Hà Nội

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp TP.HCM dần phục hồi nhờ nới lỏng giãn cách

01-11-2021 13:00 | Doanh nghiệp
google news

SKĐS - Sau khi nới lỏng giãn cách, một số hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động lại theo phương châm "An toàn là trên hết", "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn" và cùng với sự nỗ lực của TP, tình hình KT-XH tháng 10 đã được cải thiện đáng kể.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ở TP.HCM tháng 10 tăng 23,6%

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp TP.HCM dần phục hồi nhờ nới lỏng giãn cách - Ảnh 1.

Sau dịch bệnh, rất nhiều doanh nghiệp tại TPHCM hoạt động trở lại. Ảnh minh hoạ


Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021 của Cục Thống kê TPHCM cho thấy, sau khi TP nới lỏng giãn cách, một số hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động lại theo phương châm "An toàn là trên hết", "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn". Với sự nỗ lực của TP, tình hình KT-XH tháng 10 đã được cải thiện đáng kể.

Trong đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2021 ước tính tăng 23,6% so với tháng 9/2021, tính chung 10 tháng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn TP giảm 16,0% so với cùng kỳ năm trước.

Các ngành công nghiệp chủ yếu có chỉ số công nghiệp giảm mạnh như: sản xuất đồ uống giảm 30,1%, sản xuất trang phục giảm 29,4%%, sản xuất da và sản phẩm có liên quan giảm 20,2%; sản xuất sản phẩm điện tử giảm 19,3%; sản phẩm sản xuất từ khoáng kim loại giảm 15,1%.

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 ngành công nghiệp trọng điểm 10 tháng năm 2021 giảm 13%, các ngành công nghiệp truyền thống giảm 24,8%.

Chỉ số tiêu thị toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10 ước tính tăng 19,7% so với tháng 9/2021 và giảm 46,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trên lĩnh vực nông – lâm nghiệp, thủy sản, TP đã đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ về giống; áp dụng công nghệ, tư vấn và hỗ trợ cải tiến kỹ thuật, đặc biệt đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất hoa lan; phát triển giống cây, giống con chất lượng cao; cùng với các biện pháp phòng chống dịch và từng bước phục hồi kinh tế trên địa bàn, ngành nông nghiệp TP cũng dần khôi phục sản xuất trong trạng thái bình thường mới.

Tổng diện tích gieo trồng vụ Hè Thu đạt 12.166,3 ha, tăng 1,7% (tương đương 198,9 ha) so với cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo trồng lúa vụ Hè Thu năm 2021 tương đối ổn định do chỉ giảm 0,5% diện tích so với cùng kỳ. Về rau các loại, diện tích gieo trồng đạt 2.278,2 ha, giảm 3,5% sản lượng, giảm 4,3% so với cùng kỳ.

Tình hình chăn nuôi tháng 10 ước tăng hơn so với tháng trước, tuy nhiên vẫn giảm hơn so với cùng kỳ, trong đó tổng đàn gia súc ước đạt 107.861 con, tăng 0,42% so với tháng trước nhưng vẫn giảm khá sâu so với cùng kỳ.

Tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn TP hiện nay là 36.770 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 17,55%.

Lũy kế 10 tháng năm 2021, sản lượng thủy sản ước thực hiện 42.877 tấn, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng thủy sản khai thác 10 tháng ước thực hiện 12.192 tấn, giảm 14,2%; sản lượng thủy sản nuôi trồng 10 tháng ước đạt 30.685 tấn, giảm 9,1%.

Trên lĩnh vực vốn đầu tư, trong tháng 10, vốn đầu tư từ ngân sách TP và Trung ương phân bổ về địa phương ước thực hiện 1.125 tỷ đồng; 10 tháng ước thực hiện 14.887 tỷ đồng, giảm 46,5% so với cùng kỳ, đạt 41,6% kế hoạch năm.

Từ ngày 01/01/2021 đến 15/10/2021, TP đã cấp phép cho 23.847 doanh nghiệp với tổng số đăng ký 392.624 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số giấy phép giảm 28,1% và vốn giảm 47%.

Trên lĩnh vực nội thương, bước sang tháng 10, hoạt động thương mại dịch vụ bắt đầu nhộn nhịp trở lại sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, đây là thời điểm gần cuối năm, nhu cầu mua sắm, chi tiêu của người dân cũng thường tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 dự ước đạt 43.602 tỷ đồng, tăng 27% so với tháng trước và giảm 52,3% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2021 giảm 0,41% so với tháng trước, tăng 2,02% so với tháng cùng kỳ năm trước và bình quân 10 tháng năm 2021 tăng 2,52% so với bình quân năm 2020. So với tháng trước có 04 nhóm chỉ số giá giảm gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; bưu chính viễn thông. Các nhóm hàng còn lại đều tăng so tháng trước, tăng cao nhất là nhóm giao thông (+2,14%).

Về xuất – nhập khẩu hàng hóa, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của TP vẫn đạt được mức tăng trưởng dương. Trong 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của TP tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực ngoài nhà nước được xem là động lực chính trong tăng trưởng xuất, nhập khẩu của TP với kim ngạch xuất khẩu tăng 1,6% và nhập khẩu tăng 1,0% so với cùng kỳ.

Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến thu ngân nhà nước trên địa bàn TP, tuy nhiên tổng thu cân đối ngân sách 10 tháng đầu năm 2021 ước tăng 7,3% so với cùng kỳ, không kể nguồn thu từ quỹ dự trữ tài chính thì tổng thu ngân sách ước tăng 4,6% so với cùng kỳ. Kết quả này đạt do kết quả kinh doanh khả quan từ các doanh nghiệp trong khối kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng và tác động từ chính sách gia hạn thời gian nộp thuế theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP góp phần làm tăng tổng thu ngân sách trong 06 tháng đầu năm 2021.

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn TP lũy kế 10 tháng đầu năm 2021 ước thực hiện 311.895 tỷ đồng, đạt 85,5% dự toán và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng chi ngân sách địa phương (chưa tính tạm ứng) lũy kế 10 tháng đầu năm 2021 ước thực hiện 58.312 tỷ đồng, đạt 60,1% dự toán và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện 56.409 tỷ đồng, đạt 60,8% dự toán, chiếm 96,7% tổng chi ngân sách địa phương và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình trật tự an toàn xã hội, quốc phòng – an ninh cơ bản được đảm bảo. Trong tháng 10, TP đã giải quyết việc làm cho 25.995 lượt lao động; số việc làm mới tạo ra là 14.121 chỗ việc làm. Lũy kế từ đầu năm đến nay đã giải quyết việc làm cho 203.432 lượt đạt 67,8% kế hoạch năm, 95.703 chỗ việc làm mới, đạt 68,36% so với kế hoạch năm.

"Hồi sinh" nhờ kiểm soát dịch tốt, nới lỏng giãn cách

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp TP.HCM dần phục hồi nhờ nới lỏng giãn cách - Ảnh 2.

Đường phố TP Hồ Chí Minh sau khi nới lỏng giãn cách xã hội.

Sau gần 5 tháng thực hiện giãn cách xã hội, đến nay tình hình dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh cơ bản đã được kiểm soát. Từ ngày 1/10, TP Hồ Chí Minh bắt đầu vào giai đoạn bình thường mới, vừa thực hiện đồng thời công tác phòng, chống dịch vừa từng bước phục hồi kinh tế. IPP của TP Hồ Chí Minh ttháng 10/2021 đã có sự khởi sắc và cải thiện do cơ bản kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, do thời gian giãn cách kéo dài, đặt biệt chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy và tình trạng thiếu hụt lao động khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tái phục hồi sản xuất.

Trong Hội thảo khoa học "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025" do UBND thành phố tổ chức, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng, phục hồi và phát triển KTXH chỉ có thể thực hiện được khi làm tốt công tác phòng chống dịch.

Theo PGS TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, ngành Công Thương, cần phối hợp với các địa phương để tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, kết nối giao thông thuận lợi nhất, giảm bớt sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, đứt gãy nguồn lao động…"Các bộ, ngành cần đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp sản xuất cũng như nắm bắt cơ hội xuất khẩu; có các chính sách thúc đẩy cầu hàng hóa tăng, từ đó tạo cơ hội để doanh nghiệp hồi phục trong những tháng cuối năm này", ông Trần Hoàng Ngân phân tích.

Hiện nay, quan hệ chuỗi cung ứng hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nhân tố quan trọng cho phát triển kinh tế toàn vùng nhưng đã bị đứt gãy nghiêm trọng. Vì vậy, các địa phương cần chủ động phối hợp với nhau để khai thông các tuyến vận tải, logistics, chấm dứt tình trạng chia cắt theo ranh giới hành chính gây khó khăn cho DN và người lao động.

Theo các chuyên gia kinh tế, những chính sách, thủ tục hành chính của các địa phương đều phải cân nhắc ở cấp độ toàn vùng với mục tiêu phục hồi kinh tế gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh. Không vì chống dịch mà gây ra tình trạng "cát cứ", làm ảnh hưởng đến kinh tế toàn vùng. TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận phải từng bước phục hồi nguồn cung lao động cho các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Các địa phương cũng cần hỗ trợ cho ngành y tế, nâng cấp trang thiết bị, hỗ trợ vốn vay, tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ phục hồi sản xuất.

Những ngày qua, việc nhiều người lao động ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung-Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ trở lại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam làm việc là một tín hiệu đáng mừng. Các địa phương và doanh nghiệp cần phải có kế hoạch đón người lao động thật chặt chẽ và đưa ra những chủ trương, chính sách đúng đắn để giữ chân người lao động như: Bố trí nơi ăn nghỉ chu đáo; chăm lo y tế tận tình; bảo đảm an sinh tốt... Có như vậy, việc khôi phục và phát triển KTXH mới đạt hiệu quả cao.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Mời bạn đọc theo dõi video đang được quan tâm:

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19


Văn Tuấn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn