Thích ứng an toàn, linh hoạt giúp doanh nghiệp bắt nhịp phục hồi
“Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong giai đoạn hiện nay theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, chính là quan điểm chỉ đạo thống nhất, kịp thời và sáng tạo. Theo đó, tại nhiều địa phương, các doanh nghiệp cũng bắt nhịp ngay trên tinh thần “sản xuất phải an toàn”, đẩy mạnh sản xuất-kinh doanh, sẵn sàng thích ứng với trạng thái bình thường mới.
Trước khi có Nghị quyết 128, nhiều địa phương chủ trương "khóa chặt" địa bàn do áp lực từ quan điểm mỗi địa phương chịu trách nhiệm, người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm khi xảy ra dịch trên địa bàn. Việc ban hành Nghị quyết 128 của Chính phủ, đưa việc phòng, chống dịch sang giai đoạn "bình thường mới" có điều kiện sẽ giải quyết tình trạng ách tắc cục bộ ở các địa phương thời gian qua.
Chia sẻ trước báo chí, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, sau gần 2 năm ứng phó với đại dịch COVID-19, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, khi biến chủng Delta xuất hiện, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng bất ngờ và bị ảnh hưởng tiêu cực.
"Đợt dịch thứ 4 bùng phát, chúng ta đã phản ứng cẩn trọng. Do tâm lý nên nhiều người dân, doanh nghiệp chọn "ngủ đông" hay tạm dừng các hoạt động... Tuy nhiên, Chính phủ đã chuyển hướng rất kịp thời từ chủ trương "Zero COVID-19" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Điều này đã thể hiện rất rõ ở Nghị quyết 128. Tôi nghĩ rằng thích ứng linh hoạt, sống chung với COVID-19 một cách chủ động, khoa học, cũng có thể hiểu là chiến thắng dịch bệnh", TS. Tô Hoài Nam cho hay.
Theo đó, Nghị quyết 128 do Chính phủ vừa ban hành Quy định tạm thời về "Thích ứng an toàn dịch COVID-19" là tin vui, thống nhất quy định chống dịch trong bối cảnh mới cho toàn bộ các tỉnh, thành, kèm theo việc tạm dừng thực hiện Chỉ thị 15, 16 hay Quyết định 2686 vốn được các địa phương áp dụng khác nhau trong giai đoạn chống dịch trước, phần nào gây ra tình trạng cục bộ, chia cắt, gây khó cho doanh nghiệp.
Theo nhận định của một số doanh nghiệp, Nghị quyết này giúp họ xác định được một cách rõ ràng hơn trạng thái hoạt động trong bối cảnh mới.
Với các tiêu chí cụ thể để phân loại 4 cấp độ dịch ở các tỉnh thành, Nghị quyết đã cho doanh nghiệp nắm được với cấp độ dịch nào thì doanh nghiệp thuộc ngành nào được hoạt động hay ngừng hoạt động và hoạt động hay ngừng hoạt động ở mức độ nào. Những quy định được thống nhất trên toàn quốc giúp tạo thuận lợi cho việc xác định và triển khai kế hoạch kinh doanh.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 128 ban hành quy định một số lĩnh vực được phép hoạt động ở cả 4 cấp độ, trong đó có sản xuất, xây dựng, thi công công trình, hay vận chuyển hàng hóa liên tỉnh. Doanh nghiệp cho rằng điều này sẽ giúp chủ động hơn trong tổ chức sản xuất, đặc biệt với các ngành sản xuất có đơn hàng tăng cao vào cuối năm.
Ngoài ra, Nghị quyết 128 được xây dựng dựa trên 3 tiêu chí cụ thể, hợp lý, có thể áp dụng chung cho cả nước, là: Số người bị nhiễm/100.000 dân/tuần, số người đã tiêm, khả năng thu dung điều trị... Do đó, để Nghị quyết 128 phát huy hiệu quả tốt nhất, thì phải triển khai thực hiện trên nguyên tắc vừa bảo đảm thống nhất, thông suốt trên toàn quốc, không chia cắt, tránh mỗi nơi làm một kiểu, vừa đồng thời phát huy được sự linh hoạt, chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương.
Tháo gỡ vướng mắc sau 20 ngày thực thi
Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành với mục tiêu thống nhất quan điểm, phương châm phòng, chống dịch theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt trên phạm vi cả nước, khắc phục những bất cập của nhiều địa phương thời gian qua. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn lo ngại tình trạng chính sách chung nhưng thực thi riêng. Ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, một số nơi vẫn còn áp dụng một cách máy móc, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Hiện nay các doanh nghiệp tại Hà Nội lưu thông bình thường, không gặp khó khăn gì, tuy nhiên còn có một số địa phương lân cận áp dụng tương đối máy móc. Ví dụ như nhiều doanh nghiệp thuộc Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội có trụ sở ở Hà Nội nhưng làm việc, nhà xưởng ở Hải Phòng, khi xuống nhà máy điều hành quản trị sản xuất kinh doanh thì gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển.
"Hiện Hải Phòng đã gỡ dần vấn đề này nhưng chúng tôi mong rằng Nghị quyết 128 sẽ là công cụ, giúp thông thoáng trong áp dụng văn bản quy phạm pháp luật từ trung ương xuống địa phương được đồng nhất.", ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nêu ba vướng mắc lớn cần giải quyết.
Thứ nhất, vẫn còn tình trạng các tỉnh thành áp dụng tương đối khác nhau về Nghị quyết này, đâu đó vẫn còn có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng hoặc chuỗi lao động vì thực tế có một số lao động muốn quay trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc nhưng qua tỉnh này, tỉnh kia thì lại có những yêu cầu khác nhau nên người lao động không quay trở về được doanh nghiệp ban đầu sản xuất kinh doanh, điều đó tiếp tục tạo ra sự tăng chi phí, thiếu lao động cho doanh nghiệp.
Thứ 2, người dân đi lại thuận lợi hơn nhưng đâu đó vẫn còn rào cản vì quy định xét nghiệm, giãn cách vẫn còn tương đối khác nhau.
Thứ 3, qua khảo sát nhanh, về vướng mắc lớn nhất hiện nay là gì thì nhiều doanh nghiệp đều cho rằng còn 4 thứ. Đó là thiếu lao động, vì đa số doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử ở các tỉnh phía Nam, TP Hồ Chí Minh vẫn thiếu lao động trầm trọng, mới có 30 - 50% quay trở lại làm việc trong khi đó đơn hàng không thiếu.
Cùng với đó, mô hình áp dụng tại các địa phương hiện nay vẫn khác nhau, có nơi yêu cầu 3 tại chỗ, có nơi yêu cầu 1 cung đường 2 điểm đến, có doanh nghiệp thích nghi tốt, phù hợp nhưng cũng có những doanh nghiệp thấy thiếu phù hợp.
Đặc biệt, nguyên vật liệu đầu vào thời gian qua tăng rất nhiều, cả giá xăng dầu… đều khiến tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Về tài chính, dòng tiền, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ cho phép thực hiện những gói hỗ trợ thời gian vừa qua khẩn trương hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn vì nay còn một số gói hỗ trợ triển khai tương đối chậm. Ví dụ như gói cho vay trả lương lãi suất 0% đến tháng 9 vừa qua mới giải ngân được khoảng 450 tỷ, chiếm 6% là rất chậm.
Đồng thời, doanh nghiệp và người dân cũng mong muốn có gói hỗ trợ lớn hơn để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay phải tập trung khôi phục sản xuất kinh doanh.
Có thể nói, nhiều doanh nghiệp cũng kỳ vọng việc thực thi Nghị quyết 128 sẽ đồng bộ hóa quan điểm phòng, chống dịch, không gây ách tắc, lưu thông, đi lại của người dân, doanh nghiệp. Việc thay đổi nhận thức và hành động đồng bộ giữa các tỉnh, thành phố và xuyên suốt từ chỉ đạo của Trung ương sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội những tháng cuối năm để “về đích” các chỉ tiêu kinh tế.
Tuy nhiên, để Nghị quyết đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành nhanh chóng ban hành các hướng dẫn cụ thể để các tỉnh, thành phố căn cứ áp dụng cho đồng bộ, thay vì mỗi nơi ban hành chính sách kiểm soát một kiểu; trong đó, quan trọng nhất là hướng dẫn xử lý vấn đề y tế và giao thông vận tải sao cho xuyên suốt, thống nhất.
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.