Tổng quan u dây thần kinh morton
Bệnh u dây thần kinh morton được mô tả lần đầu năm 1876. Thực tế đây không phải là một loại u thần kinh thật sự. Nó là kết quả của quá trình xơ hóa, thoái hóa của các tổ chức xung quanh dây thần kinh bàn chân. Do đặc điểm cấu trúc dây thần kinh bắt ngang dưới các dây chằng liên đốt bàn chân nên khi ngón chân gập duỗi lặp đi lặp lại thì dây thần kinh bàn chân sẽ bị chèn ép gây nên triệu chứng đau.
Hay nói một cách dễ hiểu hơn là u thần kinh morton không thực sự là một khối u, mà là sự dày lên của mô bao quanh dây thần kinh chi phối các ngón chân.
U thần kinh morton hay gặp ở giữa ngón chân thứ 3 và thứ 4, thường là do kích thích, chấn thương hoặc áp lực quá mức. Các nghiên cứu cho thấy u dây thần kinh morton phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Và nếu người bệnh đi giày cao gót quá chật có thể làm tăng triệu chứng của bệnh lý này.
Các triệu chứng của u dây thần kinh morton
Do đặc điểm không thực sự là một khối u nên nếu mắc u dây thần kinh Morton người bệnh sẽ không nhìn thấy dấu hiệu bên ngoài nào, chẳng hạn như một khối u. Các triệu chứng thường thấy là đau rát ở bàn chân và lan vào các ngón chân. Cơn đau thường tăng lên khi hoạt động hoặc đi giày. Rất ít trường hợp cảm thấy có cơn nhức buốt vào ban đêm.
Ngoài ra người bệnh còn có thể bị tê ngón chân, hoặc cảm giác khó chịu ở ngón chân. Vận động viên điền kinh có thể cảm thấy đau khi bắt đầu chạy từ bàn đạp xuất phát. Ở những người phụ nữ công sở, giày cao gót cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Giày chật, hẹp cũng là một trong những "thủ phạm" gây ra tình trạng này do chèn ép xương ngón chân và chèn ép dây thần kinh.
Trên thực tế đa số người bệnh tới cơ sở y tế khám phàn nàn thường gặp là đau và tê ở vùng gan bàn chân ở vị trí ngón chân gần với u.
Các mô tả của người bệnh mắc u dây thần kinh morton là cơn đau như cảm giác sắt nhọn, bỏng rát, tương tự cảm giác như bị chuột rút. Tê thường sẽ diễn ra cùng với cơn đau. Đau thường diễn ra không liên tục mà thành từng đợt. Mỗi đợt kéo dài từ vài phút đến hàng giờ đồng hồ. Mỗi đợt có thể cách nhau vài tuần đến vài tháng. Một số người bệnh có thể mô tả cảm giác như đi trên đá hoa cương.
Để chẩn đoán bệnh ngoài việc khám lâm sàng các bác sĩ sẽ sờ thấy một khối hoặc tiếng kêu "lách cách" giữa các xương. Khi đó, bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ hơn để tìm nguyên nhân gây ra cơn đau. Để loại trừ viêm khớp hoặc có phải mắc viêm khớp hay không thì các bác sĩ sẽ kiểm tra biên độ gấp duỗi khớp để xác định.
Chỉ định chụp X-quang cũng có thể được yêu cầu để loại trừ gãy xương do mỏi hoặc viêm khớp của các khớp nối từ ngón chân đến bàn chân.
Siêu âm và chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng có giá trị gần như nhau trong phát hiện u dây thần kinh morton.
Cần làm gì khi mắc u dây thần kinh morton?
Để điều trị u dây thần kinh morton chủ yếu bằng phương pháp bảo tồn bằng các loại thuốc có tác dụng giảm đau và điều trị riêng biệt.
Ngoài ra, người bệnh cần tập vật lý trị liệu cùng thay đổi lối sống khoa học nhằm giảm các triệu chứng của bệnh. Một số cách như xoa bóp, chườm lạnh, dùng sóng siêu âm lên vùng đau… giúp giảm những cơn đau đáng kể.
Người bệnh cần thay đổi thói quen đi giày dép: Tránh đi giày cao gót hoặc giày chật, và đi giày rộng hơn với gót thấp hơn và đế mềm. Điều này giúp xương có thêm nhiều không gian và có thể giảm áp lực lên dây thần kinh, giúp nó có thời gian để chữa lành.
Một số trường hợp các bác sĩ chỉ định mang đế chỉnh hình, miếng lót chỉnh hình được chỉ định bởi bác sĩ cũng giúp giảm kích ứng bằng cách nâng và tách xương, giảm áp lực lên dây thần kinh. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc cùng lúc mang giày rộng rãi hơn, thoải mái hơn, tiêm thuốc chống viêm không steroid, mang đế giày chỉnh hình và tiêm cortisone giúp giảm bớt triệu chứng ở hơn 80% những người bị u thần kinh morton. Phẫu thuật được xem xét khi điều trị bảo tồn không hiệu quả.
Tóm lại, u dây thần kinh morton không phải là một u thần kinh thật sự. Khi xác định được nguyên nhân và điều trị hợp lý với việc thay đổi hoạt động, thay đổi giày phù hợp. Các triệu chứng do bệnh lý này gây ra sẽ hồi phục tốt. Vì vậy, khi thấy có biểu hiện nghi ngờ người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Mời độc giả xem thêm video:
Người Có Thẻ BHYT Không Phải Trả Tiền Khi Khám Chữa Bệnh Dưới 270.000 Đồng