Bệnh nhân Nguyễn Thị Hợp, 61 tuổi (xã Tu Vũ, Thanh Thủy, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng liệt nửa người phải và không nói được. Được biết, bệnh của người bệnh Hợp khởi phát lúc 18h30p ngày 26/7/2019, sau khi phát bệnh người nhà đã đưa đến trung tâm y tế huyện, tại đó các bác sĩ đã cho chụp CT sọ não nhưng không phát hiện chảy máu não đã chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Theo như chia sẻ của gia đình, bệnh nhân Hợp có tiền sử bệnh lý về tim mạch, suy tim có điều trị thuốc nhưng không rõ loại. Buổi chiều trước khi phát bệnh, bà vẫn ở nhà trông cháu và đang nằm xem tivi, thì đột nhiên bị tê chân tay rồi dẫn đến liệt nửa người và không nói được.
Tiếp nhận người bệnh tại Trung tâm Đột quỵ, các bác sĩ đã nhanh chóng phán đoán và theo dõi đột quỵ não, đánh giá tình trạng, xem phim chụp của tuyến huyện và sử dụng biện pháp tiêu huyết khối. Tuy nhiên, cải thiện của người bệnh chậm, bác sĩ chỉ định chụp CT sọ não kết hợp với ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo Rapid.
Những cục máu đông được lấy ra sau khi tái thông hoàn toàn mạch não của người bệnh.
Bác sĩ Trần Quang Lục - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết: “Sau khi chụp CT sọ não kết hợp với ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo Rapid, chúng tôi định lượng được tổn thương của não (vùng não chết và não có nguy cơ chết) trên hình ảnh của trí tuệ nhân tạo cho thấy vùng não chết có thể tích rất nhỏ (lõi nhồi máu) trong khi đó vùng não có nguy cơ tổn thương rộng do đó bác sĩ quyết định tái thông mạch cứu vùng não có nguy cơ bị tổn thương hoặc có nguy cơ chết mặc dù đã quá "giờ vàng"".
Bác sĩ Lục cũng cho biết thêm: Hệ thống trí tuệ nhân tạo Rapid giúp lượng hóa được các tổn thương của não từ đó giúp bác sĩ có cơ sở vững chắc để đưa ra quyết định tái thông mạch cho người bệnh đặc biệt là những người bệnh đến muộn sau 6 – 24 giờ.
Sau 3 ngày điều trị sức khỏe của người bệnh cải thiện rõ rệt, người bệnh đã đi lại được và giao tiếp trở lại.
Theo các bác sĩ, đột quỵ não hiện nay đang ngày càng gia tăng và có phương hướng trẻ hóa, không chỉ riêng người bệnh Nguyễn Thị Hợp, đã có rất nhiều người bệnh bị đột quỵ khi đến với Trung tâm đột quỵ- Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ khi đã quá “giờ vàng”. Tuy nhiên với nền y học hiện nay, đa phần các ca bệnh đều được cứu chữa kịp thời, mang lại hiệu quả cao.
– Dấu hiệu ở thị lực: Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt, tuy nhiên biểu hiện này không rõ ràng nên người xung quanh khó nhận ra. Chỉ có người bệnh khi nhận thấy mình có dấu hiệu bất thường mới đến cơ sở y tế để được cấp cứu ngay.
– Dấu hiệu ở mặt: Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt khi người bệnh nói hoặc cười thì sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt.
– Dấu hiệu ở tay: Cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác. Ngoài ra thì người bệnh cũng cảm thấy đi lại khó khăn, không nhấc chân lên được.
– Dấu hiệu qua giọng nói: Người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được.
– Dấu hiệu qua nhận thức: Người bệnh có biểu hiện rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.
– Dấu hiệu ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.
Nếu thấy một người có những dấu hiệu trên cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” giúp người bệnh phục hồi nhanh, ít để lại di chứng.