mà xanh xao cô đơn
nghe trống vắng trống vắng từng giọt chiều
ĐK: Chiều không em chiều buồn không em
mãi lang thang cơn gió vô tình
chiều không em câu ca vàng sương
ta là gì để mà nhớ mà quên
*
chiều không em mặt hồ buồn tênh
trái tim ta ai ném bên thềm
chiều không em chân quay về ngơ ngác
biết về đâu để mà nhớ mà quên
Để phổ bài thơ này, Phú Quang đã phải lược đi nhiều chi tiết mà Huy Du vẫn giữ, đồng thời để phù hợp giai điệu Phú Quang đã biến “màu xanh” thành “xanh xao” và yêu cầu tôi viết thêm ca từ vào giai điệu đoạn điệp khúc như “mãi lang thang cơn gió vô tình” hay “chiều không em câu ca vàng sương khói”. Phú Quang đã chép tay ca khúc tặng tôi. Ngay sau khi ra đời, ca khúc Chiều không em do Phú Quang phổ nhạc đã được Mỹ Hạnh thể hiện rất ấn tượng. Sau Mỹ Hạnh là Ngọc Anh với cái giọng nữ trung hơi khàn càng làm tăng chất “trống vắng” của Chiều không em. Ngọc Anh tuy bây giờ định cư ở quận Cam, Hoa Kỳ nhưng khi nào Phú Quang làm liveshow thì đều mời Ngọc Anh về hát Chiều không em. Ngay trong dịp cuối thu này, Phú Quang cũng mời Ngọc Anh về hát trong liveshow của mình. Ca khúc Chiều không em do Phú Quang phổ nhạc thơ tôi đã lan truyền rộng rãi suốt 1/4 thế kỷ (từ 1994-2019), nhiều người thuộc ca khúc này mà không nghĩ đó là thơ Nguyễn Thụy Kha. Đấy là cái giỏi của Phú Quang. Cứ ngỡ Chiều không em đã an bài bởi Phú Quang - nhạc sĩ thế hệ đầu đổi mới.
Nhạc sĩ trẻ Bùi Việt Hà.
Tôi quen nữ nhạc sĩ trẻ Bùi Việt Hà vài năm nay. Hà là con gái cả của nghệ sĩ guitare Bùi Bình, dạy guitare tại thành phố Nam Định. Cô gái sinh năm 1992 đã có năng khiếu sáng tác ca khúc từ thuở niên thiếu. Sau khi theo học trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Hà về công tác ở Cung Văn hóa Hà Nội. Quen tôi, Hà hát và đưa cho tôi nhiều sáng tác của cô. Thấy đây là một tài năng trẻ, tôi đã viết về những sáng tác của cô trên báo Lao động cuối tuần. Cũng vì quen biết, Hà tự động phổ những bài thơ của tôi theo nhiều cảm hứng. Ví dụ bài Tôi đi ra khỏi tôi thì mang đậm chất pop, bài Giọt mưa em thì chất Boléro, bài Ma - nơ - canh di động thì mang chất rock. Còn bài Chiều không em thì mang chất pop-rock. Bùi Việt Hà quá trẻ nên không hề biết Huy Du và Phú Quang đã từng phổ bài thơ này. Bởi thế, cô chẳng bị chi phối gì bởi hai bậc thầy của hai thế hệ nhạc sĩ trước cô. Cô phổ bài thơ này bằng cảm xúc hoàn toàn tự nhiên và độc lập với chính nhận biết của mình về bài thơ. Cô giữ được khá nhiều chi tiết thơ và cũng thêm vào những gì mà thế hệ hôm nay đang ngẫm nghĩ.
Chiều không em chiều buồn không em
trời đầy mây mà trời một mình
chiều không em hàng cây nối cây
màu xanh cô đơn man mác buồn
*
trống vắng quá trống vắng trong anh chưa kịp giận hờn đã cách xa
trái tim ta ai ném bên thềm
có chăng chỉ một thời mà thôi.
Bùi Việt Hà đã mở toang trống vắng đến tận cùng ở đoạn sau:
Bản nhạc hay mà không người nghe
điếu thuốc thơm dài chờ môi ai
chiều không em chiều buồn không em
*
chiều không em anh quay về ngơ ngác
anh có là gì để nhớ để quên
chỉ có chiều không em không em
hết thương rồi thôi tạm biệt nhé
giờ riêng anh hoàng hôn một mình
Sau khi phổ xong, Bùi Việt Hà đã từng hát cho tôi và các bạn nghe qua phần đệm guitare của nghệ sĩ Phan Nam đầy ấn tượng. Tôi rất ngạc nhiên khi cứ ngỡ Chiều không em đã an bài qua bản phổ của Phú Quang, vậy mà không ngờ sau 30 năm bài thơ ra đời, nó lại được thổi vào một luồng sinh khí trẻ trung như đúng 30 năm trước. Thế mới thấy nghệ thuật thật khôn lường. Tôi nghĩ mình thật hạnh phúc. Một bài thơ mà được ba nhạc sĩ thuộc 3 thế hệ cùng phổ, mà bài phổ nào cũng hay, cũng có cái riêng của mỗi nhạc sĩ. Tôi hy vọng khi Chiều không em do Bùi Việt Hà phổ thơ Nguyễn Thụy Kha đưa lên mạng, sẽ được thế hệ trẻ hôm nay đón nhận tưng bừng, có lẽ trong giai điệu này, các bạn sẽ thấy có mình ở đấy. Mặc dù, so về tuổi trẻ, Việt Hà còn ít hơn tuổi bài thơ 3 năm.