Trị liệu heparin ngắn ngày được sử dụng như một liệu pháp cầu nối cho tới khi tìm được liều thích hợp của các thuốc chống đông đường uống, là lựa chọn điều trị dự phòng đột quỵ thứ phát ở bệnh nhân mắc rung nhĩ không do bệnh van tim. Tuy nhiên tính hiệu quả và an toàn của giải pháp này vẫn chưa rõ ràng, vì vậy TS. Riccardo Altavilla, Trường đại học Perugia, Ý cùng cộng sự đã sử dụng dữ liệu của hơn 1.800 bệnh nhân tham gia các nghiên cứu để so sánh kết quả thu được khi bệnh nhân sử dụng hoặc không sử dụng liệu pháp cầu nối heparin.
Kết quả, nhóm bệnh nhân sử dụng liệu pháp cầu nối gặp phải các biến cố như đột quỵ, cơn thiếu máu não thoáng qua, tắc mạch hệ thống, chảy máu não có triệu chứng và chảy máu ngoài não trầm trọng nhiều gấp hai lần so với nhóm không sử dụng liệu pháp cầu nối. Kết quả của các phân tích thống kê khác nhau trong nghiên cứu cho thấy liệu pháp cầu nối làm tăng độ chênh hoặc nguy cơ về biến cố tổng, thiếu máu cục bộ và chảy máu so với việc không dùng liệu pháp cầu nối.
Ngoài ra, các dữ liệu này cũng cho thấy việc sử dụng liệu pháp cầu nối không đem lại hiệu quả cho bệnh nhân bắt đầu sử dụng wafarin sau đột quỵ. Bên cạnh nguy cơ gây chảy máu, nghiên cứu này còn có thêm bằng chứng về việc liệu pháp cầu nối có thể không làm giảm nguy cơ huyết khối trên đối tượng bệnh nhân trong nghiên cứu.