Cách đây 8 tháng, vào ngày 12/12/2018, ca ghép hai phổi đầu tiên của Bệnh viện Việt Đức cho một bệnh nhân 17 tuổi đã được thực hiện thành công, với kíp mổ hoàn toàn là các thầy thuốc của bệnh viện.
Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân 17 tuổi này được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức từ Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng rất nặng, nằm trên giường thở ô xy liên tục, tình trạng suy dinh dưỡng rất nặng (chỉ số BMI = 13,3). Bệnh nhân đã được sinh thiết và chẩn đoán xác định mắc bệnh Bệnh mô bào ở Phổi (một dạng bệnh ung thư rất đặc biệt – không có giải pháp điều trị triệt để), và được truyền hóa chất nhiều đợt. Sự sống mong manh như ngọn đèn trước gió v và nếu không được ghép phổi thì bệnh nhân sẽ tử vong sớm.
GS.TS Nguyễn Hữu Ước- người trực tiếp ghép phổi cho bệnh nhân này nhớ lại, ca phẫu thuật ghép phổi bắt đầu được thực hiện từ 9 giờ ngày 12/12/2018, kết thúc lúc 23 giờ cùng ngày. Hai ngày đầu sau ghép, tình trạng bệnh nhân ổn định như dự kiến; hoạt động phổi ghép tốt; mô phổi co hồi vừa với lồng ngực người nhận phổi, nên đã được ngừng ECMO, mổ đóng vết mổ ngực và mở khí quản chăm sóc phổi. Sau 10 ngày ghép phổi, diễn biến sức khoẻ bệnh nhân rất thuận lợi, các thông số chuyên môn liên quan đến phổi ghép đều tiến triển tốt. Điều này chứng tỏ ca ghép hai phổi đã rất thành công về kỹ thuật.
“Đến nay, phổi ghép của bệnh nhân này vẫn hoạt động tốt và bệnh nhân tiếp tục được điều trị phục hồi chức năng hô hấp và điều chỉnh các rối loạn thường gặp sau ghép phổi. Bên cạnh đó, các tạng suy của bệnh nhân trước đó hiện đã ổn định. 10 tạng suy trước lúc ghép phổi, giờ đã có 8-9 tạng tốt lên rất nhiều, chức năng tim, gan, thận tốt lên thấy rõ, hiện chỉ còn 1-2 tạng đang dần hồi phục.
8 tháng sau ca ghép phổi đầu tiên thành công tại Bệnh viện Việt Đức, sức khỏe bệnh nhân dần tốt lên
Thành công này của các thầy thuốc Bệnh viện Việt Đức đã mở ra nhiều cơ hội điều trị cho các bệnh nhân bệnh phổi giai đoạn cuối có chỉ định ghép phổi hoặc ghép tim và phổi tại Việt Nam”- PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cho biết
GS.TS Nguyễn Hữu Ước cũng chia sẻ thêm, thực sự 8 tháng qua, quá trình theo dõi, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân ghép phổi này là một “cuộc chiến âm thầm” rất tích cực của chính các thầy thuốc trong Khoa nói riêng và các Khoa, phòng liên quan của Bệnh viện cũng như của gia đình bệnh nhân.
“Qua đó, bản thân các thầy thuốc chúng tôi cũng trưởng thành hơn, rèn luyện mình hơn trong thực tế của ca ghép phổi này. Chính các chuyên gia của Bệnh viện Quốc gia Đài Loan chiều hôm qua đến thăm bệnh nhân này còn ngạc nhiên vì sao chúng tôi có thể làm được thành công đến thời điểm này một ca khó như vậy”- GS.TS Ước nói
GS.TS Nguyễn Hữu Ước cũng chia sẻ sau thành công của ca ghép này có rất nhiều bệnh nhân- khoảng 50 trường hợp bị các bệnh lý liên quan đến phổi như xơ hóa phổi, tắc nghẽn phổi, tăng áp phổi... đã tìm đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để được tư vấn về ghép phổi. Hiện tại đang có 4 bệnh nhân đang chờ ghép phổi, sự sống đang tính bằng tuần, bằng tháng.
Tuy nhiên, do ghép phổi là một kỹ thuật phức tạp đòi hỏi nhiều yếu tố về nguồn cho/ người ghép có đảm bảo đầy đủ các yếu tố từ sức khỏe, tài chính, pháp lý... nên hiện vẫn chưa đủ điều kiện để có thể tiến hành thêm các ca ghép tiếp theo.
Tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành về ghép phổi đã trình bày chi tiết và giải đáp nhiều thắc mắc xung quanh chủ đề ghép phổi - một lĩnh vực còn rất mới ở Việt Nam, và cung cấp nhiều thông tin kinh nghiệm quý giá cho đội ngũ thầy thuốc và bệnh nhân có nhu cầu ghép phổi trong tương lai ở Việt Nam.
Đài Loan cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản là những quốc gia có nền y tế rất phát triển ở châu Á. Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Ước, Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan, đạt tiêu chuẩn quốc tế về nghiên cứu khoa học, đào tạo và thực hành y khoa - trong đó có lĩnh vực Tim mạch và Lồng ngực (ECMO, ghép tim, ghép phổi, mổ phổi bằng phẫu thuật nội soi một lỗ dưới gây mê không đặt ống thở…), có số ca ghép phổi trên 100 ca (chiếm trên 50% tổng số ở toàn Đài Loan), với nhiều kinh nghiệm liên quan tới mọi mặt xung quanh chủ đề ghép phổi, từ thành lập mạng lưới toàn quốc cho vấn đề lựa chọn bệnh nhân, theo dõi, ECMO sau ghép, hỗ trợ tài chính…
“Do đó, với ê kip có phẫu thuật viên chính trong ghép phổi, bác sĩ chuyên chạy ECMO chính, bác sĩ gây mê hồi sức… sang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lần này sẽ là cơ hội tốt để các bác sỹ, điều dưỡng, phẫu thuật viên lồng ngực, thầy thuốc về phổi, ghép tạng của không chỉ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mà các bạn đồng nghiệp từ các Bệnh viện trong cả nước, khu vực được tiếp cận và cập nhật các kiến thức, kỹ thuật mới liên quan đến ghép phổi để có thể phối hợp cùng chúng tôi trong việc lựa chọn, tìm bệnh nhân ghép phổi phù hợp với các điều kiện thực tế”- PGS.TS Nguyễn Hữu Ước nói