Tức là, học trò và đàn em bị các thầy, các đàn anh đàn chị 'mắng' trong quá trình đi học thậm chí là khi đã tốt nghiệp và bắt đầu hành nghề. Có nhiều thầy cô đã trở thành "giai thoại" khi chỉ cần nhắc đến tên là học trò sẽ nghĩ ngay đến chữ 'mắng', đôi khi còn là nỗi ám ảnh của các học trò.
Cũng phải thôi, cái nghề liên quan đến tính mạng con người mà. Rồi các thầy, đàn anh đàn chị thường bị căng thẳng, stress trong lúc khám chữa bệnh nữa. Không biết có phải không nhưng dường như các thầy ngoại khoa thì hay mắng các học trò hơn, nhất là trong các ca mổ vì tính cấp thiết khi cứu chữa người bệnh. Nhiều thầy, đàn anh trong phòng mổ còn "chua ngoa" đến mức khó chịu cho cả người bị mắng lẫn những người xung quanh.
Chuyện mắng có khi trở thành thường nhật, khi các thầy, đàn anh đàn chị chỉ bảo, dạy dỗ truyền đạt kiến thức cho thế hệ sau: 'Mắng cho chúng nó tiến bộ'. Còn học trò, đàn em thì lại tự an ủi mình: Không bị mắng, không được mắng lại thấy nhớ!
Ngày xưa mới đi làm tôi cũng thi thoảng bị mắng, lúc đó tôi nghĩ: Nếu có cái lỗ nào ở đó chắc tôi chui xuống cho đỡ xấu hổ. Tôi tự dặn lòng mình sẽ cố gắng không mắng các đàn em. Nhưng đến khi đã đi làm nhiều năm, được đánh giá là có tay nghề 'cứng' hơn thì nhiều lúc tôi lại rơi vào cái "vết xe đổ" ấy, cũng nổi cáu với các em học viên khi các em phạm lỗi. Mặc dù mắng xong tôi lại thấy hối hận, mặc dù không phải là mình mắng vô cỡ. Lúc đó tôi thường chữa cháy bằng câu nói vui: Lúc nào rảnh em cho tôi làm cái lễ "sám hối", vì đã trót mắng em.
Trong một hội thảo về Đổi mới giáo dục tại Trường Đại học Y Hà Nội, các giảng viên được nghe một giáo sư người Anh chia sẻ một nghiên cứu rất thú vị: Với học viên Nội trú khi bị các thầy mắng thì các em bị stress (căng thẳng) tăng lên và sẽ khó tiếp thu kiến thức hơn. Chứ không như chúng ta thường nghĩ: Mắng là đang giúp cho học trò.
Trong tiến trình đổi mới giáo dục hiện nay, tôi cũng thấy một nội dung rất thú vị mà chương trình đổi mới thường đưa ra trong các buổi trao đổi là các thầy cô phải tìm cách nâng đỡ, khích lệ các học trò của mình bằng các biện pháp có thể làm là khen nhiều hơn, khen trước phê bình sau, ... tức là có phê bình thì tế nhị hơn. Có thể quá trình thay đổi cũng không phải là dễ, vì dường như thói quen của chúng ta từ trước đến nay là thường tiết kiệm lời khen lắm, và lúc nào cũng nghĩ các em vẫn còn kém lắm, cần phải học hỏi nhiều! Nhưng cá nhân tôi cho rằng, chung ta, nhưng người thầy, người đàn anh vẫn có thể thay đổi được các thói quen dù có thể đã ăn sâu vào tiềm thức, chỉ là cần có thêm thời gian.
Tất nhiên, người thầy tốt, có mắng học trò cũng chỉ vì mong muốn trò của mình tiến bộ, hơn là những người thầy, người đàn anh mắng chỉ vì thấy ghét, chỉ cho thỏa cái tôi cao ngạo. Có nhiều người thầy cũng hay mắng, mà học trò lại càng thấy quý thầy hơn.
Tôi lại nhớ đến lời thiền sư Thích Nhất Hạnh, để thi thoảng tự răn mình, và thông cảm cho người khác:
"Một người tức giận là do không giải quyết được những đau buồn của mình. Họ là nạn nhân đầu tiên của sự đau buồn đó, còn bạn là người thứ hai. Hiểu được điều này, lòng tư bi sẽ nảy nở trong tim và sự tức giận sẽ tan biến. Đừng trừng phạt họ, thay vào đó, hãy nói gì đó, làm gì đó để vơi bớt nỗi đau buồn."
Tức là, người thầy có hạnh phúc thì học trò cũng sẽ có hạnh phúc.
Và, khi các thầy, đàn anh tỏ ra chuyên nghiệp, thì các trò, đàn em cũng sẽ dần dần chuyên nghiệp.
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.)