Lì xì bằng sách: Cần nhân rộng và duy trì

09-02-2018 14:14 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tết đến, nhiều bậc phụ huynh hoặc người lớn tuổi thường lì xì (mừng tuổi) con, cháu bằng những phong bao là tiền, mong muốn các em nhỏ luôn gặp may mắn, chăm ngoan, nhiều sức khỏe, học giỏi...

Tuy nhiên, những năm gần đây, khi đời sống vật chất của con người khá hơn, tục mừng tuổi bằng tiền đã có những biến tướng, vì thế việc lì xì bằng sách thời gian gần đây được nhiều người ủng hộ.

Trong văn hóa của người Việt, mừng tuổi trong ngày Tết thể hiện sự quan tâm, chúc phúc của ông bà, cha mẹ, anh chị đối với con cháu, người lớn đối với trẻ con, với hàm nghĩa mong các em nhỏ mạnh khỏe, tiến bộ. Theo GS. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, quà mừng tuổi ngày Tết thuở trước là một ít tiền, đồng xu, bánh trái... có thể đưa trực tiếp hoặc bỏ trong phong bao lì xì, giá trị chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Con cháu cũng bày tỏ sự kính trọng, tri ân đối với ông bà, cha mẹ... bằng quà mừng tuổi, cầu chúc sức khỏe, trường thọ. Tuy nhiên, GS. Ngô Đức Thịnh cho rằng, ngày nay, quan niệm về mừng tuổi nhiều nơi, nhiều lúc bị biến tướng trở thành dịp để biếu xén, để phong bì, để lại quả. Điều này đã khiến nét đẹp mừng tuổi bị méo mó, thực dụng.

Lì xì bằng sáchAnh Nguyễn Quang Thạch (bên trái) nhiều năm qua mừng tuổi sách cho các em nhỏ khi Tết đến xuân về.         Ảnh: infornet

Nhưng điều đáng mừng trong vài năm trở lại đây, phong trào lì xì bằng sách cho các em nhỏ trong những ngày Tết đã diễn ra và được dư luận quan tâm, ủng hộ. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng, mừng tuổi đầu năm bằng sách là hành động hay và rất có ý nghĩa, là một nét đẹp văn hóa cần được phổ biến. Sách cũng là sản phẩm “của đời in ra” nhưng khác với tiền, sách in ra để đọc, để bồi dưỡng tâm hồn và khám phá tri thức chứ không phải dùng làm công cụ thanh toán. Và khi được tặng một cuốn sách, chắc chắn không đứa trẻ nào bắt gặp trong đầu mình ý nghĩ lật xem giá bìa để bình phẩm “bác này rộng rãi, dì kia keo kiệt” như lúc nôn nóng mở “hồng bao”. Thật tuyệt vời nếu ngày đầu năm mới, vừa nhìn thấy cô chú, cậu mợ hay bạn của bố mẹ đến nhà, trẻ con ùa ra, nhao nhao “Sách của con đâu?” thay vì “Tiền lì xì của con đâu?” - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.

Trong khoảng 3 năm nay, anh Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng Chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam đã tặng sách ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Huế trong đêm giao thừa và trong năm mới cũng như tặng sách đầu xuân cho các trường học ở Thái Bình. Điều đặc biệt, khi anh Thạch mừng tuổi các em nhỏ bằng sách, người nhận rất vui vẻ và bày tỏ niềm vui, sự phấn khởi. Dù mừng tuổi sách chưa phát triển thành một phong trào rộng khắp cả nước, nhưng hành động mừng tuổi bằng sách của anh Thạch thời gian qua đã góp phần thay đổi nhận thức của nhiều người lớn. Nhiều năm qua, anh Thạch tiến hành việc mừng tuổi sách cho trẻ em tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội), từ đó đến nay công việc này vẫn được duy trì và nhân rộng ở các tỉnh thành trên cả nước vào mỗi thời khắc giao thừa của Tết Nguyên đán và Tết Dương lịch tại các điểm vui chơi công cộng. Tại một số sự kiện về sách ở nước ta thời gian qua, nhiều nghệ sĩ cũng đã chọn hình thức mừng tuổi hoặc được lì xì bằng sách thay vì tiền. Diễn viên Hồng Ánh từng mua những cuốn sách về tình người, về danh nhân, sách thiền... để tặng ông bà, cha mẹ. Đạo diễn Lê Hoàng thì mong muốn mọi người đừng tặng tiền mà hãy gửi sách vì hễ đọc thì đạo diễn này lại biết ơn người tặng.

Theo ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục IRED, một cái Tết đọc sách có thể là điểm khởi đầu mới cho một trào lưu xây dựng văn hóa đọc của người Việt. Một ngày đọc sách sẽ là điểm tiếp nối việc tạo dựng một bản sắc mới cho nền văn hóa dân tộc, sẽ là điểm khởi đầu cho một nền tri thức mới của nước nhà. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, mừng tuổi bằng sách sẽ gieo mầm tri thức cho con em mình. Bằng việc làm này, người lớn sẽ có cơ hội tìm hiểu sở thích của trẻ nhỏ, qua đó sẽ giúp người lớn hiểu rõ hơn về trẻ con, cha mẹ cũng sẽ gần gũi con cái nhiều hơn. Bên cạnh đó, không chỉ mong muốn đem tới vận may, lì xì bằng sách còn trao cho người nhận những quyển sách họ đang cần, điều này càng làm cho món quà đầu năm thêm ý nghĩa.

Một quyển sách phù hợp kèm lời chúc mong muốn của người nhận trong năm mới trở thành hiện thực sẽ là món quà đầu năm đáng trân trọng và nhiều ý nghĩa, vừa tiết kiệm, vừa chân thành nhưng lại là đòn bẩy để thúc đẩy, làm sống dậy phong trào văn hóa đọc trong toàn xã hội. Đây chắc chắn là việc làm cần nhân rộng, duy trì để sự biến tướng trong việc mừng tuổi bằng tiền đã, đang có dấu hiệu biến tướng làm mất đi ý nghĩa văn hóa truyền thống vốn có.


Tống Mai
Ý kiến của bạn