Những thông tin này được bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) nhấn mạnh tại hội thảo "Cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu trong thực hiện các nghiên cứu đánh giá công nghệ y tế" với sự tham gia của các các chuyên gia đến từ Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam và các đơn vị liên quan diễn ra ngày 20/6 tại Hà Nội.
Theo bà Trần Thị Trang thông tin dữ liệu nói chung là nguồn tài nguyên rất quan trọng, quý báu, có giá trị thực tiễn cao với hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức thực thi trong thực tế. Thông tin dữ liệu sẽ quyết định chất lượng, sự thành công, tính khả thi của nhiều hoạt động, trong lĩnh vực xây dựng chính sách pháp luật càng quan trọng.
"Đối với lĩnh vực y tế, nguồn tài nguyên này hết sức quan trọng trong việc xây dựng hoạch định chính sách, để có nhiều chính sách tốt, khả thi đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho người dân, hoạt động của cơ quan y tế" - bà Trang phân tích.
Khẳng định đánh giá công nghệ y tế góp phần nâng cao chất lượng, tạo lập can thiệp y tế có phi phí hiệu quả. Trong lĩnh vực y tế có nhiều hoạt động như xây dựng hướng dẫn chẩn đoán điều trị, danh mục thuốc tất yếu, danh mục thuốc được BHYT chi trả, vật tư y tế…, Vụ trưởng Trần Thị Trang nêu rõ: Để xây dựng các danh mục này khả thi, hiệu quả, chi phí thấp mà chất lượng vẫn đảm bảo chúng ta cần thu thập dữ liệu thông tin, đánh giá công nghệ y tế để biết được nên đưa danh mục kỹ thuật nào, thuốc nào, ở giai đoạn, phạm chi chi trả như thế nào, chi trả ở tuyến nào…
"Hiện nay thuốc được ứng dụng đánh giá công nghệ y tế sớm nhất, đầy đủ nhất"- bà Trang nói và dẫn chứng: Chẳng hạn muốn đưa thuốc tâm thần về quản lý tại trạm y tế xã thì phải cần thu thông tin, đánh giá công nghệ y tế để biết số lượng bác sĩ ở tuyến xã, bao nhiêu bác sĩ ở tuyến này được học về tâm thần…
Thông tin tai hội thảo cho biết, Bộ Y tế mới đây ban hành tài liệu hướng dẫn đánh giá kinh tế dược. Hướng dẫn nhằm từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng báo cáo trong quá trình đề xuất, xây dựng, cập nhật Danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Trong đó, có các nội dung liên quan đánh giá kinh tế y tế (thông tin thuốc được đánh giá, thuốc/công nghệ so sánh (nếu có)), báo cáo tác động ngân sách (lên quỹ BHYT, lên người bệnh (chi phí đồng chi trả))…
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, đánh giá công nghệ y tế đã và đang được coi là công cụ quan trọng đối với quá trình thiết lập ưu tiên và hoạch định chính sách y tế, đặc biệt trong việc xây dựng các gói quyền lợi BHYT.
Các chuyên gia cũng cho rằng, với cơ cấu chi từ quỹ BHYT tại Việt Nam hiện nay, danh mục thuốc vẫn chiếm cơ cấu chi lớn nhất với hơn 30% tổng chi. Trong khi đó, tỷ lệ người dân phải chi tiền túi trong khám, chữa bệnh còn cao. Vì vậy, có thể sử dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế để lựa chọn mua sắm chi tiêu y tế phù hợp, nhằm giảm chi tiền túi của người dân.
Chẳng hạn, việc đánh giá công nghệ y tế đối với các loại thuốc sẽ là bằng chứng khoa học về chi phí và hiệu quả. Từ những đánh giá này, các đơn vị có thể xây dựng được danh mục thuốc BHYT bổ sung hợp lý với ngân sách hiện có. Đồng thời, đánh giá lâm sàng, kinh tế, chất lượng sống, qua đó đưa ra được những can thiệp điều trị cho người bệnh phù hợp.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, trong điều kiện nguồn lực dành cho y tế còn hạn chế nhưng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, điều này, đòi hỏi quỹ BHYT cần phải bao phủ nhiều dịch vụ y tế một cách hiệu quả hơn.
Đến năm 2023, cả nước đã có trên 93,6 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35% dân số, vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.
Số lượt người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh BHYT tăng nhanh, năm 2023 là 174 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT (tăng 4% so với năm 2020).
Giai đoạn từ năm 2009 - 2023, bình quân lượt khám chữa bệnh BHYT mỗi năm là trên 141 triệu lượt/năm (tăng 59,5% so với năm 2009), với tổng chi phí khám chữa bệnh bình quân 66,2 nghìn tỷ đồng/năm (tăng 330% so với năm 2009).
Đặc biệt, trong giai đoạn cả nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội càng được phát huy, góp phần chăm sóc sức khỏe, ổn định đời sống Nhân dân, tạo thêm niềm tin vững chắc vào chính sách an sinh xã hội giàu tính nhân văn của Đảng và Nhà nước...