Những thông tin trên được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo "Ghép phổi từ người cho chết não - Thực trạng và giải pháp" do Bệnh viện Việt Đức tổ chức hôm nay (9/8) với sự tham gia của các chuyên gia về ghép tạng, điều phối ghép tạng, cũng như các chuyên gia về bệnh phổi hô hấp, tim mạch...
Cần thêm sự 'bắt tay' chặt chẽ của thầy thuốc ngoại khoa với nội khoa và điều phối
Phát biểu tại hội thảo, TS.BS Dương Dức Hùng – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, các thầy thuốc của bệnh viện đã thực hiện thành công 15 ghép tạng, mới đây nhất là ca ghép khí quản đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện tại đây. Con số này vượt mục tiêu đề ra và bệnh viện tự tin năm nay sẽ thực hiện thành công số ca ghép tạng đạt cao nhất từ trước đến nay.
"Để có được kết quả này ngoài sự nỗ lực không ngừng của các thầy thuốc, còn có có sự điều chỉnh trong ghép và vận động hiến tạng mà Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện thời gian qua. Cùng đó là sự hỗ trợ của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và sự hỗ trợ của các bệnh viện nội khoa" - TS Hùng nói. Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nhấn mạnh, hội thảo này là một trong những bước phối kết hợp của các đơn vị ngoại khoa, nội khoa, điều phối... làm sao để càng nhiều người bệnh được ghép tạng, trong đó có ghép phổi càng tốt.
TS Hùng cho hay, kể từ ca ghép phổi thành công đầu tiên cách đây 30 năm, ghép phổi đã nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn chăm sóc được thiết lập để điều trị bệnh phổi giai đoạn cuối ở những bệnh nhân có chỉ định ghép.
Những tiến bộ trong bảo tồn phổi, kỹ thuật phẫu thuật và chế độ ức chế miễn dịch đã dẫn đến việc thực hiện thường quy ghép phổi trên toàn thế giới cho ngày càng nhiều bệnh nhân, với các chỉ định rộng hơn.
Mặc dù vậy, tình trạng thiếu hụt người hiến tặng và rối loạn chức năng ghép phổi mạn tính vẫn là thách thức để ghép phổi đạt được tiềm năng đầy đủ của nó.
"Ghép phổi là một kỹ thuật thách thức đối với các trung tâm y tế trên thế giới. Dung dịch rửa và bảo quản phổi khác hoàn toàn dung dịch dành cho tim hay gan, thận. Cùng đó, công tác ghép phổi phải chuẩn bị trước, kỹ lưỡng. Một bệnh nhân ghép phổi nếu không chuẩn bị trước thì phổi được hiến cũng có thể không có tác dụng để ghép" - TS Dương Đức Hùng nói.
Chính vì thế, mặc dù ca ghép phổi đầu tiên được các thầy thuốc của Bệnh viện Việt Đức thực hiện vào ngày 12/12/2018 và cho đến nay sức khỏe của bệnh nhân vẫn tốt, tuy nhiên, đến nay bệnh viện cũng mới chỉ thực hiện được phần nửa trong tổng số 11 ca của cả nước, trong khi mỗi tuần tại đây thực hiện từ 3-4 ca ghép thận.
Các chuyên gia về bệnh hô hấp và tim mạch của Bệnh viện Bạch Mai tham luận tại hội thảo.
Vì sao không khuyến cáo lấy phổi của người hiến sống thực hiện ghép phổi?
Chia sẻ thêm thông tin, PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho hay, có một số lý do dẫn đến ghép phổi ở nước ta nói chung, Bệnh viện Việt Đức nói riêng chưa thực hiện được nhiều.
Thứ nhất ghép phổi là một trong những kỹ thuật khó của ghép tạng.
Thứ hai, để có phổi ghép phải lấy từ người cho chết não, bởi người sống hiến phổi thường thực hiện kỹ thuật rất phức tạp và nguy hiểm nên thế giới không khuyến cáo lấy phổi từ người sống để ghép cho người nhận mà chủ yếu là từ người cho chết não, chết tim.
Phân tích thêm, PGS Hệ cho biết, tại Việt Nam tỷ lệ người chết não hiến tạng đã thấp và nếu một người chết não có thể hiến cả 2 thận, gan, tim thì với phổi chỉ có khoảng 20% có thể lấy bởi kỹ thuật hồi sức và bảo quản phổi có những khó khăn hơn nhiều so với các tạng khác.
Cùng đó, hiện nay các bệnh về phổi mạn tính ngày càng nhiều. "Tôi đã từng đến 1 bệnh viện chuyên khoa phổi, các bác sĩ cho biết có khoảng 200 bệnh nhân đang điều trị bệnh phổi nhưng không có nguồn phổi hiến tặng để có thể tiến hành ghép phổi" - PGS Hệ nói và cho biết, lý do thứ ba là chi phí cho một ca ghép phổi khá cao.
PGS.TS Đồng Văn Hệ và PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết trao đổi thông tin về ghép phổi.
Về vấn đề điều phối, PGS Hệ thông tin đã có tình huống bệnh nhân đang chờ ghép phổi lại qua đời hoặc có khi có phổi thì không có người nhận phù hợp, hoặc gia đinh người chờ ghép phổi không đồng ý nhận. "Đấy chính là trăn trở của chúng tôi"- PGS Hệ nói.
Mặc dù vậy, tại hội thảo, các chuyên gia đều bày tỏ tin tưởng với nghiên cứu về cơ chế cơ bản của rối loạn chức năng ghép phổi cấp tính và mạn tính, những tiến bộ trong các phương pháp chẩn đoán và điều trị được cá nhân hóa cho cả phổi của người hiến tặng và người nhận ghép phổi, ngày càng có nhiều sự tin tưởng rằng chúng ta sẽ cải thiện kết quả ngắn hạn, dài hạn trong tương lai gần.
Trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay, ghép phổi ngoài kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng, chăm sóc sau ghép cũng không hề đơn giản, khác hoàn toàn với chăm sóc các ca ghép tạng khác.
Kề về ca ghép phổi đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức, ông Quyết nhớ lại đó là 1 bệnh nhân bị phổi tắc nghẹn mạn tính, rất nặng, ở giai đoạn cuối.
"Nếu như bây giờ các bác sĩ sẽ không chỉ định ghép, nhưng ở thời điểm đó để cứu bệnh nhân qua giai đoạn nguy kịch thì ghép phổi là giải pháp cuối cùng. Quá trình ghép cho bệnh nhân này không quá khó khăn nhưng sau đó hồi sức và chăm sóc cho bệnh nhân lại càng khó khăn hơn. Ê-kíp y bác sĩ phải chăm sóc suốt 24/24h trong nhiều tháng liền"- ông Quyết kể lại và nhấn mạnh, đến nay những khó khăn này trong mỗi ca ghép phổi vẫn còn nguyên vẹn.
Theo ông Quyết, mặc dù trình độ ghép tạng của chúng ta không thua kém thế giới, 'thậm chí ở Bệnh viện Việt Đức còn ghép thận nhanh hơn đồng nghiệp trên thế giới thực hiện' nhưng chúng ta cần đẩy mạnh số ca ghép phổi để không chỉ cứu sống thêm nhiều bệnh nhân cần ghép mà còn khẳng định thêm thương hiệu của ngành y tế Việt Nam bởi ghép phổi là một kỹ thuật khó nhất của ghép tạng...