Hà Nội

Đi bơi, trẻ có bị lây bệnh tay chân miệng không?

24-06-2023 12:38 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Số ca bệnh tay chân miệng tại TP.HCM đang gia tăng, khiến nhiều gia đình có con nhỏ rất lo lắng. Trong mùa hè nóng bức, điều khiến các bậc cha mẹ băn khoăn là trẻ đi bơi liệu có thể bị lây bệnh không?

Dấu hiệu nhận biết sớm trẻ mắc bệnh tay chân miệngDấu hiệu nhận biết sớm trẻ mắc bệnh tay chân miệng

SKĐS - Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, thường gặp nhất từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9-12. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, trẻ lớn ít gặp hơn.

Bệnh tay chân miệng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp... dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm, theo dõi và điều trị kịp thời. Vì vậy, việc nhận biết sớm trẻ mắc bệnh tay chân miệng là vô cùng quan trọng.

Con đường lây truyền của bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là do virus thuộc nhóm Enterovirus gây nên. Enterovirus (EV) gồm nhóm: Poliovirus, Coxsackie và Echovirus. Do có nhiều nhóm virus nên mỗi lần nhiễm bệnh cơ thể người chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định. Điều đó có nghĩa trẻ em có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần, nếu bị nhiễm virus khác thuộc nhóm Enterovirus.

Bệnh do virus nên rất dễ lây lan bởi virus trong dịch tiết từ cơ thể trẻ nhiễm bệnh, thông qua tiếp xúc hoặc qua môi trường xâm nhập vào cơ thể các trẻ khỏe mạnh.

Virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan rất nhanh, truyền trực tiếp từ người sang người, thông qua đường miệng, qua các chất tiết từ mũi, miệng, phân hay nước bọt của trẻ bệnh.

Người mắc bệnh có khả năng phát tán virus gây bệnh trong tuần đầu tiên (giai đoạn ủ bệnh). Tuy nhiên, thời gian lây nhiễm lại có thể kéo dài trong vài tuần, vì virus vẫn còn tồn tại nhiều trong phân và nước bọt của bệnh nhân.

Đi bơi trẻ có bị lây bệnh tay chân miệng không? - Ảnh 2.

Bệnh tay chân miệng là do virus thuộc nhóm Enterovirus gây nên.

‎Các đường lây truyền virus gây bệnh tay chân miệng chủ yếu là:

  • Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh.
  • Trẻ hít, nuốt phải các dịch tiết, nước bọt người bệnh khi ăn uống chung, ho, hắt hơi, nói chuyện.
  • Trẻ tiếp xúc trực tiếp với dịch của mụn nước, bọng nước, phân của người bệnh.
  • Trẻ cầm nắm đồ chơi, chạm vào các vật dụng của trẻ mắc bệnh tay chân miệng.
  • Trẻ có thể lây qua bàn tay người chăm sóc trẻ.

Như vậy, trên thực tế trẻ em bơi ở bể công cộng vẫn có khả năng lây bệnh tay chân miệng nếu có nguồn lây. Ở bể bơi môi trường nước thường đã được pha dung dịch khử trùng, tuy nhiên vẫn khó đảm bảo có thể diệt hết được các vi khuẩn gây hại.

Nếu trẻ mắc bệnh tay chân miệng trong quá trình vận động, bơi lội có thể khiến các vết phồng trên da bị vỡ, bong tróc và phát tán mầm bệnh vào nước bể bơi hay trên các cầu trượt, tay vịn, ghế ngồi, tay nắm cửa phòng thay đồ… Ngoài ra, còn có nguồn lây của người chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng nếu tiếp xúc gần, bắt tay… Bởi vậy, việc lây nhiễm tay chân miệng có thể xảy ra.

Bệnh tay chân miệng ủ bệnh mấy ngày?

Sau bao nhiêu ngày thì trẻ sẽ có biểu hiện bị bệnh tay chân miệng nếu tiếp xúc với nguồn lây? Đây là điều khiến nhiều bậc cha mẹ quan tâm để theo dõi trẻ.

Bệnh tay chân miệng được xác định có 4 giai đoạn:

- Thời kỳ ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh. Theo đó, giai đoạn ủ bệnh kéo dài 3 - 6 ngày sau khi nhiễm virus.

- Thời kỳ khởi phát trẻ sẽ có biểu hiện:

  • Trẻ bị sốt, mệt mỏi, sốt nhẹ (37,5 - 38 độ C) hoặc bị sốt cao (38 - 39 độ C).
  • Trẻ đau họng.
  • Trẻ tổn thương, đau rát ở miệng.
  • Trẻ chảy nước bọt nhiều.
  • Trẻ biếng ăn.

Thời kỳ này kéo dài 1 - 2 ngày sau thời kỳ ủ bệnh tay chân miệng.

- Thời kỳ toàn phát: Ở thời kỳ này các biểu hiện tay chân miệng đã rõ, thường bắt đầu sau 1 - 2 ngày khởi phát bệnh. Trẻ sẽ có biểu hiện điển hình của bệnh như:

  • ‎Trẻ bị phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Các bóng nước có đường kính 2 - 10mm, màu xám, hình bầu dục.
  • Các ban có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da, sờ có cảm giác cộm, không đau, không ngứa.
  • ‎Trẻ loét miệng: Ở niêm mạc má, lợi và lưỡi của trẻ xuất hiện các bóng nước có đường kính 2 - 3mm, rất dễ vỡ. Khi vỡ tạo thành các vết loét khiến trẻ bị đau khi ăn, vì thế trẻ rất hay quấy khóc.
  • Dấu hiệu toàn thân nặng: Rối loạn tri giác, mê sảng, co giật, nôn, tay chân run rẩy, tim đập nhanh, khó thở, tím tái… Gia đình cần đưa trẻ nhập viện ngay lập tức.
Đi bơi trẻ có bị lây bệnh tay chân miệng không? - Ảnh 3.

Cho trẻ rửa tay bằng xà phòng thường xuyên để phòng ngừa bệnh tay chân miệng. Ảnh minh hoạ.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng?

Đa phần những trẻ mắc tay chân miệng ở mức độ nhẹ đều được cho theo dõi và chăm sóc tích cực tại nhà theo các nguyên tắc sau:

– Cha mẹ cần cách ly đúng cách: Trẻ mắc bệnh cần nghỉ học, không tham gia chơi với nhóm bạn ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh, để ngăn chặn sự lây nhiễm cho trẻ khác. Trong nhà có nhiều trẻ cùng chung sống thì nên cách ly tuyệt đối, khuyến khích trẻ bị bệnh không nên chơi chung với trẻ lành trong thời gian mắc bệnh, cần giám sát chặt chẽ các hoạt động thường nhật của trẻ bệnh.

– Trẻ mắc bệnh cũng như người chăm sóc cần mang khẩu trang y tế. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay bằng xà phòng và nước sạch ngay. Khuyến khích trẻ rửa tay sạch sẽ, đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước chảy để ngăn ngừa sự tái nhiễm qua đường tay - miệng. Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được tẩy trùng sạch sẽ bằng nước sôi trước khi giặt sạch bằng xà phòng.

– Vật dụng cá nhân, cốc, thìa, bát... nên được vệ sinh bằng nước sôi và sử dụng riêng biệt. Tạo môi trường sống trong lành và an toàn để giúp trẻ khỏe mạnh hơn.

- Cần cho trẻ ăn uống khoa học, bổ sung nhiều nước cho trẻ, nhất là các loại nước ép trái cây chứa nhiều vitamin. Chế độ ăn hàng ngày cần đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Đối với trẻ bú mẹ cần tăng cường cho bé bú thành nhiều lần trong ngày. Cần kiêng cho trẻ ăn các loại thức ăn có thể khiến trẻ đau rát, tổn thương miệng như thức ăn nóng, đặc.

Hiện tại bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng bao gồm: Thuốc giảm đau miệng và hạ sốt bằng cách lau mình bằng nước ấm, dùng thuốc hạ sốt Paracetamol (liều 10 – 15mg/kg/lần, mỗi lần cách nhau từ 4 - 6h), có thể phối hợp thêm Ibuprofen nếu không hạ sốt khi có chỉ định của các bác sĩ. Tuyệt đối không sử dụng Aspirin để hạ sốt, giảm đau cho trẻ.

Đưa trẻ đến ngay bệnh viện nếu thấy trẻ có một trong những biểu hiện sau:

  • Trẻ sốt cao liên tục 39 độ C không hạ sau khi đã hạ sốt tích cực.
  • Trẻ giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần.
  • Trẻ có biểu hiện run tay chân (khi đưa đồ chơi cho trẻ cầm), yếu chân tay, trẻ đi đứng loạng choạng.
  • Trẻ đảo mắt bất thường, nôn ói nhiều, quấy khóc (dỗ không nín), co giật, thở mệt…

Mời độc giả xem thêm video:

Bố Mẹ Cần Lưu Ý Những Dấu Hiệu Nào Khi Bệnh Tay Chân Miệng Ở Trẻ Trở Nặng- - SKĐS

BS Nguyễn Văn Dũng
Ý kiến của bạn