Trao đổi với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống ngày 7/8, ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh văn phòng Bộ GTVT cho biết, sau khi nhận được phản ánh của báo chí và người dân về việc Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quy định xe đi vào 4 tuyến cao tốc do đơn vị này quản lý phải có đủ số dư trong tài khoản thu phí không dừng (ETC) tối thiểu là 50% mức phí chặng dài nhất của xe loại 1 (xe dưới 9 chỗ), Bộ GTVT đã có ý kiến và đề nghị VEC có giải pháp khác để đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng.
Đến ngày hôm qua (6/8), VEC đã có thông báo huỷ bỏ quy định bắt buộc tài xế phải duy trì số dư tài khoản bằng 50% mức phí của chặng dài nhất.
VEC khuyến cáo trước khi tham gia giao thông vào đường cao tốc, chủ phương tiện/người điều khiển phương tiện cần kiểm tra số dư trong tài khoản ETC để đảm bảo đủ thanh toán cho chiều dài quãng đường phương tiện di chuyển.
"Các đơn vị vận hành đã phối hợp với các Nhà cung cấp dịch vụ và các lực lượng chức năng có liên quan (Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông, Công an địa phương…) để tổ chức thu phí ETC, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, đảm bảo giao thông tại trạm thu phí được thông suốt.
Trong 2 ngày cuối tuần đầu tiên triển khai ETC trên tất cả các tuyến cao tốc đã giảm được rất nhiều ùn tắc tại các đầu vào, điểm ra trạm thu phí. Theo lộ trình, giai đoạn 2 sẽ tiến hành bỏ barie; giai đoạn 3 bỏ cả barie và trạm thu phí để đồng bộ, xuyên suốt hệ thống không dừng", Phó Chánh văn phòng Bộ GTVT chia sẻ.
Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị) cũng cho biết, để xử lý, răn đe, loại trừ hành vi xe đi vào đường cao tốc không đủ tiền trong tài khoản để thanh toán thì Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP nêu rõ: Xe đi vào cao tốc không đủ tài khoản để thanh toán bị xử phạt 2 đến 4 triệu đồng, tước bằng lái từ 2 đến 3 tháng.
"Như vậy pháp luật đã điều chỉnh hành vi này và đặt ra những quy định phù hợp để xử lý. Việc VEC tự đặt ra yêu cầu hạn mức bắt buộc phải có trong tài khoản của xe đi vào cao tốc là đưa ra các quy định cao, ngặt nghèo hơn pháp luật hiện hành, làm sai quy định của Nhà nước. Rất mừng là VEC đã nhanh chóng có sự điều chỉnh để giải quyết sự bức xúc của người dân", Luật sư Quách Thành Lực nói.
Theo Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị, ETC ở các nước đã làm nhiều rồi, thậm chí các nước tiên tiến ô tô đi qua trạm thu phí chạy 80km/h vẫn không ảnh hưởng gì cả. Còn ở Việt Nam ngoài lỗi chưa dán thẻ, nạp thiếu tiền của người dân thì vẫn còn tình trạng thiết bị ETC yếu kém, chậm nhận diện biển số, không hoạt động tốt theo yêu cầu…
"Bên cạnh việc tuyên truyền đến người dân chấp hành đầy đủ nghĩa vụ khi tham gia vào các tuyến cao tốc có thu phí không dừng thì cơ quan quản lý và các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng nên học tập các quốc gia đang triển khai tốt để đạt hiệu quả chung", Luật sư Quách Thành Lực bày tỏ.
Dán thẻ ETC sẽ mất phí 120.000 đồng
Từ ngày 6/8, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC kết thúc chương trình miễn phí dán thẻ ETC lần đầu cho khách hàng và bắt đầu thu phí với mức 120.000 đồng/lần.
Trước đó, Công ty Cổ phần giao thông số Việt Nam - VDTC cũng đã ngưng dán thẻ miễn phí cho khách hàng kể từ ngày 25/7. Đây là 2 đơn vị đang cung cấp dịch vụ thu phí ETC tại Việt Nam. Cả 2 cùng đưa ra mức phí dán thẻ lần đầu là 120.000 đồng. Nếu thẻ bị hỏng hoặc khách hàng có nhu cầu dán lại thẻ định danh trên xe, mức phí là 120.000 đồng/lần.