Bên cạnh đó các đơn vị chức năng được giao nhiệm vụ cũng sẽ thảo luận, xem xét đưa ra khỏi Danh mục thuốc BHYT những thuốc không đạt hiệu quả về điều trị hoặc chi phí điều trị, để giảm bớt gánh nặng của quỹ BHYT.
ThS Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế đã nhấn mạnh thông tin này trong hội nghị triển khai cho các đơn vị về công tác đánh giá công nghệ y tế để xây dựng danh mục thuốc BHYT do Vụ BHYT và Tổng hội Y học Việt Nam đồng tổ chức trong 2 ngày14-15/12.
Nhiều quốc gia trong khu vực đã áp dụng đánh giá công nghệ y tế
Theo ThS Trần Thị Trang, việc triển khai đánh giá công nghệ y tế là rất cần thiết, vì tới đây, Bộ Y tế sẽ cập nhật Danh mục thuốc BHYT, nên tác động khá lớn đến quỹ BHYT.
Vì thế, cần giúp các đơn vị chuẩn bị tốt với tính khoa học, chính xác, khách quan, tuân thủ nguyên tắc của đánh giá công nghệ y tế khi xây dựng hồ sơ Danh mục thuốc BHYT, vừa bảo đảm tính mới, tính hiệu quả, đồng thời, cũng phải tính đến tác động đối quỹ BHYT.
Vụ trưởng Trần Thị Trang thông tin để bổ sung các loại thuốc mới, can thiệp y tế hiện đại vào quyền lợi BHYT cần có đánh giá tác động về hiệu quả và chi phí. Công cụ để thực hiện là đánh giá công nghệ y tế. Tuy nhiên, đến nay tại Việt Nam khai niệm này còn khá mới mẻ. Trong khi đó, nhiều quốc gia trong khu vực đã áp dụng đánh giá này để xây dựng danh mục thuốc BHYT và đàm phán giá thuốc.
"Mô hình bệnh tật tại nước ta đã có nhiều thay đổi, chúng ta đang có gánh nặng bệnh tật từ bệnh không lây nhiễm và các loại bệnh truyền nhiễm. Trong khi đó, nhiều loại thuốc mới, có hiệu quả điều trị cao còn chưa được đưa vào danh mục thuốc BHYT. Việc đánh giá công nghệ y tế đối với các loại thuốc sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có căn cứ để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT"- bà Trang cho hay
Điểm mới của việc cập nhật Danh mục thuốc BHYT lần này là thông qua đánh giá công nghệ y tế sẽ khuyến nghị doanh nghiệp điều chỉnh giá thuốc phù hợp, để tăng tỉ lệ chi trả, giảm chi tiền túi để những người thu nhập thấp tiếp cận được với thuốc có giá cao, hiệu quả điều trị tốt.
"Hiện, Bộ Y tế đang triển khai các giải pháp để bảo đảm cân đối quỹ BHYT cũng như quyền lợi của người tham gia BHYT như đàm phán giá với các thuốc bản quyền, các chương trình hỗ trợ thuốc cho người bệnh ung thư và đề xuất triển khai thêm các gói BHYT bổ sung"- bà Trang thông tin.
Đánh giá công nghệ y tế là cơ sở để lựa chọn thuốc, đàm phán giá thuốc và chi trả thuốc mới BHYT
GS.TS Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng thông tin vào năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới đã kêu gọi các quốc gia ứng dụng đánh giá công nghệ y tế trong việc đưa ra quyết định lựa chọn can thiệp ưu tiên.
Ông cũng nhấn mạnh việc sử dụng đánh giá công nghệ y tế tại các thời điểm khác nhau sẽ cung cấp thông tin cho việc ra quyết định, nhằm thúc đẩy một hệ thống y tế công bằng, hiệu quả và chất lượng cao. Mục đích của đánh giá công nghệ y tế là phục vụ xây dựng chính sách.
Cũng theo ông Minh, đánh giá công nghệ y tế là cơ sở để lựa chọn thuốc và đàm phán giá thuốc, dựa trên việc phân tích chi phí hiệu quả của thuốc mới so với thuốc cũ. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh xu hướng thâm hụt quỹ BHYT rất lớn và giải pháp tăng thu, giảm chi cũng không đảm bảo được.
Điá công nghệ y tế, đặc biệt là phương pháp phân tích chi phí- hiệu quả ngày càng có vai trò quan trọng trong việc xác định ưu tiên nguồn lực y tế tại Việt Nam.
Ông Minh dẫn chứng đánh, đánh giá công nghệ y tế được áp dụng tại Hoa Kỳ vào năm 1976, tại Thụy Điển năm 1980. Tại Châu Á, đánh giá công nghệ y tế được áp dụng tại Hàn Quốc vào năm 1990, tại Malaysia vào năm 1995, Philippines năm 1998, Thái Lan năm 2007 và áp dụng triệt để trong đàm phán giá thuốc rất hiệu quả, tiết kiệm ngân sách; Trung Quốc vào năm 2008.
ThS. DS Vũ Nữ Anh - Vụ BHYT (Bộ Y tế) lưu ý về các bằng chứng khách quan qua đánh giá công nghệ y tế trong nước hoặc quốc tế, đảm bảo minh bạch. Tất cả các thuốc có khả năng làm thuốc so sánh đều được cân nhắc, biện giải lý do; cần cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện sử dụng, trang thiết bị đi kèm… Tạm thời áp dụng ngưỡng chi trả theo khuyến cáo của WHO…
TS.BS Ong Thế Duệ - Viện Chiến lược và chính sách y tế thông tin, vai trò của phân tích - đánh giá tác động ngân sách (BIA) trong hoạch định chính sách tại Việt Nam được xác định "là bằng chứng bắt buộc để xem xét bổ sung thuốc mới vào danh mục BHYT; quy định điều kiện, tỷ lệ thanh toán BHYT; mở rộng tuyến/cấp chuyên môn (trừ nhóm thuốc giải độc, cấp cứu, thuốc đặc thù phục vụ nhiệm vụ chính trị".
Cùng quan điểm về nội dung này, TS. Kiều Thị Tuyết Mai - Khoa Quản lý và Kinh tế Dược, Đại học Dược Hà Nội nhấn mạnh: phân tích tác động ngân sách (BIA) là một phần thiết yếu trong đánh giá kinh tế toàn diện về công nghệ chăm sóc sức khoẻ. Ngày nay BIA thường được yêu cầu thực hiện cùng với phân tích chi phí - hiệu quả (CEA) trước khi phê duyệt hoặc chấp nhận chi trả cho thuốc mới.
Tại hội nghị đánh giá công nghệ y tế với nội dung nâng cao hiệu quả sử dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế trong xây dựng gói quyền lợi BHYT tổ chức mới đây, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay, ở nhiều quốc gia trên thế giới, đánh giá công nghệ y tế đã và đang được coi là công cụ quan trọng đối với quá trình thiết lập ưu tiên và hoạch định chính sách y tế, đặc biệt trong việc xây dựng các gói quyền lợi BHYT.
Ở Việt Nam, nguồn lực dành cho y tế còn hạn chế, trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao. Điều này, đòi hỏi quỹ BHYT cần phải bao phủ nhiều dịch vụ y tế một cách hiệu quả hơn.
"Đánh giá công nghệ y tế đã trở thành công cụ cần thiết được phát triển và ứng dụng trong quá trình hoạch định chính sách y tế, chính sách BHYT. Trong đó, một trong những nội dung cần tập trung là ứng dụng công nghệ y tế trong xây dựng gói quyền lợi BHYT tại Việt Nam và kế hoạch phát triển trong thời gian tới"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.