Tại buổi thảo luận về Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020, nhiều ĐBQH cho rằng cần sửa đổi, điều chỉnh theo hướng người dân thuộc khu vực I theo Quyết định 861/QĐ-TTg tiếp tục được hưởng chính sách BHYT.
Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4/6/2021 về việc Phê duyệt danh sách các xã thuộc khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Tại Điều 3 của Quyết định nêu rõ, các xã thuộc khu vực III, khu vực II đã được phê duyệt tại Quyết định nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II.
Có ý kiến về vấn đề này, ĐBQH Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho biết, Quyết định đã tác động lớn tới thực hiện chính sách BHYT cho người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh. Những xã về đích nông thôn mới, người dân không được hưởng chính sách hỗ trợ kinh phí mua BHYT.
Nhấn mạnh về vấn đề này, đại biểu tỉnh Hòa Bình cho rằng: "Thực tế hiện nay, tại các xã đã về đích nông thôn mới đối tượng nghèo còn rất nhiều, họ không thể tự bỏ tiền để mua BHYT. Điều này sẽ tác động và ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân ở các tỉnh miền núi. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ xem xét và cho kéo dài thời gian thực hiện chính sách BHYT cho đối tượng này đến hết năm 2021".
ĐBQH Phạm Đình Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum nêu quan điểm, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861 số người được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT theo quy định của Luật BHYT đã giảm với số lượng tương đối lớn.
Đại biểu Thanh dẫn thông tin từ BHXH Việt Nam, kể từ tháng 8/2021 cả nước có khoảng 4 triệu người không còn được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ về BHYT. Qua quá trình khảo sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho thấy, trong số những người không còn được Nhà nước hỗ trợ về BHYT có nhiều trường hợp có hoàn cảnh rất khó khăn, không có khả năng để tự mua BHYT cho cá nhân và hộ gia đình. Đặc biệt, những trường hợp này chủ yếu rơi vào người đồng bào dân tộc thiểu số, riêng tỉnh Kon Tum trong số 51.863 người không còn được Nhà nước hỗ trợ về BHYT thì có đến 49.356 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ trên 95%.
Từ thực tế trên, đại biểu Phạm Đình Thanh kiến nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm rà soát, đánh giá đúng thực trạng tình hình để kịp thời ban hành các chính sách phù hợp, nhằm tiếp tục hỗ trợ về BHYT cho những người dân còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, không có khả năng tự mua BHYT để giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giảm bớt gánh nặng về tài chính và cũng là góp phần tăng tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT, để đến năm 2025 có 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT theo mục tiêu mà Nghị quyết số 88 Quốc hội khóa XIV đã đề ra.
ĐBQH Đoàn Thị Lê An – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh, thực hiện Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cao Bằng có 33 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I, tăng 22 xã, phường, thị trấn, trong đó có 6 xã, thị trấn khu vực biên giới so với giai đoạn 2016-2020. Theo đó, có trên 41.800 người dân các dân tộc thiểu số không còn thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT.
Qua một thời gian triển khai tuyên truyền, vận động thì đến thời điểm hiện tại mới có 24.600 người tiếp tục tham gia BHYT, còn trên 17.000 người dân tộc thiểu số không có đủ điều kiện để tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, nhiều người dân tự đóng BHYT theo hộ gia đình nhưng cũng chỉ có khả năng đăng ký tham gia 3 tháng dẫn đến tham gia không bền vững. Bởi vì, đại đa số người dân tộc thiểu số làm nông nghiệp, thu nhập thấp và không ổn định, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, số lượng người dân tộc thiểu số không có điều kiện để tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHYT sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế của gia đình, nguy cơ dẫn đến phát sinh hộ nghèo và tái nghèo cao.