Lì xì là phong tục quen thuộc không thể thiếu trong những ngày Tết đến, xuân về. Trong khoảnh khắc của ngày đầu năm mới, mọi người trong gia đình thường tặng nhau những phong bao lì xì đỏ thắm kèm với nhiều lời cầu chúc cho người được lì xì một năm mới mạnh khỏe, an lành, hạnh phúc…
Trước đây, lì xì chỉ mang ý nghĩa đem lại sự may mắn cho người được nhận. Nhưng đến thời điểm hiện tại, việc lì xì vào đầu năm mới lại có nhiều biến tướng, nhiều người chỉ quan tâm đến mệnh giá tiền được lì xì, nhất là đối với trẻ nhỏ. Chính vì vậy, đã có không ít tình huống "dở khóc dở cười" khiến phụ huynh phải "muối mặt" trước mọi người.
Như trường hợp của gia đình chị Trần Thị Hoa (Hà Nội) là một ví dụ. Tết năm vừa rồi (2022), đứa con trai 6 tuổi đã khiến vợ chồng chị một phen xấu hổ trước mặt nhiều đồng nghiệp của chồng.
"Mùng 3 Tết, đồng nghiệp của cơ quan chồng tôi đến chúc Tết khá đông, cũng phải gần chục người. Sau những lời chúc Tết vui vẻ đầu năm, mọi người quay ra mừng tuổi cho cu Bi nhà tôi. Ai nấy đều rất hào hứng và vui vẻ, kể cả cu Bi. Nhưng sau khi nhận bao lì xì của mọi người, cu Bi liền ngồi giữa nhà bóc từng phong bao lì lì rồi buông một loạt "nhận xét" như: Ôi giời ơi, mỗi 20 nghìn; Thế này mà cũng mừng tuổi làm gì, ít thế; May quá được 50 nghìn rồi…
Mọi người khi đó cũng cười ồ lên, nhưng ngay sau đó cả căn phòng đều rơi vào im lặng. Trời ơi! Lúc đó vợ chồng tôi không biết phải giấu mặt đi đâu, mà lại là đầu năm mới nên cũng chỉ bảo cu Bi đi vào trong phòng thôi. Ngay sau khi khách ra về, vợ chồng tôi mới "giáo huấn" con một trận", chị Hoa kể lại.
Chị Hoa cũng cho biết, trước đó chị đã nhiều lần thấy con bóc lì xì ra luôn trước mặt khách nhưng cũng không để ý lắm, nghĩ rằng không có gì nghiêm trọng. Nhưng lần này vì hành động của con trai, cả nhà chị đã nhận được một bài học lớn.
Không chỉ gia đình chị Hoa, thực tế có rất nhiều trường hợp trẻ nhận lì xì sai cách, thái độ không tốt. Thậm chí đòi lì xì thêm, đòi lì xì cho anh chị em của mình, hay khách đến mà không lì xì là tỏ thái độ, chê bai…
Vậy cha mẹ cần phải làm gì để tránh những sự việc tương tự? Cần dạy con cháu thế nào về tục lệ nhận lì xì để trẻ tiếp thu và hiểu đúng ý nghĩa của phong tục lì xì đầu năm? Chia sẻ dưới đây của Chuyên gia giáo dục – TS. Vũ Thu Hương với Báo Sức khỏe và Đời sống giải đáp cho độc giả vấn đề này.
Theo TS. Vũ Thu Hương, lì xì hay mừng tuổi là tục lệ có từ xa xưa xuất phát từ việc trẻ nhỏ và người già vốn có sức khỏe kém, mùa đông sẽ hay bị cảm lạnh, ho, sốt. Người Việt xưa quan niệm: một đồng tiền bằng bạc đặt dưới gối hoặc trong túi trẻ em và người già sẽ giúp họ tránh gió. Vì thế, phong tục tặng đồng bạc cho người già và trẻ nhỏ trong dịp Tết xuất hiện. Đó chính là nguồn gốc của tục lệ mừng tuổi hay lì xì.
Nhưng thái độ nhận lì xì của con trẻ cũng là một vấn đề cần bàn. Chúng ta cần làm các việc như sau:
Kể cho con nghe về tục lệ nhận lì xì
Trước Tết, khi chúng ta đang chuẩn bị đón xuân, các cha mẹ kể cho con nghe về tục lệ nhận lì xì. Câu chuyện như sau:
Ngày xưa, khi Tết đến, xuân về, ông Táo lên chầu trời, việc ở dưới trần không ai cai quản, bọn quỷ dữ thừa cơ hội gây ra nhiều tai họa. Đặc biệt là ở những nhà có các cháu nhỏ, khi cha mẹ mải mê lo việc sắm Tết, các cháu nhỏ thường bị quỷ dữ vào phá rối giấc ngủ, gây bệnh tật. Đã có cháu còn bị quỷ dữ cướp đi.
Thấy vậy, dân làng vô cùng lo lắng. Họ cầu xin Trời Phật giúp họ. Ông Phật xuống trần trong hình dáng của ông Bụt. Để tránh khỏi việc phá rối của quỷ dữ với mùa màng, ông bày cho người dân treo cây cột cao ở ngoài sân rồi ông vắt chiếc áo của ông trên đó. Bóng chiếc áo đổ xuống che khuất cả nhà, tránh được sự nhòm ngó của quỷ dữ. Đây chính là nguồn gốc của cây nêu.
Với trẻ nhỏ, ông cho bọn trẻ mỗi cháu một đồng xu nhỏ gói trong giấy đỏ đẹp và dặn gia đình đặt ở dưới gối khi cháu ngủ. Quỷ dữ xuống phá trẻ con sẽ bị ánh sáng của đồng tiền Phật làm cho chói mắt. Vì thế, chúng sợ mà bỏ chạy.
Sau này, mọi người lớn trong gia đình cũng làm theo Bụt, cứ đến Tết là tặng trẻ những đồng xu nhỏ để xua đuổi quỷ dữ.
Câu chuyện này sẽ giúp trẻ hiểu rõ ý nghĩa của tục lệ tặng lì xì. Đồng thời, trẻ cũng cần được dạy rằng: Không được tiêu những đồng tiền này. Đêm về, phải đặt các phong bao lì xì dưới gối để xua đuổi quỷ dữ.
Dạy con cách thưa gửi, chào hỏi khi khách đến nhà hoặc đi chúc Tết
Khi khách đến nhà hoặc cả nhà đi chúc Tết, trẻ nhỏ cần phải chào hỏi lễ phép và chúc Tết những người khách. Cha mẹ có thể dạy trước cho bé những câu chúc đơn giản, dễ học và phù hợp với hầu hết mọi người.
Dạy con cách cảm ơn khi nhận phong bao lì xì
Cha mẹ cần dạy trước con cách cảm ơn khi nhận phong bao lì xì. Nhưng câu cảm ơn lễ phép của trẻ sẽ khiến tất cả mọi người cảm thấy hài lòng.
Dạy con không xé phong bao lì xì khi đang ở trước mặt khách
Hành động xấu chắc chắn sẽ làm cho khách cảm thấy khó chịu. Cha mẹ có thể dặn con là những đồng tiền này dùng để xua đuổi quỷ dữ khi con ngủ. Vì thế, con tuyệt đối không được xé bọc lì xì ra. Con có thể gửi mẹ cầm giúp hoặc cha mẹ chuẩn bị cho con một chiếc túi nhỏ để đựng phong bao lì xì. Khi trở về nhà, con cần cho tất cả những phong bao đó vào trong một chiếc túi và đặt dưới gối ngủ của con.
Dạy con sử dụng tiền lì xì hợp lý sau Tết
Khi Tết đã thực sự kết thúc, thường là lúc hạ cây nêu hoặc gia đình làm lễ hóa vàng, các cha mẹ cần giúp con mở chiếc túi đựng lì xì ra và thu gom số tiền lì xì được nhận. Nếu các con đã đến tuổi sử dụng tiền (thường là lớp 3 trở lên), cha mẹ cần dạy con cách sử dụng hợp lý số tiền lì xì đó.
Cách thức đơn giản là yêu cầu con lên kế hoạch sử dụng số tiền đó, tham khảo trước giá cả, lập bảng chi phí cụ thể. Sau khi bố mẹ đã kiểm tra về tính hữu ích, mức giá tiền hợp lý, cách mua đồ, cách sử dụng…. mà thấy phù hợp thì có thể cho con chi tiêu số tiền đó. Cha mẹ có thể đưa con đi đến cửa hàng, cho con tự chọn đồ và tự trả tiền. Việc này sẽ giúp con hiểu thêm về giá trị đồng tiền và cách sử dụng.