Đề nghị triệu tập giám định viên vụ xét xử phúc thẩm cựu Tổng giám đốc VEC

25-06-2024 11:59 | Pháp luật

SKĐS - Tại phiên tòa xét xử cựu Tổng giám đốc VEC và 9 bị cáo khác, các luật sư đề nghị triệu tập giám định viên, tuy nhiên HĐXX cho rằng việc vắng mặt của giám định viên không làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử phúc thẩm.

Sáng nay (25/6), TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm với 10 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 2). Trong đó, có ông Mai Tuấn Anh - Cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 2 ngày, do Thẩm phán Võ Hồng Sơn làm Chủ tọa. Đại diện Viện kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa là bà Lê Thị Thu Hà - Kiểm sát viên cao cấp.

Tại phiên tòa xét xử sáng nay, các luật sư đề nghị triệu tập giám định viên. Tuy nhiên, VKS và HĐXX nhận thấy trong hồ sơ vụ án có đầy đủ nội dung liên quan đến kết luận giám định, việc vắng mặt của giám định viên không làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử phúc thẩm. Do đó, phiên tòa xét xử phúc vẫn tiếp tục được xét xử.

Đề nghị triệu tập giám định viên vụ xét xử phúc thẩm cựu Tổng giám đốc VEC- Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử phúc thẩm sáng nay. Ảnh: M.H

10 bị cáo hầu tòa gồm: Mai Tuấn Anh (cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC); Trần Mạnh Hùng (nguyên Kỹ sư vật liệu Gói thầu A4 – A5 thuộc Văn phòng Tư vấn giám sát Dự án Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi); Nguyễn Văn Thuật (nguyên Giám đốc Ban điều hành liên danh của nhà thầu thi công Gói thầu A1, Dự án Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi) và 7 bị cáo khác.

Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Mai Tuấn Anh 42 tháng tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

21 bị cáo còn lại bị tuyên phạt mức án từ 30 tháng tù đến 6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo nhận định của HĐXX cấp sơ thẩm, các bị cáo là lãnh đạo thuộc chủ đầu tư dự án, Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát đã có nhiều sai phạm dẫn đến công trình không đảm bảo chất lượng.

HĐXX nhận thấy hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước. Việc đưa bị cáo ra xét xử và có hình phạt tương xứng là cần thiết.

Sau phiên sơ thẩm, có 10 bị cáo làm đơn kháng cáo. Trong đó có một số người xin giảm nhẹ hình phạt, một số khác xin hưởng án treo.

Theo bản án sơ thẩm, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, do Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài gần 140km.

Trong đó, giai đoạn 1 dài 65km từ thành phố Đà Nẵng tới thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), thông xe tháng 8/2017, gồm 8 gói thầu. Giai đoạn 2 dài hơn 74km, từ Tam Kỳ đến thành phố Quảng Ngãi, thông xe tháng 9/2018, gồm 5 gói thầu.

Nhưng khi vừa đi vào sử dụng, đường cao tốc đã xuất hiện nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, an toàn giao thông. Các vi phạm tại giai đoạn 1 (dài 65km) đã được xử lý với 36 bị cáo. Giai đoạn 2 của vụ án, có 22 bị cáo bị đưa ra xét xử.

Xem thêm video được quan tâm:

Hàng nghìn bị hại đổ về phiên tòa xét xử Chủ tịch Tân Hoàng Minh và con trai | SKĐS


Minh Ngọc
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn